An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Khiêu vũ “món ăn tinh thần” không thể thiếu hằng ngày.
08:14 | 20/06/2014 Print   E-mail    

Từ ngày có em về nhà mình toàn ánh trăng thề. Giòng nhạc tình đang tắt lâu, tuôn trào ngọt ngào như giòng suối. Từ ngày có em về, nhà mình toàn ánh trăng thề. Giòng nhạc tình đang tắt lâu, tuôn trào ngọt ngào như giòng suối ….lời ca khúc đặc trưng của điệu tango vang lên từ chiếc đài nhỏ cũng là lúc những mái tóc đã ngả màu dìu nhau nhẹ nhàng lướt đi bỏ lại sau lưng bao bộn bề của cuộc sống.
 
Hiện nay, những câu lạc bộ (CLB) khiêu vũ tại thành phố Vũng Tàu đang phát triển mạnh và dần trở thành một môn thể dục cho bất kỳ ai. Không đèn laser nhấp nháy, không loa thùng giật ầm ầm… chỉ cần một khuôn viên nhỏ, mặt sân bằng phẳng của công viên hay góc sân chơi cùng chiếc đài nho nhỏ là đủ trở thành một “vũ trường” lý tưởng cho những người yêu thích khiêu vũ thực sự. Thay vì đi bộ, chạy thể dục, đánh cầu buổi sáng… nhiều người đã thay đổi các môn thể thao trên bằng khiêu vũ cổ điển.
 
Bác Tuấn (nhà ở phường 4) cho biết: Từ ngày về nghỉ hưu, sáng nào hai vợ chồng bác cũng đi bộ tập thể dục dọc bãi trước. Một hôm, có người bạn rủ tham gia CLB khiêu vũ, vốn là người đã biết nhảy thời đang công tác nên Bác tham gia và nhanh chóng hòa nhập với những người bạn mới. Bác chia sẻ “Từ ngày tham gia vào CLB này, trừ những hôm trời mưa, còn lại ngày nào chúng tôi cũng đi. Phải hôm trái gió, trở trời, chân đau không nhảy được thì ngồi nghe nhạc cũng thấy thoải mái đầu óc rồi” – bác Tuấn thỏa mãn với sở thích của mình.
 
Ngồi nghỉ trên chiếc ghế nhựa, tranh thủ mệt và nhấp một ngụm nước chè xanh pha từ nhà mang đi, cô Tâm (giáo viên nghỉ hưu) cho biết thêm: Tập khiêu vũ không khó, ai cũng có thể tập được nếu mình yêu thích. Yêu cầu tối thiểu chỉ là một đôi giày (thường là giày vải, thể thao…), mà thời nay ai chẳng xỏ giày đi tập thể dục. “Đơn giản chỉ là bước chân theo nhịp nhạc cho đúng thôi mà!” – cô Tâm cười hóm hỉnh rồi lại đứng dậy chuẩn bị cho bài nhạc tiếp theo.
 
Tại CLB khiêu vũ số 98 Trần Hưng Đạo
 
Với một số người, khiêu vũ không còn là môn tập thể dục nữa, mà họ coi đó như một “món ăn tinh thần” không thể thiếu hằng ngày. Họ đến với khiêu vũ như một cơ duyên, nhưng rồi họ trở thành những vũ sư, vũ công từ lúc nào mà chính họ cũng không hay. Họ coi khiêu vũ như môn thể dục hay một hoạt động giao lưu. Để được xã hội, đặc biệt là những người lớn tuổi công nhận, đã có khá nhiều minh chứng về lợi ích của khiêu vũ mang lại. Trong đó, hai thành công nhất là chữa bệnh và giảm stress.
 
Nhìn bác Tuấn thoăn thoắn, chân giậm, người lắc lư theo tiếng nhạc la-tinh của điệu chachacha, ít ai biết được bác đã gần 70 tuổi và có tiền sử tim mạch và cao huyết áp.
 
Trong số những thành viên của CLB, có những người đã từng làm bác sĩ, y tá đều nhận xét là bác Tuấn “đá bay” hai bệnh đó từ lúc nào. “Tôi quên hai bệnh đó lâu rồi, chẳng biết nó có còn hay không nữa!?” – bác Tuấn cười hồn nhiên khi được hỏi về bệnh tật.
 
Hiện nay, những người như bác Tuấn, cô Tâm không phải là hiếm. Vô hình trung, họ trở thành những người “truyền bá” và làm thay đổi nếp nghĩ cho bao người đã từng dị ứng với hai từ “Nhảy Đầm”.
 
Hay như vợ chồng hai bác Dâu và Hùng. Hai năm trước, những người hay đi tập thể dục ở Công viên bãi trước chỉ cần nhìn xa cũng nhận ra hai bác bởi những bước đi nặng nề của tuổi già và bệnh tật.
 
Ngày đó, bác Hùng bị thoái hóa cột sống nặng, còn bác Dâu thì bị béo phì. Được mọi người động viên, hai bác quyết định tham gia tập khiêu vũ. Và cho đến ngày nay, vẫn những bước đi chậm rãi nhưng khi nghe tiếng nhạc, dường như hai bác đã trở thành hai người khác với những bước nhảy nhẹ nhàng, nhanh nhẹn hơn rất nhiều.
 
Theo nghiên cứu, một người chơi khiêu vũ với những vũ điệu nhẹ nhàng như Vanlse, Tango, Swing,…một phút sẽ tiêu hao khá nhiều calo. Khiêu vũ là một bài luyện tập thể dục rất tốt. Khi khiêu vũ, tức là các cơ bắp được hoạt động, năng lượng được tiêu hao, cơ thể sẽ dẻo dai, thân hình sẽ thon đẹp và săn chắc. Theo những nghiên cứu điều tra cho thấy, một người thường xuyên luyện tập khiêu vũ sẽ mang lại kết quả giảm tới 70% các bệnh như: mất ngủ, béo phì, đau các khớp xương, bệnh trầm cảm, đau đầu và cả bệnh tiểu đường. Khi cơ thể được uyển chuyển theo những nhịp nhảy, máu được lưu thông, hệ thống thần kinh cũng được thư giãn.
 
Anh Huy – Thầy dạy Khiêu vũ  cổ điển tại 98 Trần Hưng Đạo phân tích: Bên cạnh việc rèn luyện sức khỏe, khiêu vũ còn mang lại cho người tập sự tự tin và khả năng biểu diễn trước đám đông. Đấy cũng chính là những khuyết điểm thường thấy của người Việt Nam. Khiêu vũ đang trở thành môn thể thao nghệ thuật đặc trưng của những người có thói quen tập thể dục. Những con người đó đã phiêu giữa nhịp sống đô thị. Hay nói cách khác, những bước nhảy nhẹ nhàng trên nền nhạc du dương đó đang phần nào làm cân bằng cuộc sống căng thẳng, ồn ào, náo nhiệt của thành phố.
  
Đến với Khiêu vũ bằng cả sự đam mê của mình chính là một hoạt động giúp tăng trạng thái tình cảm, tính lãng mạn của con người. Khi bạn cảm nhận một bản nhạc, nhịp điệu, khi bạn chuyển động cơ thể uyển chuyển, uốn mình theo những vũ điệu sôi động, bạn sẽ trở nên gợi cảm hơn. Với hầu hết mọi người, ai cũng đều muốn mình được quấn hút hơn trước người bạn nhảy. Không nơi nào bạn có được những cơ hội gây cảm tình, sự hấp dẫn trước một người lạ mặt khác giới mà không cần một lời nói, hành động mà chỉ trong vòng có vài phút cùng khiêu vũ với nhau.Vận động khi khiêu vũ giúp cải thiện tuần hoàn, tăng cung cấp ôxy cho não, khiến người nhảy suy nghĩ tỉnh táo hơn. Với bệnh nhân bị bệnh khớp, khiêu vũ nhẹ nhàng giúp khớp bớt đau và hoạt động tốt hơn.
 
Bài, ảnh: Tiến Loan
BBT.