An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Trách nhiệm của các bậc cha mẹ đối với việc bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em.
08:25 | 18/06/2014 Print   E-mail    

    TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC BẬC CHA MẸ ĐỐI VỚI VIỆC
BẢO VỆ CHĂM SÓC VÀ GIÁO DỤC TRẺ EM
------------------
 
Hiện nay với sự phát triển của khoa học công nghệ tiên tiến, của tin học và các phương tiện thông tin đại chúng , gia đình Việt nam đang trong quá trình chuyển đổi mạnh mẽ từ truyền thống đến hiện đại; Do đó việc giáo dục trẻ em không dễ dàng, đơn giản mà vô cùng phức tạp…
 
Trẻ em hiện nay phần lớn sống trong gia đình hai thế hệ và ngày càng ít con. Bởi vậy, trong gia đình trẻ em là trung tâm của mọi sự săn sóc, chiều chuộng, đòi gì được nấy, trẻ hay  vòi vĩnh nhiều lúc đến quá mức. Từ đó hình thành tính ích kỷ trong trẻ. Một số bậc cha mẹ không dám đấu tranh mạnh mẽ với những cá tính xấu của con, không  cương  quyết;Không  tập  cho chúng  ý thức  biết nhường nhịn, quan tâm, chăm lo chia sẻ đối với người khác.
 
Điều phổ biến hiện nay là nhiều bậc cha mẹ bận làm ăn, buôn bán, công tác, học tập nên dành quá ít thời gian cho việc chăm sóc , dạy dỗ con cái; Trong lúc đó các em còn ngây thơ trong trắng như những tờ giấy trắng chịu sự ảnh hưởng nhân cách của  người lớn, ảnh hưởng của những tác nhân xã hội, môi trường sống xung quanh và cả phương tiện thông tin. Vì vậy trẻ em nên người hay hư hỏng là do người lớn, chủ yếu là ở cách giáo dục của các bậc cha mẹ…
 
Description: C:\Users\Admin\Desktop\mùa xuân tươi ( anh minh họa).bmp
Ảnh minh họa
 
Quan tâm, chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em đã trở thành trách nhiệm của các cơ quan, nhà nước, các tổ chức xã hội và trước hết là trách nhiệm của mỗi gia đình. Gia đình là “ tế bào của xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt”, gia đình tốt là mảnh đất màu mỡ để hình thành nhân cách tốt cho mỗi trẻ em.
 
Cái gốc của con người được hình thành từ những năm đầu tiên trong cuộc sống gia đình; Những điều hay ý đẹp được bố mẹ trang bị cho con cái từ lúc còn thơ sẽ để lại những dấu ấn sâu sắc, khó quên trong suốt cuộc đời của mỗi con người. Điều này nói lên tầm quan trọng của việc giáo dục gia đình và trách nhiệm của các bậc cha mẹ đối với con cái.
 
Từ lúc còn bé cho đến lúc trưởng thành các bậc cha mẹ nên luyện tập những thói quen tốt cho con như: tính trung thực, cương quyết, lòng dũng cảm, đức nhường nhịn, hy sinh, sự quan tâm giúp đỡ nhau trong gia đình,với mọi người xung quanh cần phải sống có nghĩa có tình, có trước có sau, biết tôn trọng người khác, nên rộng lượng bao dung, biết giữ gìn vệ sinh chung, giữ gìn an ninh trật tự từ trong nhà ra ngoài xã hội.v.v…
 
Trong gia đình cha mẹ cần giữ được lòng chung thủy, tôn kính, yêu thương, quí trọng nhau; Tạo được tình thương yêu, đùm bọc giữa các thành viên trong gia đình ( giữa cha mẹ với con cái, giữa anh chị em với nhau ). Lòng biết ơn, tôn kính, hiếu nghĩa với ông bà, cha mẹ luôn luôn là những giá trị đạo đức cần thiết cho sự hình thành nhân cách con người. Bởi vì muốn trở thành một công dân tốt trước hết phải trở thành một người con tốt trong gia đình.
 
Trong nền kinh tế hiện nay, để tồn tại và phát triển ổn định, để gìn giữ và phát huy nền giáo dục truyền thống, mỗi bậc cha mẹ hãy tìm cho mình một phương cách tốt nhất trong việc chăm sóc, giáo dục và bảo vệ con em mình. Trước hết hãy tạo cho các em một tổ ấm hạnh phúc, hãy dành cho con em mình những gì tốt dẹp nhất mà mình sẵn có; Hãy quan tâm đến những tâm tư tình cảm, những nguyện vọng, những gút mắc trong cuộc sống của các em; Các bậc cha mẹ hãy theo dõi, kiểm tra đến giờ giấc ăn, ngủ, học hành, đến việc chi tiêu tiền bạc, mối quan hệ bạn bè… củacon em  mình. Tránh cho các em đi vào con đường nghiện ngập ma túy, tránh xâm hại tình dục, tránh mọi tổn hại đến sức khỏe, sự phát triển bình thường của trẻ em; Tránh mọi hành vi vi phạm quyền trẻ em. Hãy dành cho các em quyền được vui chơi giải trí, được học hành, được trao dồi kiến thức
 
Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là trách nhiệm của mỗi chúng ta, của mỗi bậc cha mẹ. Trẻ em xứng đáng được nâng niu,trân trọng; Được hưởng những hoa thơm, trái ngọt của cuộc đời. Trẻ em là hạnh phúc, là niềm vui, niềm hy vọng của gia đình và xã hội; Là người chủ tương lai của đất nước; Là lớp người kế tục sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sự thành công của các em mai sau tùy thuộc vào sự quan tâm, chăm sóc, giáo dục của chúng ta hôm nay.
 
Bài:  Hoàng Yến
BBT.