Liên Kết Website Liên Kết Website
Thông tin kinh tế. Thông tin kinh tế.
Nuôi tôm sú ở Phường 12 cho thu nhập cao
07:10 | 27/10/2015 Print   E-mail    

 

Mô hình nuôi tôm sú ở vùng ngập mặn được Phường 12, TP. Vũng Tàu phát triển mạnh ở các vùng nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần cùng nông dân làm giàu.

Ông Nguyễn Hoàng Hồng, Chủ tịch Hội Nông dân phường 12, TP. Vũng Tàu cho biết, hiện Phường 12 có 28 hộ nuôi tôm sú theo mô hình ứng dụng công nghệ chế phẩm sinh học trên diện tích nuôi 59ha. Đây là mô hình nuôi mới được nông dân Phường 12 áp dụng từ tháng 5-2015. Sau vụ thu hoạch đầu tiên cho thấy mô hình nuôi tôm này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi.

Ông Nguyễn Văn Sơn thu hoạch tôm sú

Theo ông Nguyễn Văn Sơn, chủ đùng tôm ở địa chỉ 1708 đường 30-4, Phường 12, nuôi tôm theo mô hình chế phẩm sinh học vi sinh theo hướng dẫn của Trung tâm Khuyến nông khuyến ngư tỉnh BR-VT, vụ đầu tiên ông thu được hơn 100 tấn tôm/1ha loại 30-35 con/kg, giá mỗi ký được các thương lái thu mua tại đùng là 220.000 đồng/kg. Trừ tiền giống và các chi phí ra, ông thu lãi khoảng 100 triệu đồng/vụ. Ông Sơn cho biết, mô hình nuôi tôm sú theo công nghệ chế phẩm sinh học là trước khi nuôi phải cải tạo ao đầm. Sau đó, sử dụng chế phẩm sinh học để tạo môi trường sạch, làm tiền đề để tôm nuôi khỏe, hay ăn, chóng lớn, tăng sức đề kháng; môi trường không bị phá hoại, có thể khai thác lâu dài, giảm chi phí (do tiết kiệm được nước), hạn chế sử dụng hóa chất và kháng sinh. Với công nghệ này, tôm khỏe hơn; chất lượng tôm ngon hơn; sản lượng tăng 20% so với mô hình nuôi tôm thông thường.

Theo Trung tâm Khuyến nông khuyến ngư tỉnh BR-VT, quan trọng hàng đầu là triển khai mô hình nuôi tôm sú theo mô hình chế phẩm sinh học vi sinh là không sử dụng hóa chất, hạn chế được dịch bệnh. Mọi công đoạn nuôi tôm đều quan trọng, không coi nhẹ công đoạn nào. Trước hết, về cải tạo ao đầm, nếu có hệ thống ao chứa, người nuôi phải tiến hành hút bùn, phơi khô, rào lưới 3 màn xung quanh ao để ngăn chặn còng, cáy, rắn… vào ao. Tiếp đó, bơm nước sông vào ao lắng và thông qua hệ thống túi lọc. Nếu không có ao lắng riêng thì cần dành một phần ao nuôi để tạo ao lắng; thả cá rô phi đơn tính giúp hạn chế tạp chất, rong, tảo… trong nước trước khi thả tôm giống vào ao nuôi. Trước khi bơm nước vào ao nuôi cần thông qua hệ thống túi lọc, gồm 3 lớp, lớp trong là lưới Thái, lớp ngoài là lớp vỏ kate ống túi cao 20 – 30 m.

Tiếp đó là công đoạn gây màu nước (nuôi nước). Dùng 5 kg cám, 5 kg đậu nành cùng 0,5 kg chế phẩm vi sinh ngâm 36 - 72 giờ, dùng cho 2.000 m3 nước, 2 - 3 lần/ngày, đến khi đạt độ trong 30 - 35 cm. Sau đó đo lại độ kiềm trong ao nuôi, với tôm sú yêu cầu 80 mg/lít, tôm thẻ chân trắng 100 - 120 mg/lít, rồi thả giống. Chọn con giống nguồn gốc rõ ràng, trại giống uy tín, đã qua kiểm dịch; kích cỡ với tôm sú là P15 trở lên.

Sử dụng chế phẩm sinh học tạo môi trường sạch, làm tiền đề để vật nuôi khỏe, hay ăn, chóng lớn, tăng sức đề kháng; môi trường không bị phá hoại, có thể khai thác lâu dài, vòng quay nhanh, giảm chi phí (do tiết kiệm được nước), hạn chế sử dụng hóa chất, kháng sinh.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hồng, Chủ tịch Hội Nông dân phường 12, mô hình nuôi tôm sú theo công nghệ chế phẩm sinh học vi sinh cho tôm sạch, chất lượng, mang lại nguồn thu nhập cao nên hiện nay, Hội Nông dân phường 12 đang tiếp tục hỗ trợ bà con nông dân phát triển quy mô nuôi tôm sú./.

Bài, ảnh: NHƯ MÂY, BBT

 

Thông Tin Thời Tiết Thông Tin Thời Tiết

Ảnh đẹp Vũng Tàu Ảnh đẹp Vũng Tàu