An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Xu hướng chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều
07:15 | 29/09/2015 Print   E-mail    

 

Trong những năm trước đây, nghèo đói thường được đo lường thông qua thu nhập hoặc chi tiêu. Chuẩn nghèo được xác định dựa trên mức chi tiêu cho những nhu cầu tối thiểu và được quy ra bằng tiền. Người nghèo hay hộ nghèo là những đối tượng có mức thu nhập hoặc chi tiêu thấp hơn chuẩn nghèo. Cách thức đo lường này đã duy trì trong một thời gian dài và bắt đầu bộc lộ những hạn chế như một số nhu cầu cơ bản của con người không thể quy ra tiền hoặc mua được bằng tiền. Có những trường hợp hộ gia đình có tiền nhưng không chi tiêu vào việc đáp ứng những nhu cầu tối thiểu.
 
Từ những hạn chế trên, nếu chỉ sử dụng chuẩn nghèo thu nhập để đo lường và xác định đối tượng nghèo đói sẽ dẫn đến bỏ sót đối tượng, đồng thời nhận diện nghèo, phân loại đối tượng và xác định nguyên nhân nghèo đói chưa chính xác. Do đó chính sách hỗ trợ mang tính cào bằng chưa phù hợp với nhu cầu, chưa thực sự tác động đến nguyên nhân nghèo đói, nhất là các nguyên nhân có liên quan đến thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.
 
Chuẩn nghèo thu nhập hiện hành được xác định dựa trên phương pháp tính toán chi phí cho các nhu cầu tối thiểu của con người dẫn đến sự phân loại đối tượng, đánh giá mức độ và nguyên nhân nghèo đói chưa thực sự chính xác vì chuẩn nghèo hiện nay chưa phản ánh đầy đủ các nhu cầu cơ bản cũng như thực trạng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.Mặt khác chuẩn nghèo này  lại được duy trì trong cả giai đoạn khi điều kiện chỉ số giá cả tiêu dùng hàng năm đều tăng dẫn đến giá trị chuẩn nghèo không còn phù hợp, không đáp ứng được nhu cầu đảm bảo mức sống tối thiểu của người dân.
 
 Đồng thời các chính sách giảm nghèo được xây dựng dựa trên tiêu chí thu nhập chủ yếu nhằm xử lí những vấn đề thiếu tiền và khả năng chi trả dịch vụ, do vậy chưa thực sự tác động đến các nguyên nhân khác của nghèo đói như vấn đề khó tiếp cận dịch vụ, dịch vụ chưa phù hợp, nhận thức chưa đúng và thiếu chủ động từ người dân.
 
Phương pháp đo lường nghèo đa chiều được nghiên cứu áp dụng sẽ khắc phục những hạn chế nói trên. Phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều sẽ nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản và đảm bảo an sinh xã hội. Phương pháp này sẽ phù hợp với trình độ phát triển kinh tế xã hội và khả năng huy động, cân đối nguồn lực của đất nước trong từng thời kì. Đây là một phương pháp mới đang được các tổ chức quốc tế, một số quốc gia trện thế giới nghiên cứu, chuyển đổi, chưa có hình mẫu và quy định chung. Vì vậy khi áp dụng ở nước ta cần vận dụng phù hợp trên cơ sở khoa học đáp ứng khả năng huy động, cân đối nguồn lực của đất nước trong từng thời kì.
 
Mục đích của đo lường nghèo đa chiều là đo lường và giám sát mức độ thiếu hụt về thu nhập và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân nhằm đánh giá sự thay đổi, tiến bộ xã hội hàng năm và cả giai đoạn. Xác định đối tượng thụ hưởng các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội, các chương trình chính sách phát triển kinh tế xã hội trên cơ sở thực trạng thiếu hụt về thu nhập và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản sẽ có các giải pháp, chính sách, lộ trình để cải thiện, nâng cao thu nhập và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội, đảm bảo sử dụng nguồn lực dành cho giảm nghèo hợp lí, tập trung và hiệu quả hơn.
 
Các tiêu chí trong tiếp cận đo lường nghèo đa chiều bao gồm:
 
Tiêu chí về thu nhập: chuẩn mức sống tối thiểu về thu nhập là mức thu nhập đảm bảo chi trả được những nhu cầu tối thiểu nhất mà mỗi người cần phải có để sinh sống, bao gồm nhu cầu về tiêu dùng lương thực, thực phẩm và tiêu dùng phi lương thực, thực phẩm phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của đất nước trong từng thời kì. Chuẩn nghèo về thu nhập là mức thu nhập mà nếu hộ gia đình có thu nhập dưới mức chuẩn sẽ được coi là hộ nghèo về thu nhập. Chuẩn nghèo về thu nhập dùng để xác định quy mô nghèo thu nhập của quốc gia, xác định đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ (gọi là chuẩn nghèo chính sách) để phù hợp với khả năng cân đối ngân sách và từng bước tiếp cận chuẩn mức sống tối thiểu.
 
Tiêu chí mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản được xác định từ 10 chỉ số đo lường bao gồm trình độ giáo dục của người lớn, tình trạng đi học của trẻ em, tiếp cận các dịch vụ y tế, bảo hiểm y tế, chất lượng nhà ở, diện tích nhà ở bình quân đầu người, nguồn nước sinh hoạt, nhà vệ sinh, sử dụng dịch vụ viễn thông, các loại tài sản phục vụ tiếp cận thông tin
 
Tiếp cận nghèo đa chiều là một khái niệm mới khác hẳn quan niệm về nghèo thu nhập chi tiêu như hiện nay, cần có thời gian để chuyển đổi. Việc xác định đối tượng thụ hưởng chính sách theo phương pháp tiếp cận đo lường nghèo đa chiều cần tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao giữa các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và tuyên truyền rộng rãi đến người dân./.
 
                                                                                          Bài: Nga Nguyễn, BBT