An ninh quốc phòng An ninh quốc phòng
Điện Biên Phủ trong tôi!
10:57 | 04/05/2015 Print   E-mail    

 
                                                          
 
Những ngày đầu tháng 5, tôi rất vinh dự và tự hào được trở về thăm vùng đất Điện Biên – nơi mà 61 năm trước đây ghi dấu chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954) “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên Phủ) hôm nay đang vững tin trên con đường đổi mới. Đến với Điện Biên Phủ những ngày tháng 5 lịch sử, chiến trường xưa nay là một thành phố năng động, trẻ trung, động lực phát triển KT-XH cả vùng Tây Bắc. Các di tích Đồi A1, Độc Lập, Him Lam, hầm Đờ Cát… thu hút hàng trăm nghìn du khách đến với Điện Biên mỗi năm…
                                                                 (Đồi A1)
Là thành phố nằm trên chiến trường năm xưa, nhưng Điện Biên Phủ vẫn giữ nguyên vẹn cánh đồng Mường Thanh và điểm nhấn không gian đô thị chính là sự hình thành khu bảo tồn quần thể di tích lịch sử Điện Biên Phủ.61 năm đã đi qua, thời gian đủ để khép kín một vòng đời, nhưng âm vang của bản anh hùng ca Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên giá trị mãi đến mai sau. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng viết: "Điện Biên Phủ như là một cái mốc bằng vàng của lịch sử...". Dân tộc ta tự hào vì từng trải qua các triều đại Đinh, Lý, Trần, Lê với biết bao chiến công hiển hách, chúng ta càng tự hào khi có Điện Biên Phủ, có Đại thắng mùa Xuân 1975. Từ những điểm mốc bằng vàng ấy, "Tổ quốc bay lên bát ngát mùa Xuân".
 
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, Điện Biên hôm nay vẫn còn đó những dấu tích đáng nhớ của chiến dịch Điện Biên Phủ ngày nào như: Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, đồi A1, đồi C1, đồi C2, đồi D1, cứ điểm Hồng Cúm, Him Lam, đồi Ðộc Lập, cầu và sân bay Mường Thanh, hầm chỉ huy của tướng De Castries... Trước đây, tại những địa danh này đã diễn ra những trận đánh ác liệt giữa bộ đội Việt Nam với quân Pháp trong suốt chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngày nay, những địa điểm này đã trở thành di tích lịch sử thuộc Khu di tích chiến thắng Điện Biên Phủ.
 
Quốc lộ 6 mới được nâng cấp, mở rộng đã rút ngắn đáng kể hành trình của chúng tôi khi từ Hà Nội hướng về Điện Biên Phủ. Chỉ 45 phút đi máy bay hay qua một đêm trên xe khách, thành phố Điện Biên Phủ tươi đẹp đã hiện ra trước mắt. Trong ấn tượng của nhiều người, những địa danh như Tuần Giáo, Điện Biên… không còn quá xa xôi. Đường qua đèo Pha Đin đã được mở rộng, hạ độ cao, cũng không còn quanh co, hiểm trở như đường lên “cổng trời” năm xưa. Con đường xương sống chạy dọc thành phố Điện Biên Phủ mang tên 7-5, hướng lên Cửa khẩu Tây Trang, một điểm giao thương với nước bạn Lào. Hai bên đường là những dãy nhà cao tầng san sát. Từ tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ, hướng tầm mắt ra xa có thể nhìn bao quát cánh đồng Mường Thanh-vựa lúa nổi tiếng của vùng Tây Bắc. Cách thành phố Điện Biên Phủ khoảng 10km, bản Mển (xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên) vẫn giữ nếp sống đã bao đời nay của người Thái. Người dân sống trong những nếp nhà sàn truyền thống làm bằng gỗ, lợp mái ngói. Bản có hơn 100 hộ dân với trên 500 nhân khẩu, cùng với sản xuất nông nghiệp, người dân nơi đây còn phát triển nghề thủ công như dệt thổ cẩm.
 
 
                                       (Thành phố Điện Biên Phủ hôm nay nhìn từ trên cao)
 
Về với Điện Biên hôm nay, ngoài nét đẹp dân dã của không gian, cảnh quan, người dân bản Mển thật nồng hậu, hiếu khách. Khi màn đêm buông xuống, họ lại cùng hòa vào điệu múa, lời ca, không chỉ là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng mà còn là cách giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống. Ông Trưởng bản Mển chia sẻ “ bản Mển đã nhiều năm được công nhận là bản văn hóa, cuộc sống người dân đã thay đổi rất nhiều, không phải lo cái đói, cái rét, nhưng quan trọng hơn, bản sắc văn hóa được lưu truyền bao nhiêu đời nay không bị mai một”.
 
61 năm đã đi qua kể từ khoảnh khắc lịch sử 17 giờ 30 phút ngày 7-5-1954, lá cờ quyết chiến, quyết thắng của ta tung bay trên nóc hầm Đờ Cát, diện mạo mới của thành phố trẻ Điện Biên Phủ đã từng ngày đổi thay. Hệ thống hạ tầng cơ sở được đầu tư; giao thông nội thị được rải thảm bê tông, lát gạch hành lang đường, cây xanh tỏa bóng mát; khu du lịch trung tâm và vùng phụ cận được quy hoạch. Từ một bãi chiến trường bị bom đạn cày xới và ngổn ngang chiến tích, nay Mường Thanh đã trở thành cánh đồng lúa mênh mông ngút tầm mắt. Từ một nơi thuần nông, mang nặng tính tiêu thụ, Điện Biên đã từng bước trở thành địa bàn chế biến tiêu thụ sản phẩm; gia công các sản phẩm công nghiệp, thủ công mỹ nghệ, góp phần quan trọng đưa tỉnh thoát khỏi tình trạng tự cung tự cấp; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, sản xuất hàng hóa phát triển. Đến Điện Biên, mỗi người chúng ta không chỉ được sống lại ký ức hào hùng của lịch sử, mà mảnh đất này còn in đậm bản sắc văn hóa của các dân tộc Tây Bắc. Họ là những chủ nhân của nơi 61 năm trước đây dân tộc ta ghi những "thiên sử vàng" vào trang sử chống ngoại xâm của dân tộc./.
 
                                                                                Bài:  Lê Ngân
BBT.