Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 659/QĐ-TTg ngày 20/5/2020, phê duyệt Chương trình chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp giai đoạn 2020 – 2030 và có hiệu lực kể từ ngày ký.
Theo đó Chương trình chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động với mục tiêu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho người lao động, khuyến khích lối sống, dinh dưỡng lành mạnh tại nơi làm việc, phòng, chống bệnh, tật và bệnh nghề nghiệp cho người lao động, bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước, các chỉ tiêu cụ thể được nêu ra là các địa phương hoàn thành việc xây dựng được cơ sở dữ liệu quan trắc môi trường lao động, bệnh nghề nghiệp vào năm 2025 và kết nối với hệ thống dữ liệu quốc gia vào năm 2030; quản lý cơ sở lao động có yếu tố có hại gây bệnh nghề nghiệp: quản lý được 50% số cơ sở lao động vào năm 2025 và đạt 80% vào năm 2030. Kiểm tra 30% cơ sở lao động có yếu tố có hại gây bệnh nghề nghiệp vào năm 2025 và 50% vào năm 2030; 100% cơ sở lao động có sử dụng amiăng được giám sát, quan trắc môi trường lao động theo quy định vào năm 2025.
Đến năm 2025, lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người lao động không có hợp đồng lao động vào hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu tại y tế cơ sở 100% các cơ sở lao động được tư vấn về các bệnh không lây nhiễm, thực hiện các biện pháp phòng chống, nâng cao sức khỏe, dinh dưỡng hợp vệ sinh, phù họp điều kiện lao động, tăng cường vận động tại nơi làm việc.
Quản lý sức khỏe người lao động tại các cơ sở lao động có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp, bao gồm cả người lao động tiếp xúc với amiăng: 50% người lao động tại các cơ sở lao động có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp được tiếp cận thông tin về yếu tố có hại, biện pháp phòng chống và được khám phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp vào năm 2025 và đạt 100% vào năm 2030.
Phấn đấu để người lao động được chăm sóc, bảo vệ sức khỏe
Đến năm 2025, 100% người lao động tiếp xúc với amiăng được quản lý sức khỏe, khám bệnh nghề nghiệp; 100% cơ sở lao động có sử dụng amiăng được giám sát, quan trắc môi trường lao động theo quy định; 100% người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được sơ cấp cứu tại nơi làm việc, khám bệnh, điều trị và phục hồi chức năng.
Đến năm 2025 giảm 15% các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể tại các cơ sở lao động và đến năm 2030 giảm 25% so với giai đoạn 2010-2018.
Đến năm 2030, 100% người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất được tư vấn và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng chống HIV/AIDS và nuôi con bằng sữa mẹ (lao động nữ).
Chương trình dự kiến được triển khai trên toàn quốc từ năm 2020 đến năm 2030 và ưu tiên triển khai đối với các cơ sở lao động nhỏ, vừa, khu nông nghiệp, làng nghề, lao động nữ, lao động cao tuổi, lao động không có hợp đồng... Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đưa ra một số giải pháp để triển khai thực hiện Chương trình có hiệu quả như: Đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, nhân lực cho việc giám sát sức khỏe, điều trị, giám định, phục hồi chức năng; Nhân rộng mô hình phòng chống các bệnh truyền nhiễm…./.
Tin, ảnh: Việt Bách, BBT