Liên Kết Website Liên Kết Website
Tin du lịch Tin du lịch
Trải nghiệm về Di tích lịch sử Trận địa pháo cổ và Hầm thủy lôi Núi Lớn
10:19 | 28/11/2017 Print   E-mail    

Trận địa pháo cổ và Hầm thủy lôi Núi Lớn là một trong những chứng tích quan trọng đã được thực dân Pháp, phát xít Nhật xây dựng tại núi Lớn thành phố Vũng Tàu. Thời gian qua, Lãnh đạo UBND thành phố Vũng Tàu cũng đã có chủ trương về việc khai thác di tích Trận địa pháo cổ và Hầm thủy lôi Núi Lớn để phục vụ khách du lịch và nhân dân đến tham quan.

 

Không có văn bản thay thế tự động nào.

Trận địa pháo cổ ở Núi Lớn 

Vào ngày 18/01/1993, di tích lịch sử Trận địa pháo cổ và Hầm thủy lôi Núi Lớn thành phố Vũng Tàu được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Việt Nam) xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc gia về "Bộ sưu tập vũ khí có giá trị và lớn nhất Đông Dương”. Trận địa pháo cổ và Hầm thủy lôi nằm trên Núi Lớn, một bên là biển cả bao la, bên kia là núi non hùng vĩ. Đến con hẻm 444 Trần Phú, phường 5, Vũng Tàu du khách sẽ đi theo con đường nhỏ rợp bóng cây xanh, uốn khúc quanh co lưng chừng núi để đến với Trận địa pháo cổ và hầm thủy lôi có từ thời Pháp, Nhật chiếm đóng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi tại Bảo tàng Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thì trận địa pháo cổ Núi Lớn là một trong ba tuyến phòng thủ quân sự do thực dân Pháp xây dựng cuối thế kỷ XIX, với quy mô kiên cố, hiện đại nhất lúc bấy ở Đông Dương nhằm phòng thủ, tấn công và kiểm soát toàn bộ cửa biển Miền Đông Nam Bộ và trấn giữ an toàn cho trung tâm nghỉ dưỡng của thực dân Pháp tại Vũng Tàu. Được khởi công năm 1885 và kéo dài trong vòng 15 năm mới hoàn thành. Ở độ cao 100m so với mực nước biển, rộng hơn 1ha. Trận địa pháo gồm có 6 khẩu trọng pháo do Pháp chế tạo từ năm 1872-1876, được đặt trên bệ, bố trí theo hình vòng cung, mỗi khẩu cách nhau khoảng 17,5m. Các khẩu pháo được đặt trên mâm pháo có thể quay 3600 và nâng cao hay hạ thấp tầm bắn nhờ vào hệ thống đĩa có răng cưa gắn với bệ pháo cố định. Những khẩu đại pháo đều hướng ra biển Đông phía Cần Giờ thành phố Hồ Chí Minh. Phía sau mỗi khẩu pháo đều có hầm chứa đạn và hệ thống giao thông hào, liên kết với các cổ pháo khác xung quanh là hệ thống kho đạn và hầm pháo thủ.

Các nhà nghiên cứu sử học kể lại rằng, để xây dựng một trận địa pháo có thể nói là lớn nhất lúc bấy giờ, thực dân Pháp đã bắt người dân lao dịch khổ sai dùng sức người xẻ đá, phá núi làm đường, đào hào giao thông, xây hầm công sự đều làm bằng thủ công, phương tiện thô sơ. Năm 1944 quân đội Nhật đã sử dụng hầm chứa thủy lôi để phong tỏa vịnh Gành Rái và cửa biển Vũng Tàu. Thời chống Pháp (1945-1954) quân và dân Vũng Tàu bí mật lấy khoảng 50 đến 60 trái thủy lôi (nặng trên 100kg/trái) chế bom mìn tự tạo, tiêu diệt địch. Đây là một trong những bộ sưu tập “pháo cổ” lớn nhất Đông Dương còn lại tại Vũng Tàu, đồng thời là nơi in đậm dấu ấn lịch sử một thời của nền thuộc địa Pháp tại Việt Nam.

Bên cạnh trận địa pháo là di tích lịch sử Hầm thủy lôi. Theo tài liệu lịch sử thì Hầm thủy lôi và trận địa pháo đều hiện diện trong khuôn viên di tích nhưng lại là hai công trình quân sự hoàn toàn khác nhau. Về lịch sử, với trận địa pháo được xây dựng bởi thực dân Pháp thì Hầm thủy lôi lại được phát xít Nhật lập nên. Vào tháng 7 năm 1941 Nhật buộc Pháp phải ký hiệp ước “cam kết phòng thủ chung Đông Dương với Nhật” hiệp ước này được ký kết thì Nhật đã chỉ huy Pháp hoàn toàn về mặt quân sự. Đến tháng 10 năm 1941 Nhật đổ bộ vào Vũng Tàu, nhanh chóng chiếm vị trí quan trọng này. Cũng như Pháp, phát xít Nhật cho xây dựng nhiều lô cốt, hầm ngầm, bố trí nhiều đại bác ở lưng chừng núi. Dọc cửa biển Vũng Tàu - cửa cảng Rạch Dừa, thả thủy lôi để ngăn chặn quân đồng minh  Anh - Mỹ, một hệ thống thủy lôi dày đặc nhằm phong tỏa vùng biển Vũng Tàu - Cần Giờ được thiết lập để thực hiện chính sách xâm lược ở Đông Dương.

 

Không có văn bản thay thế tự động nào.

(Hầm thủy lôi ở Núi Lớn) 

Khác với trận địa pháo với một hệ thống đồ sộ thì hầm thủy lôi lại đơn thuần chỉ là kho dùng để cất giữ vũ khí quân sự của Nhật nhưng cũng không kém phần công phu trong quá trình xây dựng. Hầm thủy lôi được xây dựng vào năm 1944 sau bốn tháng thì hoàn tất. Hai hầm được xây dựng cách trận địa pháo chừng 200 mét cũng về phía tây dưới một thung lũng kín đáo. Hầm thủy lôi xây theo hình vòm, trên nóc đổ đá và xi măng. Tường của hầm có bề dày là 1mét, tường mặt trước cửa hầm xây bằng đá cao 7 mét, dài 20 mét. Hai cửa hầm vừa cao vừa rộng cách nhau 8,5 mét. Lòng hai hầm được bố trí thông nhau theo hình chữ U với chiều cao của hầm 2,7 mét. Việc cho xây dựng hầm chủ yếu tích trữ mìn thủy lôi để phòng thủ bờ biển, tạo nên một trận địa dưới nước án ngữ cửa biển Cần Giờ nhưng sau chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, Nhật đầu hàng đồng minh chúng đã gỡ 32 thủy lôi dưới biển cho vào hầm cất giữ. Thất thế của Nhật trên chiến trường đã tạo điều kiện thuận lợi cho cách mạng cả nước nói chung và cách mạng Bà Rịa - Vũng Tàu từng bước giành thắng lợi. Chính vì thế, trong điều kiện lúc bấy giờ quân dân Vũng Tàu đã nhiều lần đột nhập hầm đạn và thủy lôi núi Lớn, bí mật lấy khí tài của địch để trang bị cho cách mạng nước ta.

Những năm qua, mặc dù di tích lịch sử Trận địa pháo cổ và Hầm thủy lôi Núi Lớn Vũng Tàu được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử cấp Quốc gia nhưng do giao thông đi vào di tích chưa thuận lợi và chưa được UBND thành phố Vũng Tàu chú trọng đầu tư nên địa danh này cũng chưa được nhiều người biết đến. Tháng 2 năm 2017 vừa qua, UBND thành phố Vũng Tàu cũng đã có chủ trương về việc khai thác di tích Trận địa pháo cổ và Hầm thủy lôi Núi Lớn để phục vụ khách du lịch và nhân dân đến tham quan. Chúng ta hy vọng chủ trương này sớm được thực hiện để Di tích lịch sử Trận địa pháo cổ và Hầm thủy lôi Núi Lớn luôn là một điểm hấp dẫn du khách, là điểm đến du lịch truyền thống Cách Mạng chứng tích lịch sử của thành phố Vũng Tàu. Đến với trận địa pháo cổ và hầm Thủy lôi, du khách không chỉ được hòa mình vào thiên nhiên tươi đẹp của rừng núi mà còn được sống lại những năm tháng lịch sử đấu tranh của quân và dân Bà Rịa - Vũng Tàu, hiểu thêm những khó khăn gian khổ trong kháng chiến đánh Pháp, đuổi Nhật, làm nên thắng lợi vĩ đại của đất nước./.

 

                                                                                      Bài, ảnh: Lê Ngân, BBT

 

Thông Tin Thời Tiết Thông Tin Thời Tiết

Ảnh đẹp Vũng Tàu Ảnh đẹp Vũng Tàu