Liên Kết Website Liên Kết Website
Lễ hội văn hóa Lễ hội văn hóa
Hàng chục ngàn khách thập phương tham dự lễ vía Ông ở Nhà Lớn – Long Sơn
04:37 | 08/04/2015 Print   E-mail    

 

Mặc dù ngày 8/4 (ngày 20/2 âm lịch) mới là ngày chính của lễ vía Ông ở Nhà Lớn – Long Sơn (TP. Vũng Tàu), nhưng như truyền thống từ nhiều năm nay, từ ngày 6/4 (ngày 18/2 âm lịch), hàng chục ngàn lượt khách thập phương đã đổ về Long Sơn tham dự một trong hai lễ hội quan trọng nhất trong năm của đạo ông Trần.
 
Người dân khắp nơi về dự lễ vía Ông ở Nhà Lớn – Long Sơn
 
Nhà Lớn do ông Trần, tên thật là Lê Văn Mưu, một tín đồ của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa (vốn phát xuất từ vùng Bảy Núi, An Giang) đến lập nghiệp và xây dựng vào đầu thế kỷ 20. Năm 1900, ông dẫn 20 đệ tử tìm đến đảo Long Sơn và định cư hẳn ở đây khai hoang và truyền đạo. Với bàn tay khối óc của mình cùng với sự giúp sức của những người đi theo ông, hòn đảo trở thành mảnh đất trù phú trồng được nhiều loại cây đặc sản. Tiếng lành đồn xa, dân nghèo tứ xứ về Long Sơn ngày một đông và trở thành đệ tử ông Trần. Với diện tích khoảng 2ha, nhà Lớn là một quần thể kiến trúc uy nghi gồm ba phần là khu đền thờ; một khu quần thể các di tích nhà Long Sơn hội, trường học, chợ, nhà mát, nhà bảo tồn, các dãy phố và lăng mộ của ông Trần. Khu đền thờ quay mặt về hướng đông, toạ lạc trên diện tích gần 10.000m², gồm cổng Tam quan, vườn hoa Bát quái, nhà Thánh, lầu Trời, lầu Tiên, lầu Phật với hệ thống nhà gỗ hai tầng, tám mái thờ rất nhiều đối tượng của Đạo giáo, Nho giáo, ông Trần và những người trong gia tộc họ Lê. Nơi đây còn lưu giữ nhiều bộ sưu tập cổ vật quý báu như: bộ bàn ghế bát tiên gồm 8 ghế và 1 bàn hình chữ nhật đã trên 200 năm tuổi, tương truyền là bộ bàn ghế của vua Thành Thái. Bên cạnh đó, còn có nhiều cổ vật trang trí nội thất thờ tự như bao lam, hoành phi, câu liễn sơn son thếp vàng... đặc biệt là bộ tủ thờ gồm 33 cái, được cẩn xà cừ, chạm khắc tinh xảo. Tất cả cổ vật nơi đây thể hiện khả năng nghệ thuật điêu khắc, trang trí của các nghệ nhân từ nhiều nơi trên đất nước. Năm 1991, quần thể kiến trúc nhà Lớn đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia.
 
Hàng năm, vào ngày vía ông Trần (20/2 âm lịch) nhà Lớn tổ chức lễ hội rất lớn, thu hút hàng chục ngàn người từ khắp nơi trên cả nước về tham dự. Từng người ăn vận áo dài đen, khăn đống cũng màu đen mang theo nào xôi chè, bánh trái đến cung kỉnh Ông. Không khí của Nhà Lớn trong hai ngày tiếp đó luôn ấm cúng và trang nghiêm. Mỗi người một việc, mỗi người một công nhưng tất cả đều góp phần làm cho việc tiếp đãi khoảng 20.000 khách thập phương từ những nơi khác đến trong lễ vía Ông thêm chu đáo. Trong gian nhà phía sau Lầu Tiên, 8 vị kỳ lão đang chuẩn bị kỉnh Ông (cúng ông). Các dì cũng áo bà ba, quần đen ngồi quây quần lo chuyện bếp núc, chè xôi để đãi bá tánh đang tụ họp về Nhà Lớn. “Con cháu Nhà Lớn dù đi đâu mần ăn, xa xôi đến mấy thì ngày vía Ông cũng về. Kỉnh Ông không cần mâm cao cỗ đầy, cao lương mỹ vị. Ông dạy rồi, nhà ăn sao thì kỉnh vậy nên trên mâm cỗ chỉ có món canh dừa, trái su xào, củ sắn cuốn bì, chuối ghém, xôi chè và bánh quy”, vị kỳ lão Phan Văn Phùng cho biết.
 
Được biết, ngoài các phong tục đẹp như trên, lúc còn sống Ông Nhà Lớn còn thực hiện chính sách “luân canh luân cư” nổi tiếng: những người phiêu dạt đến, không nhà cửa, ruộng vườn sẽ được ông cấp nhà để ở, ruộng đất để cày, khi nào ổn định được cuộc sống thì ra riêng, nhường nhà, nhường ruộng cho người khác đến. Đến nay, hàng trăm năm đã trôi qua nhưng ban điều hành Nhà Lớn vẫn giữ truyền thống “luân canh, luân cư” này đối với những người nghèo, những người di cư đến Long Sơn tìm kế mưu sinh. Vì vậy, 5 dãy phố cổ đã được con cháu của Ông lần lượt trùng tu, tôn tạo lại làm nơi nghỉ chân cho khách thập phương, bá tánh.
 
Bài, ảnh: Yến Nhi
BBT.
 
 

Thông Tin Thời Tiết Thông Tin Thời Tiết

Ảnh đẹp Vũng Tàu Ảnh đẹp Vũng Tàu