Văn hóa - Nghệ thuật Văn hóa - Nghệ thuật
Vũng Tàu lan tỏa phong trào văn nghệ quần chúng
11:12 | 27/10/2017 Print   E-mail    

Bằng niềm đam mê, những ca sĩ, diễn viên không chuyên của các tầng lớp nhân dân đã xây dựng phong trào văn nghệ quần chúng (VNQT), tạo thành một “suối nguồn” trong dòng chảy đời sống tinh thần của người dân TP. Vũng Tàu. Cùng với đó là sự quan tâm, nỗ lực của ngành Văn hóa địa phương trong việc phát triển phong trào VNQT ở cơ sở.

 

Những năm qua, phong trào VNQT trên địa bàn TP. Vũng Tàu đã lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, từ thôn, ấp, khu phố, phường, xã. Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học... trên địa bàn thành phố đều xây dựng đội VNQT riêng phục vụ nhu cầu thưởng thức văn nghệ của đồng nghiệp, bạn bè, đồng thời, tham gia thi văn nghệ các cấp. Đây là những sân chơi thú vị, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của người dân. Mỗi tiết mục văn nghệ ở cơ sở là “cây nhà lá vườn”, nhưng được các đội chăm chút, từ trang phục, đạo cụ đến biểu diễn.

Tiết mục văn nghệ “Vũ điệu gáo dừa” của đội văn nghệ phường Thắng Nhất tại hội diễn NTQC TP.Vũng Tàu năm 2017.

Tối thứ Bảy, sân trụ sở UBND Phường 10 trở nên sôi động. Đứng từ xa, đã nghe văng vẳng những lời ca “Những đầm sen, những dòng sông lấp lánh trăng sao, những xóm thôn đồng xanh trải rộng, nhịp cầu tre lắt lẻo dòng kênh, in dáng hình người con gái quê tôi. Áo bà ba, súng quàng vai hôm sớm ra đi, mái tóc xanh quyện hương trái ngọt, mặt mịn hoa dáng đẹp tình yêu, son sắc thuỷ chung giữ quê nhà...” của 12 thành viên đội văn nghệ khu phố 2, phường 10. Tuy đã ở độ tuổi 50, 60 nhưng các ca sĩ của đội văn nghệ khu phố 2 đã hóa thân thành những cô gái miền Tây, vẫn thể hiện nét duyên dáng trong bộ quần áo bà ba, quàng chiếc khăn rằn, đầu đội nón lá, gương mặt tươi vui, miệt mài tập luyện bài hát “Những cô gái đồng bằng sông Cửu Long” để chuẩn bị biểu diễn trong một buổi giao lưu thơ ca. Bà Nguyễn Thị Khuê (60 tuổi, nhà ở 710/5/5/26 Bình Giã), trưởng đội văn nghệ khu phố 2 cho biết, đội thành lập từ năm 2012. Ban đầu chỉ là những người yêu văn nghệ tập hợp lại với nhau, sinh hoạt ở khu phố vào tối thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần. Dần dần, đội mở rộng giao lưu với các đội văn nghệ của khu phố khác, rồi tham gia thi văn nghệ ở phường, thành phố và giao lưu với các đội văn nghệ ở Bình Dương. Sản phẩm văn nghệ của đội đa dạng về thể loại: từ những bài hát về Đảng, Bác Hồ, quê hương, dân ca 3 miền Bắc-Trung-Nam, quan họ, chèo... đến những điệu múa của dân tộc Mèo, Thái, Tày, Mường. “Chúng tôi tìm tòi, học hỏi trên mạng internet các bài hát, điệu múa, rồi mỗi người sáng tạo, góp ý thêm những điệu múa, cách diễn để mỗi tiết mục văn nghệ thêm hay hơn. Bên lề những buổi tập văn nghệ là câu chuyện chia sẻ về chồng, con, về thành tích học tập cháu nội, cháu ngoại của các thành viên trong đội. Văn nghệ như những thang thuốc bổ vậy, tôi luôn thấy sôi nổi và vui vẻ hơn”, cô Trần Thị Thanh Bình (56 tuổi, nhà ở 189A13B1 Lưu Chí Hiếu) thành viên đội văn nghệ khu phố 2, phường 10 chia sẻ.

Ông Trần Xuân Lộc, Trưởng khu phố 8, phường 7, TP. Vũng Tàu cho biết: “Đội văn nghệ của khu phố 8 có 20 người, độ tuổi từ 25-70. Mỗi lần hội họp, bà con trong khu phố lại được thưởng thức những tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn”. Chúng tôi thường hát những ca khúc về Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước, nhạc tiền chiến. Các dịp lễ, tết, chúng tôi còn phối hợp với đội nghệ thuật quần chúng của phường biểu diễn văn nghệ phục vụ bà con”.

Trong tình hình trên địa bàn TP. Vũng Tàu còn thiếu các chương trình nghệ thuật của đoàn múa ca nhạc chuyên nghiệp trong và ngoài tỉnh về biểu diễn thì việc thành lập và sinh hoạt của đội VNQT cơ sở đã đáp ứng phần nào nhu cầu thưởng thức văn hóa, văn nghệ của người dân. Ông Mã Hồng Mao, Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin-Thể thao TP. Vũng Tàu cho biết, các khu phố, phường trên địa bàn thành phố đã biết các huy động nhiều nhân tố có năng khiếu văn nghệ của nhiều tầng lớp quần chúng tham gia phong trào văn nghệ. Từ đó, đối tượng văn nghệ được mở rộng, từ học sinh, giáo viên, công chức, đoàn viên thanh niên đến các lực lượng vũ trang. “Hiện nay, có gần 90% khu phố, thôn của các xã, phường trên địa bàn TP. Vũng Tàu đội văn nghệ. Vào các buổi hội họp khu phố, thôn, họ cũng tổ chức hát, múa, làm cho không khí thêm vui tươi, sôi động hơn”, ông Mao nói.

Những năm gần đây, được sự quan tâm của lãnh đạo các xã, phường nên phong trào văn nghệ quần chúng từ khu dân cư đến cấp xã, phường trên địa bàn thành phố khá khởi sắc. Đặc biệt, 14 năm trở lại đây, các phường trên địa bàn thành phố hàng năm duy trì đều đặn hội diễn nghệ thuật quần chúng cấp phường. Từ hội diễn NTQC, các phường đã lựa chọn được những nhân tố văn nghệ có khả năng trình diễn hay, đẹp trên sân khấu để tham gia hội diễn NTQC cấp thành phố. Đánh giá về chất lượng phong trào văn nghệ quần chúng tại địa phương, ông Mã Hồng Mao nói: “Qua mỗi hội diễn NTQC cấp thành phố, các phường, xã có sự so sánh lẫn nhau. Từ đó, họ đầu tư về con người, kinh phí, ý tưởng dàn dựng chương trình văn nghệ… nên hội diễn NTQC năm sau chất lượng hơn năm trước. Hiện nay, các phường có phong trào văn nghệ nổi trội hơn cả là phường 1, phường 2, phường 9, phường 11, phường Nguyễn An Ninh, phường Rạch Dừa. 100% khu phố của các phường này đều có tổ văn nghệ. Tuy nhiên, ông Mã Hồng Mao cũng thắn nhìn nhận, bên cạnh những mặt khởi sắc của phong trào văn nghệ quần chúng ở cấp khu phố đến xã, phường thì ở các phòng, ban, đơn vị hành chính của thành phố, phong trào văn nghệ ngày càng đi xuống. Điển hình như tại hội diễn NTQC cấp thành phố năm 2017, mặc dù ban tổ chức đã gửi kế hoạch thông báo rộng rãi nhưng không có phòng, ban, đơn vị nào tham gia./.

Bài, ảnh: ANH THƯ, BBT