An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
An toàn lao động - Vấn đề cần được quan tâm
05:13 | 17/06/2016 Print   E-mail    

 

                          

 

Trong những năm gần đây, xu thế xây dựng các công trình, quá trình xây dựng đô thị ngày càng phát triển mạnh. Nhiều công trình nhà ở, công sở, khu vui chơi, bệnh viện, nhà máy đang được các chủ đầu tư, doanh nghiệp thi công.  Đảm bảo an toàn lao động tại nơi làm việc vừa là yêu cầu của pháp luật, vừa là một trong những yếu tố cần thiết cho sự phát triển an toàn và bền vững của mỗi doanh nghiệp, công trình xây dựng… Do đó, đây cũng là trách nhiệm của mỗi người lao động cũng như các ban ngành, tổ chức.

 

Hình ảnh vụ giàn giáo bị sập tại đường Bacu,

Phường 1, thành phố Vũng Tàu sáng 11/6/2016 

Tuy nhiên thời gian gần đây, một số vụ tai nạn lao động vẫn diễn ra ở nước ta. Chúng ta đã phải chứng kiến không ít những vụ sập giàn giáo, hầm thủy điện… những tai nạn bi thương này đã cướp đi rất nhiều sinh mạng. Rồi gần đây, sáng 11/6/2016, chúng ta thật đau lòng khi chứng kiến vụ giàn giáo bị sập tại công trình khu nhà ở Kim Minh đường Ba Cu, phường 1, thành phố Vũng Tàu đã làm một số người bị thương và 02 người bị thiệt mạng. Một số chuyên gia nhận định rằng, đây là vụ tai nạn lao động có sự sai phạm trong an toàn lao động. Qua đó nhận thấy đây là một bài học lớn cho tất cả chúng ta trong công tác đảm bảo an toàn lao động.

Xây dựng là ngành xảy ra nhiều rủi ro lao động nhất, bởi xây dựng diễn ra ở mọi nơi, mọi lúc; từ những công trình trọng điểm đến những công trình dân dụng... Đối tượng lao động tham gia cũng rất đa dạng và đông. Cùng với việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh thì lãnh đạo các doanh nghiệp sử dụng lao động, các cấp, các ngành cần phải quan tâm hơn đến công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động. Các phương án phòng ngừa tai nạn lao động như: lập kế hoạch làm việc kèm theo kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động; đầu tư kinh phí để thay thế công nghệ mới, thay đổi, sửa chữa máy móc cũ kỹ lạc hậu, che chắn vùng nguy hiểm của máy móc, thiết bị; đầu tư kinh phí để xử lý bụi, chất thải bảo vệ môi trường, cải thiện điều kiện lao động; tổ chức khám bệnh nghề nghiệp... Tại một số doanh nghiệp, công trình xây dựng cần thành lập và duy trì Hội đồng bảo hộ lao động, mạng lưới an toàn vệ sinh, tăng cường công tác thực tập phòng chống cháy nổ trong đơn vị, xây dựng nội quy, quy trình làm việc an toàn khi vận hành máy móc, thiết bị xây dựng và luyện tập phương án phòng cháy chữa cháy phù hợp với điều kiện của đơn vị.

Có thể thấy rằng, đảm bảo an toàn lao động là vấn đề được các cấp, các ngành và người lao động quan tâm hơn nữa. Việc thông tin, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật liên quan đến an toàn lao động cần được đẩy mạnh. Công tác thanh tra, kiểm tra của các ngành, các cấp và tự kiểm tra ở các doanh nghiệp cần được tăng cường. Người sử dụng lao động cần nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm của mình, từ đó đã thực hiện cải thiện điều kiện lao động, ngăn ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và cháy nổ, thực hiện tốt các chế độ bảo hộ đối với người lao động. Các doanh nghiệp sản xuất, chủ đầu tư cần thực hiện tốt chế độ chính sách về tiền lương, thu nhập, cải thiện điều kiện làm việc, quan tâm chăm sóc sức khỏe cho người lao động. Công tác thông tin, tuyên truyền, huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động để nâng cao nhận thức cho người sử dụng lao động và người làm công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động cần được nâng cao hơn nữa.

Nói tóm lại, các cấp, các ngành và toàn xã hội cần nâng cao hơn việc đảm bảo an toàn lao động, nâng cao ý thức của người sử dụng lao động và người lao động. Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, tổ chức huấn luyện đến tận cơ sở; tuyên truyền các chương trình an toàn lao động trên các phương tiện truyền thông đại chúng; đổi mới công tác thanh tra lao động đối với các doanh nghiệp có nguy cơ cao về tai nạn lao động; đẩy mạnh công tác tự kiểm tra giám sát an toàn vệ sinh lao động ở cơ sở; tăng cường công tác giám sát của tổ chức công đoàn trong việc thực hiện pháp luật, chính sách bảo hộ lao động./. 

Bài, ảnh: Lê Ngân, BBT