An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Đề phòng dịch sốt xuất huyết bùng phát.
07:15 | 21/06/2014 Print   E-mail    

 

Hiện nay đang là mùa mưa, những cơn mưa triền miên tạo ra các vũng, ao nuớc tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh đẻ và phát triển. Đây cũng là sự báo động dịch sốt xuất huyết có nguy cơ bùng phát.
 
 
 
Bệnh sốt xuất huyết là bệnh nguy hiểm vì nó vừa mang tính cấp tính vừa mang tính truyền nhiễm. Hàng năm có tới 100.000 bệnh nhân phải nhập viện vì mắc sốt xuất huyết, trong đó có nhiều trường hợp đã tử vong.
Bệnh sốt xuất huyết là bệnh do virut gây ra và lây truyền bởi muỗi vằn. Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính và có thể xảy ra đối với tất cả mọi người, mọi lứa tuổi, nhưng trẻ em từ 3 đến 10 tuổi là đối tượng dễ mắc bệnh nhất.
 
Bệnh có 1 sô biểu hiện như sau:
  • Đối với trẻ nhỏ: Trẻ thường sốt cao, sốt đột ngột, sốt từ 38 – 39 độ, nhưng thường không đi kèm theo các triệu chứng như ho, sổ mũi. Khi cho trẻ uống thuốc hạ sốt thì chỉ có tác dụng trong vài giờ
  • Có dấu hiệu xuất huyết, xuất hiện các chấm đỏ trên mặt, da
  • Chảy máu cam
  • Nôn mửa
  • Đi ngoài ra máu
  • Có thể đau bụng, đau dữ dội, đau ở vùng dưới sườn bên phải
  • Với trẻ lớn hơn thì cũng có dấu hiệu sốt nhưng sốt nhẹ, đau đầu, nhức mắt, đau khớp, nhức mỏi toàn thân và cũng có các dấu hiệu xuất huyết.
Khi trong gia đình hoặc trong lớp học có người sốt cao, đặc biệt có nhiều người cùng mắc thì nên nghĩ đến là bệnh sốt xuất huyết và cần khẩn trương cho người bệnh đến cơ sở y tế để khám bệnh, đặc biệt là trẻ em cần phải được đặc biệt quan tâm. Sau khi đã có ý kiến của bác sỹ khám bệnh, nếu bệnh nhẹ có thể chăm sóc tại nhà riêng. Tại nhà riêng phải luôn luôn có người chăm sóc và theo dõi tình trạng bệnh của người bệnh kèm theo cho uống nhiều nước, nhất là dung dịch oresol (ORS). Ngoài ra nên cho người bệnh uống thêm nước hoa quả tươi như cam, chanh, dưa hấu, xoài… Nên cho ăn nhẹ như cháo, súp, canh và uống thêm sữa (với trẻ còn bú mẹ thì không hạn chế số lần bú và số lượng sữa bú).
 
Không nên cho người bệnh uống Aspirin để hạ sốt vì Aspirin làm cho dễ xuất huyết hơn.
 
Không cạo gió, cắt lể khi người bệnh bị sốt vì làm cho người bệnh chảy máu nhiều hơn và gây khó khăn cho bác sĩ khi định bệnh.
 
Để phòng chống bệnh sốt xuất huyết cần tuyên truyền rộng rãi cho người dân biết tác hại và cách phòng chống bệnh, để bệnh không phát triển mạnh thành dịch. Cần sử dụng các biện pháp diệt muỗi, diệt loăng quăng và nằm màn khi đi ngủ. Phát quang bụi rậm, che đậy các dụng cụ chứa nuớc cũng như phải lấp, đổ hết nuớc những nơi lắng đọng nuớc không để tồn tại những nơi muỗi có thể đẻ trứng và phát triển.
 
Bài: Thiên Thu
BBT.