Thông tin hoạt động Thông tin hoạt động
Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp có điều kiện thu hút khách du lịch
10:37 | 07/09/2020 Print   E-mail    

 

HƯỚNG TỚI ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ TỈNH BR-VT LẦN THỨ VII, NHIỆM KỲ 2020-2025:

KỲ 2: Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp có điều kiện thu hút khách du lịch

Trong dự thảo báo cáo chính trị của BCH Đảng bộ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu khóa VI, trình Đại hội đại biểu Đảng bộ Tỉnh khóa VII có đánh giá tỷ trọng các sản phẩm ứng dụng công nghệ cao chiếm 30%, tỉnh đã có đề án và quy hoạch hơn 5.000 ha đất để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhiều mô hình sản xuất trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy hải sản ứng dụng công nghệ cao; số lượng, khối lượng nông sản sạch đưa ra thị trường ngày càng nhiều, đã hình thành 33 chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản sạch và 46 cửa hàng kinh doanh thực phẩm theo chuỗi thực phẩm an toàn. Tuy nhiên trong dự thảo cũng nhìn nhận hạn chế thiếu sót là số lượng dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được triển khai chưa nhiều; hiện chỉ dự án trồng chuối cấy mô và mít ứng dụng công nghệ cao do công ty cổ phần cao su Thống nhất triển khai với vốn đầu tư 15 tỷ đồng; Khu nông trại Hoa Lâm với diện tích hơn 550ha vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đã phê duyệt là còn khiêm tốn so với mục tiêu của tỉnh.

Định hướng trong nhiệm kỳ 2020-2025, lĩnh vực nông nghiệp tỉnh vẫn chủ trương phát triển mạnh mẽ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất, chất lượng và thu nhập trên đơn vị diện tích, gắn với xây dựng nông thôn mới và bảo vệ môi trường, phấn đấu đến năm 2025 có 4.000 ha đất được đầu tư, phát triển thêm chuỗi cửa hàng cung ứng nông sạch phục vụ người dân và khách du lịch, tăng cường kiểm tra, truy xuất nguồn gốc nông sản. Đối với nuôi thủy hải sản, sắp xếp lại lồng bè, giảm mật độ nuôi cá và hình thành Trung tâm nghề cá tại Gò Găng.

Đến nông trại Eco Tân Hưng tại xã Tân Hưng thành phố Bà Rịa, tuy trong quá trình đầu tư xây dựng với bề bộn như một công trường, với hàng trăm người lao động trồng, chăm bón cho cây trồng, nhưng nơi đây cũng đã bắt đầu phục vụ du khách tham quan và mua sản phẩm nông nghiệp sạch, anh Võ Minh Diện, đến từ phường Thắng Tam, thành phố Vũng Tàu cho rằng nông trại Eco với diện tích rộng, đầu tư nông nghiệp phong phú, ứng dụng công nghệ cao sẽ là địa điểm du lịch sinh thái, trải nghiệm giáo dục xanh, cung cấp thực phẩm sạch kết hợp nghỉ dưỡng rất lý thú, do gần Vũng Tàu nên nơi đây sẽ rất thuận lợi cho việc thu hút khách. Chị Minh Thu, nhân viên tại nông trại Eco cho biết nông trại vừa mở cửa đón khách thử nghiệm vì đang trong quá trình xây dựng, việc phục vụ khách khi khách có nhu cầu và đặt hàng trước sẽ chuẩn bị và phục vụ, tuy nhiên hàng ngày tại nông trang cũng bán được rất nhiều rau, củ cho khách đến tham quan muốn mua về dùng.

Nông sản được trồng tại nông trại Eco Tân Hưng, Bà Rịa

Tại Vũng Tàu, nhãn bắp cải khi vào mùa được khách du lịch tìm mua rất nhiều, mặc dù giá của nó có thể đắt hơn nhãn bình thường từ 6-8 lần, sở dĩ được nhiều người săn đón là bởi vì loại quả này có vị ngọt từ nhãn xuồng lại cộng thêm lớp cơm dày và giòn như bắp cải, dân sành ăn nào cũng phải tranh thủ tìm chúng cho bằng được; với đặc trưng đất ở vùng này là đất cát, giàu hàm lượng kali nên đã tạo điều kiện giúp trái nhãn có độ ngọt tự nhiên. Hình dáng của chúng to và trong hơn giống nhãn khác, khi chín vỏ chuyển sang màu nâu sậm và phần cuống lõm xuống trông giống chiếc xuồng. Bên trong lớp vỏ mỏng là phần cơm vàng nhạt, dày dặn và thơm lừng. Ông Nguyễn Văn Trọng, nguyên cán bộ Chi hội Nông dân thuộc Khu phố của Phường 11 cho rằng chính quyền và các ngành chức năng cần quan tâm để bảo vệ giống nhãn của Vũng Tàu nói chung và nhãn xuồng cơm vàng nói riêng, cần có quy hoạch đất để trồng giữ giống nhãn quý nếu ứng dụng được công nghệ trong nông nghiệp thì việc phát triển không khó không nhất thiết nhiều diện tích đất; vì quá trình đô thị hóa ông Trọng sợ mất giống nhãn quý hiếm này.

Nuôi cá mú giống tại xã Long Sơn để phục vụ cho các lồng bè trên hệ thống sông tại Vũng Tàu

Hệ thống nuôi cá lồng bè trên các sông thuộc thành phố Vũng Tàu cũng là mô hình phát triển nông nghiệp của người dân Phường 11,12 và xã Long Sơn và thu hút sự quan tâm trải nghiệm của khách du lịch khi đi trên các tuyến sông. Cá chết trong thời gian qua thiệt hại kinh tế của người nuôi và ảnh hưởng môi trường nước, nguyên nhân có nhiều nhưng nuôi quá dày cũng đã được đặt ra. Người nuôi cá cần ứng dụng công nghệ cao để đảm bảo nguồn cá sạch cho người tiêu dùng, nguồn nước được đảm bảo là mong muốn của họ.

Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp là nhiệm vụ phải triển khai thực hiện, đi liền với nó là phục vụ du lịch, phục vụ nhu cầu trải nghiệm, thưởng thức thực phẩm sạch, an toàn. Chính quyền các cấp cần tạo điều kiện thuận lợi nhất để có nhiều dự án ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp đi vào hoạt động, đưa Nghị quyết đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trở thành hiện thực./.

Bài, ảnh: Lại, Giang, BBT