Giáo dục - Đào tạo Giáo dục - Đào tạo
Thực hiện nhiệm vụ giáo dục thể chất, hoạt động thể thao, phòng tránh tai nạn thương tích năm học 2020-2021
05:45 | 24/10/2020 Print   E-mail    

Sở Giáo dục và đào tạo Bà Rịa-Vũng Tàu vừa ban hành Công văn số 2119/SGDĐT-GDTrHTX về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục thể chất, hoạt động thể thao, phòng tránh tai nạn thương tích năm học 2020-2021.

Minh họa: Giải bóng rổ Nam - Nữ Trường THPT Trần Nguyên Hãn năm học 2020-2021

Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các phòng Giáo dục và Đào tạo và các cơ sở giáo dục thực hiện nhiệm vụ giáo dục thể chất, hoạt động thể thao, phòng tránh tai nạn thương tích năm học 2020 – 2021 như sau:

Thứ nhất, về công tác giáo dục thể chất, hoạt động thể thao học đường: Tổ chức, thực hiện hiệu quả nội dung chương trình môn học giáo dục thể chất, các hoạt động thể thao của học sinh và công tác vệ sinh môi trường. Đảm bảo dạy đúng, dạy đủ, chương trình khung môn thể dục đã được bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Giờ học thể dục là phương tiện giúp học sinh phát triển thể chất, giữ gìn sức khỏe, việc tổ chức tập luyện cho học sinh trong giờ học cần phải thường xuyên, liên tục  mới có hiệu quả, vì vậy tuyệt đối không được tự ý cắt xén, dồn ép học trước chương trình. (sắp xếp thời gian biểu 02 tiết/tuần thực học, xuyên suốt từ đầu năm cho đến khi kết thúc năm học, kể cả học sinh cuối cấp lớp 9, lớp12); Từng bước đầu tư cơ sở vật chất, đảm bảo điều kiện tổ chức hiệu quả môn học thể dục, các hoạt động thi đấu thể thao cho học sinh; thường xuyên tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý làm công tác giáo dục thể chất; Mỗi trường xây dựng ít nhất 02 câu lạc bộ thể thao theo hướng xã hội hoá cho học sinh tham gia, bao gồm các môn phù hợp với đặc điểm nhà trường. Câu lạc bộ hoạt động thường xuyên có quy chế cụ thể, trên tinh thần tự nguyện tham gia của học sinh (võ cổ truyền, taekwondo, karatedo, judo, vovinam, thể dục nhịp điệu, cờ vua, cầu lông, bóng bàn, đá cầu, bơi lội…vv).

Thứ 2, về công tác phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước: Tăng cường chỉ đạo, tổ chức triển khai nghiêm túc, có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sở Giáo dục Đào tạo về phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước cho học sinh; Triển khai hiệu quả công tác phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước đối với học sinh, chú trọng nội dung tuyên truyền, giáo dục hướng dẫn học sinh kỹ năng nhận biết nguy cơ về đuối nước, biết chủ động phòng, tránh; các nhà trường đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư bể bơi trong trường học, tổ chức dạy bơi cho học sinh trong và ngoài nhà trường; Ban giám hiệu nhà trường giao nhiệm vụ cho giáo viên chủ nhiệm nhắc nhở, hướng dẫn các em thực hiện quy định an toàn từ nhà đến trường và từ trường về nhà; khuyến cáo các em tuyệt đối không được chơi, đùa nghịch gần ao, hồ, sông suối, kênh, rạch, hố công trình, nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước…, tự ý hoặc rủ nhau tắm, đi bơi khi không có người lớn đi cùng. Nhà trường lồng ghép nội dung giáo dục ý thức, kiến thức, kỹ năng an toàn phòng, chống tai nạn đuối nước trong các hoạt động giáo dục của nhà trường, trong các giờ học thể dục; Rà soát, kiểm tra sự an toàn của hệ thống cơ sở vật chất trường, lớp, thiết bị phục vụ việc dạy, học; thiết bị phục vụ các hoạt động vui chơi, sinh hoạt của học sinh (phòng học, đồ dùng thí nghiệm, tường, rào, lan can, cây xanh… trong khuôn viên nhà trường). Đảm bảo các trang thiết bị về phòng cháy, có các phương án ứng phó kịp thời khi có cháy nổ. Kịp thời có phương án sửa chữa, hoặc báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền phương án sửa chữa, thay thế, khắc phục kịp thời cơ sở vật chất, các thiết bị dạy học đã cũ, quá hạn có nguy cơ xảy ra tai nạn đối với học sinh sinh viên.

         Thứ 3, về cơ sở vật chất phục vụ TDTT: Đảm bảo tối thiểu điều kiện dạy học môn thể dục (tranh ảnh, sân tập, trang thiết bị, dụng cụ học tập của học sinh) đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất để thực hiện giảng dạy, học tập đầy đủ nội dung theo phân phối chương trình; Nhà luyện tập thể dục thể thao không được đóng cửa, không được sử dụng vào mục đích khác, bảo quản tốt và tiến hành sửa chữa kịp thời những hư hỏng. Phải khai thác tối đa công năng nhà tập luyện thể dục thể thao để học sinh được tập luyện; Sử dụng triệt để diện tích sân tập ngoài trời để học sinh có không gian vui chơi, luyện tập thể dục thể thao; Khuôn viên trường học, sân tập luyện thể dục thể thao phải Xanh, Sạch, Đẹp và an toàn, hệ thống nhà vệ sinh không có mùi hôi, phải có giấy vệ sinh và xà phòng…, giải quyết triệt để vấn đề về rác, đảm bảo cảnh quan sư phạm; Thực hiện đầy đủ chế độ cho giáo viên giáo dục thể chất theo quy định nhà nước; Trên cơ sở hướng dẫn nhiệm vụ giáo dục thể chất năm học 2020-2021 của sở Giáo dục và Đào tạo. Các đơn vị đề ra giải pháp cụ thể để triển khai có hiệu quả. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, sân luyện tập thể dục thể thao cho học sinh. Nâng cao chất lượng giáo dục thể chất trong nhà trường./.

 

                                                                                          Tin, ảnh: Lê Ngân, BBT