Văn hóa - Nghệ thuật Văn hóa - Nghệ thuật
Tết cổ truyền của người Việt và những giá trị văn hóa truyền thống
05:26 | 15/01/2020 Print   E-mail    

 

Không biết từ bao giờ, với mỗi người dân Việt Nam, ngày Tết cổ truyền có một giá trị truyền thống tinh thần rất lớn. Giá trị đó ẩn sâu trong đời sống tâm hồn của mỗi người, trong gia đình và cả cộng đồng. Tết đến Xuân về không chỉ là niềm khao khát của biết bao đứa trẻ để được xúng xính quần áo mới, được ăn bánh mứt và nhất là được nhận lì xì, mà nó còn mang một ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Đó là điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới, giữa một chu kỳ vận hành của đất trời, vạn vật cỏ cây. Bên cạnh đó là khao khát sự trường tồn cuộc sống, sự gắn kết trong cộng đồng, gia tộc và gia đình. Tết Nguyên đán còn là dịp để hướng về cội nguồn. Đó là giá trị tâm linh, cũng là giá trị tình cảm sâu sắc của người Việt, trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta bao đời nay.

 

(Hình minh họa) 

Người Việt cho rằng, Tết cổ truyền của dân tộc là cơ hội để thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” một cách sâu sắc, cụ thể nhất. Giá trị hướng về cội nguồn là giá trị tâm linh, cũng là giá trị tình cảm của người Việt với Tết Nguyên đán. Giá trị này đã trở thành nếp sống truyền thống tốt đẹp, bền vững. Cùng với quá trình phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội và hội nhập của đất nước thì Tết cổ truyền của người dân Việt Nam vẫn là nét văn hóa truyền thống được trân trọng và lưu giữ mãi theo thời gian.  

Tết cổ truyền của người Việt Nam không chỉ thể hiện sự giao cảm giữa trời đất và con người trong quan niệm của người phương Đông, mà thiêng liêng hơn cả đó chính là ngày đoàn viên của mọi gia đình. Mỗi khi Tết đến, dù làm bất cứ nghề gì, ở bất cứ nơi đâu đều mong được trở về sum họp dưới mái ấm gia đình trong 3 ngày Tết, được khấn vái trước bàn thờ tổ tiên, thăm lại ngôi nhà thờ, ngôi mộ, giếng nước, mảnh sân nhà… được sống lại với những kỷ niệm đầy ắp yêu thương của tuổi thơ yêu dấu. “Về quê ăn Tết”, đó không phải là một khái niệm thông thường đi hay về, mà là một cuộc hành hương về với cội nguồn, nơi chôn rau cắt rốn. Chỉ có những ai phải đi xa mới nhớ, mới biết trân trọng từng giây phút được trở về bên người thân yêu ruột thịt trong mấy ngày Tết. Đặc biệt, với những cô gái lấy chồng xa quê, ít có điều kiện về thăm nhà, đây là cơ hội lý tưởng để sum vầy, hàn huyên với bố mẹ đẻ và thăm hỏi họ hàng, anh em, bạn bè sau cả môt thời gian dài không gặp…

Trong hương vị của Tết cổ truyền không thể thiếu bánh chưng, bánh Tét. Bánh chưng, bánh Tét là một phong tục có từ nền văn minh lúa nếp. Lúa nếp chỉ tìm thấy dấu vết cổ xưa ở đồng bằng sông Hồng và gắn với câu chuyện bánh chưng, bánh dầy từ thời vua Hùng thứ 18 khi kén phò mã. Ngày nay bánh chưng bánh Tét vẫn là phong tục thưởng thức ẩm thực Tết vô cùng đẹp của dân tộc ta. Cứ vào dịp tết, tầm 28 – 29 Tết, các gia đình Việt Nam thường tụ tập gói bánh chưng, bánh Tét để làm vật phẩm cúng gia tiên, làm quà biếu Tết hoặc để thưởng thức trong gia đình. Việc gói bánh là một nét đẹp, một thú vui và qua đó thể hiện được sự khéo léo của mỗi người. Phải là người có bàn tay vô cùng khéo léo mới có thể gói được, nếu không bánh sẽ nứt góc khi luộc. Luộc bánh chưng là công đoạn được nhiều người thích nhất. Đêm những ngày gần Tết, trời se lạnh mà ngồi chờ đợi bên nồi bánh chưng thì còn gì thú bằng.

Tết cổ truyền của dân tộc về, người Việt thường nhắc nhiều đến “thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ”. Đó không phải là một sự bảo thủ, đó là cả một nền văn minh, một gam màu cần thiết cho tiết trời ấm áp mỗi độ xuân về. Cuộc sống mỗi người dân trên khắp đất nước Việt Nam đã ngày càng khấm khá, họ hài lòng với những gì đang thay đổi. Họ vẫn giữ những niềm tin, sự thành kính cao quý nhất đến Bác Hồ, đến Đảng, Nhà nước. Những tiếng cười nói hân hoan, những giọt nước mắt vỡ òa trong hạnh phúc vào những ngày cuối năm – nước mắt của sự sum vầy, đoàn tụ đã chứng tỏ điều đó.

Cùng với tiến trình hiện đại hóa nền kinh tế, giao lưu và hội nhập quốc tế, những nét truyền thống văn hóa của Tết cổ truyền Việt Nam đang bị tác động của những yếu tố ngoại lai. Trước đây, người ta thường nói là “ăn Tết”, còn bây giờ là “chơi Tết”, không ít gia đình trẻ thích đi du lịch trong dịp Tết Nguyên đán, thay vì trở về quê hương. Nó cũng tác động đến suy nghĩ và nhận thức của các thế hệ sau này, khi các cháu cũng muốn tách khỏi gia đình để đi chơi với bạn bè trong những ngày Tết cổ truyền. Chính sự tác động của đời sống văn hóa-xã hội, sự hội nhập quốc tế đã ảnh hưởng không nhỏ đến những nét đẹp văn hóa truyền thống của Tết Việt. 

Với mỗi người Việt Nam hôm nay, để giữ gìn và phát triển những nét đẹp văn hóa của Tết cổ truyền Việt Nam là trách nhiệm của mỗi người dân chúng ta. Dù đang sinh sống trên đất nước mình, hay học tập, công tác và định cư ở nước ngoài, giữ được nét truyền thống văn hóa của Tết Việt sẽ đưa chúng ta về với cội nguồn, về với tổ tiên và quê hương, gia đình-nơi đã sinh ra ta, nuôi ta khôn lớn trưởng thành. Từ đó, để mỗi người Việt Nam càng thêm tự hào, trân trọng về truyền thống vẻ vang của dân tộc, yêu thương giúp đỡ nhau nhiều hơn; ra sức phấn đấu, rèn luyện và cống hiến thật nhiều cho Tổ quốc, quê hương, sống xứng đáng với đất nước Việt Nam “ngàn năm văn hiến”.

Tết cổ truyền năm 2020 đang đến gần, dẫu hôm nay chúng ta đang bước vào thời kỳ công nghệ 4.0 nhưng Tết Việt vẫn mang một giá trị văn hóa truyền thống rất riêng. Đi qua những giây phút sống trong phong tục đẹp đẽ của gia đình Việt mấy ngày Tết, ta mới hiểu gia đình là cội nguồn nuôi dưỡng đời sống tâm linh của mỗi người. Tết cổ truyền luôn là một hoạt động văn hóa đặc sắc. Những nét đẹp văn hóa trong những ngày Tết cổ truyền dân tộc vẫn lấp lánh ở mỗi tâm hồn của những người con đất Việt./.

Bài: Lê Ngân, BBT