Văn hóa - Nghệ thuật Văn hóa - Nghệ thuật
Họ đã sống một thời tuổi trẻ như thế
10:08 | 27/07/2017 Print   E-mail    

Kỷ niệm 70 năm ngày thương binh Liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2017)

Họ đã sống một thời tuổi trẻ như thế

-----------

Hàng năm cứ đến ngày 27/7, đồng bào cả nước lại nhớ về những người đã hy sinh quên mình vì hạnh phúc của nhân dân, vì tương lai của đất nước. Trong số những anh hùng Liệt sỹ vĩ đại đó, các thế hệ người dân Việt Nam đều không thể nào quên hình ảnh kiên trung, quả cảm của 10 cô gái thanh niên xung phong tuổi mười tám, đôi mươi ở ngã ba Đồng Lộc. Các chị đã sống một thời tuổi trẻ trong đạn bom, khói lửa, các chị là những đóa hoa bất tử trong hồn dân tộc và mãi mãi là tấm gương sáng cho các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau noi theo.

Huyền thoại những người con gái Ngã Ba Đồng Lộc

(10 cô gái đang lấp hố bom, ảnh do nhà báo Hoàng Văn Sắc chụp trước 1 tuần khi các cô  hy sinh)

Tình yêu Tổ quốc luôn là khái niệm thiêng liêng và quý báu, nhất là với lớp trẻ. Khi Việt Nam chìm trong khói lửa, tuổi trẻ Việt Nam chính là lực lượng nòng cốt bảo vệ độc lập dân tộc. Đặc biệt, trong số đó có những nữ chiến sĩ chỉ mới mười tám, đôi mươi, đang mang trong mình rất nhiều ước mơ, hoài bão. Vậy mà những cô gái ấy với tình yêu đất nước bao la đã biến những ước mơ thành ý chí sắt đá để có thể bảo vệ tổ quốc khi kẻ thù xâm lược. Năm ấy, mười đóa hoa Đồng Lộc đang mơn mởn tuổi xuân. Sức sống mãnh liệt, tình yêu đất nước và lòng căm thù giặc đã thúc bước họ lên đường và trở thành những nữ thanh niên xung phong. Họ cùng chiến đấu trong Tiểu đội 4, được giao nhiệm vụ vừa san hố bom sửa đường, vừa sửa hầm trú ẩn và khơi sâu rãnh nước để các đoàn xe lưu thông. Nhận nhiệm vụ nguy hiểm nhưng không ai run sợ. Mồ hôi thấm ướt đất cho từng chuyến xe qua. Nhưng đằng sau những giọt mồ hôi đó là sự vô tư của tuổi thanh xuân và niềm tự hào của người chiến sỹ đang đấu tranh giải phóng dân tộc. Bức thư của chị Tần gửi về cho mẹ 5 ngày trước khi chị cùng đồng đội hy sinh hiện đang được trưng bày tại Nhà Trưng bày trong Khu di tích là minh chứng hùng hồn cho niềm lạc quan, yêu đời, bất chấp hiểm nguy, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ Quốc của những cô gái trẻ Đồng Lộc.

Theo tư liệu của Bảo tàng Thanh niên xung phong Việt Nam thì ngã ba Đồng Lộc là “yết hầu” của mạch giao thông nối liền "hậu phương lớn miền Bắc" với "tiền tuyến lớn miền Nam" nên Mỹ đã tập trung toàn lực để cắt đứt con đường này. Chỉ riêng nửa đầu năm 1968, chúng đã thả xuống nơi đây (tập trung ở 1km2 xung quanh Ngã ba Đồng Lộc) 4.200 quả bom và tên lửa các loại, không kể bom nổ chậm và mìn sát thương... Ngày 24-7-1968, có lệnh đặc biệt của đại đội phải thông đường nên 10 cô gái TNXP đã ra ngã ba giữa ban ngày để lấp đường. Ngày hôm ấy, sau vài lần máy bay trinh sát bay qua là 15 lần các tốp máy bay khác lao tới trút bom vào ngã ba. Ba lần, cả tiểu đội bị bom vùi, nhưng sau đó các cô lại rũ đất đứng lên tiếp tục công việc. Đến lượt bom thứ 15, một quả bom rơi ngay trước mặt họ. Một phút... rồi năm phút… trôi qua! Trên đài quan sát không thấy ai trong số mười cô rũ đất đứng dậy. Cả trận địa lặng đi, những người đồng đội òa khóc nức nở…

Tuổi trẻ của họ là như thế đấy…Ngã ba Đồng Lộc hôm nay đã đi vào lịch sử như một bản anh hùng ca về quyết tâm sắt đá tất cả vì miền Nam ruột thịt, vì độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc, vì hoà bình. Và mảnh đất ấy càng linh thiêng hơn bởi sự ra đi của 10 cô gái thanh niên, 10 bông hoa trắng trong, các chị đã trở thành những liệt nữ anh hùng...Trên mảnh đất bom đạn ngày ấy, khu di tích tưởng niệm mười cô gái Đồng Lộc được xây dựng ngày một khang trang, để những ai qua đây phần nào hiểu được về họ, những con người góp phần viết nên huyền thoại Đồng Lộc. Mười cô gái đã sống, chiến đấu cùng nhau và giờ yên nghỉ bên nhau. Khu mộ của các cô nằm ở lưng đồi xanh dưới bóng cây. Di ảnh các cô nổi bật trong khung cảnh mọi thứ đều màu trắng, tượng trưng cho tuổi thanh xuân mãi mãi. Nón, khăn tay, dầu gió, gương và không thể thiếu bồ kết gội đầu, là những thứ mọi người thắp hương trên mộ mười cô gái. Ngay bên cạnh lối vào khu mộ là hố bom, dấu tích của những những trận chiến ác liệt năm xưa. Nơi này luôn ngát khói hương, hàng năm nhiều đoàn khách từ mọi miền đến viếng và trở lại chiến trường xưa như chở cả những nỗi niềm của người lính sau chiến tranh, rồi đến cả những em học sinh, sinh viên cũng về đây dâng nén hương để tỏ lòng thành kính, tri ân những anh hùng đã làm nên lịch sử. Anh Nguyễn Văn Hoàng, một du khách từ thành phố Vũng Tàu kính cẩn thắp hương lên mộ mười liệt nữ, rưng rưng niềm xúc động: Các chị là biểu tượng đẹp của người phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh, anh dũng chiến đấu và cống hiến sức trẻ, bầu nhiệt huyết cho đất nước.

Thời gian trôi nhanh, chiến tranh đã lùi vào quá khứ. Mảnh đất Đồng Lộc năm xưa mang trên mình những hố bom chi chít, giờ những con đường bạt ngàn nắng gió, những đồng ruộng thơm mùi lúa thẳng cánh cò bay. Gió đại ngàn vẫn thổi, tiếng chuông ngân vang một góc trời… Tất cả những điều ấy thấm đẫm máu và tuổi trẻ của các chị, những liệt nữ từ đời thường đã trở thành bất tử. Các chị đã góp phần làm nên một đất nước anh hùng, đất nước của những con người chưa bao giờ khuất…Có một thời tuổi trẻ mà các chị đã sống như thế đó./.

Bài: Lê Ngân, BBT