Văn hóa - Nghệ thuật Văn hóa - Nghệ thuật
15 và 16 tháng Giêng: Hàng ngàn người viếng Hòn Bà.
04:09 | 22/02/2014 Print   E-mail    

 

 

Rằm Tháng Riêng năm nay, thời tiết đẹp nhưng gió lớn, biển động không thuận lợi cho việc đi viếng Hòn Bà. Nhưng từ 5 giờ sáng ngày 15 Tháng Giêng, tranh thủ khoảng thời gian nước rút sâu để lộ ra lối đi bằng đá dẫn lên đảo Hòn Bà, nhiều người dân địa phương và du khách rồng rắn xếp hàng viếng Miếu Bà.
 
Bà Nguyễn Thu Minh (Tiền Giang), cho biết, Rằm Tháng Giêng con nước thường lớn nên muốn ra Hòn Bà phải đợi khi nước ròng. Từ đêm hôm trước, bà Minh và những người cùng xóm đã xuống Vũng Tàu thuê khách sạn ở, để sáng hôm sau khi nước rút là kịp ra thắp nhang viếng Miếu Bà. “Hành hương viếng Miếu Bà, thắp nhang tạ lễ và cầu khấn một năm mới may mắn, làm ăn phát đạt là thói quen tâm linh của tôi từ nhiều năm rồi”, bà Minh nói.
 
Sáng ngày 16 Tháng Giêng, từ sáng sớm nhiều người đã đứng sẵn trên bờ phía chân dốc Nghinh Phong, đợi khi nước rút tiếp tục ra viếng Miếu Bà. Mặt trời lên cao, gió thổi mạnh nước lớn dần. Hơn 9 giờ 30 phút, khi nước dâng lên ngập con đường đá dẫn ra Hòn Bà, vẫn còn khá nhiều người tay ôm nhang, hoa, trái cây tiến về phía Hòn Bà. Theo những người giữ xe quanh chân dốc Nghinh Phong, trong 2 ngày 15 và 16 Tháng Giêng ước tính cả ngàn người hành hương Hòn Bà. Trong thói quen tâm linh của nhiều người, Tháng Giêng là tháng du xuân hành hương, người đến viếng Hòn Bà sẽ rải rác hết Tháng Giêng.
 
Miếu Bà nằm trên đảo Hòn Bà, cách chân Núi Nhỏ gần 200m. Tương truyền, năm 1781, một hương chức thôn hội làng Thắng Tam đã dựng nên miếu Bà trên Hòn Bà để thờ cúng bà Thủy Long thần nữ với mong muốn bà phù hộ cho những người làm nghề đánh cá trên biển. Năm 1939 một sỹ quan người Pháp tên Archi-nard cho bắn bể miếu nhưng chỉ có một phát trúng vào góc miếu. Viên sĩ quan này đã bỏ mạng tại đây do một lần bất cẩn khi dùng súng. Vì vậy người Pháp đặt tên cho hòn đảo là Archi-nard, nhưng người dân Vũng Tàu vẫn quen gọi tên là miếu Hòn Bà. Sau này một người ở Trà Vinh tên là Thanh Phong đến Vũng Tàu lập nghiệp đã đứng ra quyên góp tiền của để sửa chữa ngôi miếu vào năm 1971. Trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa miếu Hòn Bà mới có hình dạng như hiện nay với chiều cao nổi trên mặt đất là 4m; bên trong là điện thờ các vị thần linh; bên dưới có một tầng hầm dài 6m, rộng 3m. Đây từng là nơi hội họp bí mật của đồng bào chiến sĩ yêu nước thời kỳ kháng chiến.
 
Ngoài rằm tháng Giêng, rằm tháng 4, tháng 7 và tháng 10 (âm lịch) hàng năm, dựa theo con nước người dân và du khách về đảo Hòn Bà thắp hương, cầu khấn rất đông. Trong đó, rằm tháng Giêng nơi đây tập trung đông người đến thăm viếng nhất bởi với ngư dân đầu năm là dịp cầu may mở màn cho mùa biển mới.
 
Bài: Trường Lân
BBT.