Công nghệ thông tin Công nghệ thông tin
Cần hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thông tin đồng bộ để triển khai tốt Chính phủ điện tử
09:18 | 26/03/2020 Print   E-mail    

Trong thời qua thành phố Vũng Tàu nỗ lực trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025. Đây là bước tiếp theo trong việc triển khai thực hiện Quyết định 28/2018/QĐ-TTg ngày 12/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc nhận gửi văn bản giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước. Tuy nhiên việc triển khai Chính phủ điện tử tại thành phố Vũng Tàu không thật sự suôn sẻ vì hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thông tin chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ tại địa phương.

Từ năm 2012, các cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn thành phố Vũng Tàu đã đồng loạt được ứng dụng phần mềm văn phòng điện tử e-Office, kể từ đó các cơ quan thuộc UBND Thành phố, UBND phường, xã đã được UBND Thành phố đầu tư các thiết bị như máy tính, máy chủ, máy trạm, các thiết bị kết nối mạng, thiết bị an ninh an toàn, thiết bị ngoại vi và thiết bị phụ trợ, mạng nội bộ, mạng diện rộng với mục tiêu xây hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin đáp ứng theo nhu cầu của từng đơn vị, vị trí việc làm và thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước toàn Thành phố. Ông Trần Trung Kiên, Chuyên viên Công nghệ thông tin thuộc phòng Văn hóa và Thông tin Thành phố cho biết sau gần 10 năm ứng dụng phần mềm văn phòng điện tử e-Office trên toàn địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nói chung và thành phố Vũng Tàu nói riêng đã phát sinh một số hạn chế, bất cập trong việc chưa đa dạng ứng dụng trên các thiết bị như máy tính bảng, điện thoại thông minh, dung lượng dữ liệu quá tải làm ảnh hưởng đến tốc độ truy cập nên được sở Thông tin và Truyền thông đề xuất thay thế phần mềm quản lý văn bản mới (iDesk) với nhiều tính năng nổi trội, sử dụng đa dạng trên các thiết bị công nghệ thông tin cá nhân người dùng.

Triển khai tốt Chính phủ điện tử sẽ giảm áp lực cho người dân đến tại các bộ phận một cửa các cấp

Tuy nhiên ông Trần Bá Việt, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thành phố Vũng Tàu thì việc triển khai Chính phủ điện tử tại địa phương hiện nay trở ngại lớn cho cán bộ, công chức các đơn vị khi sử dụng vẫn là hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thông tin, cho dù sử dụng phần mềm e-Office hay iDesk mà đường truyền không ổn định, máy chủ liên tục bị lỗi, máy tính người dùng gặp vấn đề bị hỏng từ 1-2 ngày thì việc xử lý công việc, xử lý văn bản không thể kịp thời và trôi chảy. Theo thống kê của văn phòng HĐND&UBND Thành phố trong một tuần đầu tháng 3/2020, chỉ có 04/17 phòng, ban, đơn vị sự nghiệp Thành phố có 100% văn bản được ký số với 296/507 văn bản được ký số, chỉ chiếm 58,4%, đây được xem là một tỷ lệ thấp. Theo một Trưởng phòng chuyên môn thuộc UBND Thành phố việc thực hiện ký số còn tỷ lệ hạn chế cũng nhiều nguyên nhân như máy móc thiết bị bị gián đoạn, văn bản cần gấp, áp lực đi họp nhiều ảnh hưởng đến thời gian xử lý văn bản điện tử mà phải ký văn bản giấy cho kịp thời…

Ông Vũ Hồng Thuấn, Phó Chủ tịch UBND Thành phố, chủ trì cuộc họp chấn chỉnh công tác xử lý và ban hành văn bản ký số của các phòng, ban, đơn vị đã nhắc nhở các đơn vị phải thực hiện nghiêm quy trình trình ký, ban hành văn bản dự thảo theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND Thành phố tại Văn bản số 7303/UBND-VP, ngày 16/12/2019 về việc tuân thủ quy trình ký, ban hành văn bản dự thảo trên phần mềm iDesk; đôn đốc văn phòng HĐND&UBND Thành phố thực hiện văn bản số, ký số văn bản hành chính của UBND Thành phố, cho dù với lý do gì từ thiết bị hay đường truyền cũng phải triển khai thực hiện đồng bộ, có như vậy mới thực hiện nghiêm Nghị quyết 17/NQ-CP về triển khai Chính phủ điện tử tại thành phố Vũng Tàu./.

Bài, ảnh: Lại Giang, BBT