Liên Kết Website Liên Kết Website
Lễ hội văn hóa Lễ hội văn hóa
Báu vật của làng
07:27 | 01/11/2014 Print   E-mail    

 
 
Một số đình làng ở Bà Rịa – Vũng Tàu hiện còn lưu giữ những sắc phong từ hàng trăm năm trước. Dù thời gian qua nhưng hết thế hệ này đến thế hệ khác, các đạo sắc trong đình làng vẫn được cất giữ cẩn  trọng như bảo vật linh thiêng của làng.
 
BẢO VẬT LINH THIÊNG
 
Lễ thỉnh sắc thần trong Lê hội Nghinh Ông - Đình Thắng Tam
 
Năm 2003-2004, qua sưu tầm tại 26 di tích được xếp hạng, nhóm tác giả nghiên cứu đề tài khoa học “Di sản Hán Nôm trong các di tích lịch sử văn hoá Bà Rịa - Vũng Tàu” đã thu thập được khối lượng di sản Hán Nôm lớn trong đó có 17 sắc phong ở các đình làng. Trong đó, riêng Đình thần Thắng Tam hiện đang cất giữ 13 đạo sắc, các sắc phong còn lại nằm rải rác ở các đình làng như Đình Long Hương (TX. Bà Rịa), Đình Long Phượng (huyện Long Điền)...  Mới đây, ông Phạm Chí Thân, nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh đã dịch hoàn thành một phong thần đạo chế của Vua Minh Mạng phong cho Châu Văn Tiếp. Đạo chế này đã cung cấp thêm tư liệu mới giúp chúng ta hiểu thêm công lao, cách hành xử của triều Nguyễn với Châu Văn Tiếp cũng như của nhân dân một số vùng Nam bộ đối với ông. Sắc phong này sau khi dịch xong vẫn còn lưu lại trong đền Hắc Lăng (xã Tam Phước, huyện Long Điền). Trải qua thời gian và năm tháng, nét vàng son trên nền giấy gấm và cả những giá trị quyền uy của bậc chí tôn thời phong kiến hầu như vẫn còn tươi nguyên trên nền giấy cũ.
 
Theo các nhà khoa học, cùng với các loại văn bản và thư tịch cổ như chiếu, chỉ, hịch, văn bia, gia phả, sắc phong được xem như một loại văn bản pháp quy mang tính chính thống của nhà nước phong kiến. Sắc phong không chỉ có giá trị về mặt nội dung mà còn nổi tiếng về mặt nghệ thuật. Giấy sắc là loại giấy dó quý hiếm được vẽ bằng các nguyên liệu quý như vàng, bạc, kim nhũ… nên có độ bền dai cao do đó có thể tồn tại được hàng trăm năm mà không hề hư hỏng. Ngoài vẻ đẹp của các hình sắc trang trí, sắc phong còn là một tác phẩm thư pháp Hán Nôm độc đáo. Tuỳ theo từng thời kỳ mà sắc phong có sự khác nhau về hình thức trang trí cũng như bút pháp thể hiện. Vì vậy, việc nghiên cứu một cách đầy đủ và có hệ thống về sắc phong sẽ giúp cho chúng ta hiểu thêm nhiều vấn đề về lịch sử như niên đại, triều đại, nguồn gốc nhân vật, sự kiện lịch sử, địa danh học lịch sử, phong tục tập quán, đời sống tâm linh, tín ngưỡng dân gian, thư pháp, nghệ thuật hội hoạ, kĩ thuật làm giấy cổ xưa. Vì vậy sắc phong xứng đáng được xếp vào hàng các di sản văn hoá của dân tộc.
 
Ngày nay khi đời sống kinh tế xã hội phát triển, nhiều đình, chùa, đền miếu được khôi phục, các lễ hội cổ truyền dân gian luôn tái hiện lại đưa con người trở về với cội nguồn tổ tiên. Bên cạnh đó những giá trị văn hóa cổ, trong đó có sắc phong, được nhiều người quan tâm tìm kiếm với thú vui sưu tầm đồ cổ. Một số đình làng ở Bà Rịa – Vũng Tàu vẫn còn duy trì tục rước sắc phong vào những dịp lễ ở đình như một cách thể hiện sự biết ơn, tưởng nhớ đến công đức của các vị thần, thành hoàng đã được vua ban sắc.
 
SẮC PHONG Ở ĐÌNH THẦN THẮNG TAM
 
Trong số các đình làng ở Bà Rịa – Vũng Tàu thì Đình thần Thắng Tam (TP. Vũng Tàu) hiện còn lưu giữ nhiều sắc phong nhất với 13 đạo sắc của triều đình nhà Nguyễn phong cho các vị Thần…Do sợ bị đánh cắp nên các đạo sắc này luôn được bảo quản cẩn mật, trong chiếc hộp sơn son thiếp vàng. Mỗi năm ba lần lễ hội sắc lại được thỉnh về đặt tại Ngôi Tiền Hiền của đình với nghi lễ long trọng. Ông quyền chánh tế ôm hộp đựng sắc phong trước ngực, theo sau là các vị hương chức trong ban tế tự và dân làng, có đủ cả nhạc ngũ âm cùng lân sư rồng mở đường dẫn lối vui như trẩy hội. Chánh bái phải là người lớn tuổi, đức độ uy tín, con cháu thảo hiền và gia giáo lễ nghĩa, do dân làng bầu ra. Trước khi thỉnh sắc, các vị hương chức trong đình kiểm từng tờ một xem có mất mát, mốt mọi gì không. Tổ chức cúng tế xong, các vị hương chức tiếp tục mở hộp ra kiểm tra một lần nữa.
 
Ngôi Tiền Hiền, nơi cất giữ 13 đạo sắc của Đình thần Thắng Tam là một kiến trúc lợp bằng ngói âm dương, trên có hình lưỡng long chầu nguyệt đắp nổi. “Mặc dù 13 đạo sắc được đựng trong một chiếc hộp sơn son thiếp vàng có khoá, đặt trên trang thờ cao nhất và được các ông từ thay phiên nhau gác. Hàng năm, sắc chỉ được thỉnh xuống vào ba kỳ lễ hội bằng nghi thức long trọng, sau đưa trở lại vị trí cất giữ cẩn mật…” - ông Trương Văn Khôi, Trưởng Ban quản lý di tích lịch sử Đình thần Thắng Tam, cho biết. Ông Khôi còn giải thích thêm, trong tín ngưỡng dân gian xưa, thờ Thần hay Thành hoàng làng xã, khi được nhà vua phong sắc có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đây là văn bản công nhận chính thức của triều đình về sự hợp pháp của làng, là văn bản mang giá trị văn hóa cội nguồn thiêng liêng cao cả, xác định uy tín danh vọng, chủ quyền, tên đất, tên làng.
 
Bài, ảnh: Hoa Hạ
BBT.

  

Thông Tin Thời Tiết Thông Tin Thời Tiết

Ảnh đẹp Vũng Tàu Ảnh đẹp Vũng Tàu