An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Phòng, chống dịch bệnh là cấp thiết, nhưng phải biết các đường lây truyền để không hô hào, cổ súy kỳ thị, xa lánh người về từ vùng dịch
02:59 | 29/02/2020 Print   E-mail    

Trong cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thành phố Vũng Tàu cuối tháng 02 vừa qua, một số thành viên Ban chỉ đạo cho biết hiện nay xuất hiện tình trạng người dân vì lo sợ lây bệnh mà có một số động thái kỳ thị, xa lánh, thậm chí còn vận động cộng đồng gây áp lực cho những người vừa từ một tỉnh có dịch bệnh trở về Vũng Tàu, làm cho người về từ tỉnh có dịch hoang mang, lo sợ, suy sụp tinh thần, mặc dù họ cũng đã tự cách ly tại nhà. Phải tuyên truyền cho người dân biết đường lây truyền để phòng, tránh dịch bệnh, nhưng không kỳ thị người đến từ vùng dịch, đảm bảo bí bật thông tin người đến từ vùng dịch, người cách ly, người tự cách ly đó là chỉ đạo của bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch UBND, Phó Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Vũng Tàu.

Bác sỹ Phạm Văn Lưu, Trưởng phòng Y tế Thành phố cho biết: Theo khuyến cáo của Bộ Y tế và các nhà chuyên môn, Covid-19 lây truyền qua 4 con đường chính: Lây qua tiếp xúc với dịch cơ thể của người bệnh (giọt nước bọt từ việc ho, hắt hơi, sổ mũi).  Lây trực tiếp: Do tiếp xúc với người bệnh, bao gồm cả việc bắt tay người bệnh mà không thực hiện các biện pháp phòng tránh. Lây truyền gián tiếp: Khi chúng ta vô tình chạm vào các bề mặt bị nhiễm virus, sau đó đưa lên mắt, mũi, miệng. Lây nhiễm qua đường phân: Những người chăm sóc bệnh nhân có thể bị phơi nhiễm virus khi xử lý các chất thải của người bệnh. Nếu người nghi nhiễm bệnh được cách ly và người đến từ vùng dịch tự cách ly thì nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng gần như không có. Vùng dịch đối với trong nước là những người đến từ xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, chứ không phải tất cả những người đến từ tỉnh Vĩnh Phúc để việc cách ly hay tự cách ly cho đúng. Đối với người nước ngoài như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… cũng cần biết được họ đến từ nơi nào cụ thể để ứng xử đảm bảo đúng quy định không làm mất đi hình ảnh thân thiện, mến khách của Việt Nam.

Tin từ đường dây nóng phòng, chống dịch bệnh Covid-19 do Trung tâm Y tế Thành phố đang quản lý, thì người dân Vũng Tàu rất nhạy bén, tích cực trong việc cung cấp thông tin đối với người trong khu phố, tổ dân cư, người chung hẻm, khách du lịch đến cơ sở lưu trú từ vùng dịch. Tuy nhiên lãnh đạo Trung tâm Y tế cũng cho biết, một số người vì lo lây truyền bệnh đã có những động thái, có lời lẻ cũng khó nghe gây áp lực cho đơn vị tham mưu xử lý dịch bệnh. Việc lo xa của một số cơ sở lưu trú không tiếp nhận khách đến từ huyện, thành phố ngoài huyện Bình Xuyên của tỉnh Vĩnh Phúc hoặc bất cứ người nước ngoài nào đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc trong thời điểm hiện nay (28/02) là chưa đúng với quy định về phòng, chống dịch bệnh.

Các doanh nghiệp có người nước ngoài làm việc họ ý thức cao về phòng, chống dịch bệnh (Trong ảnh: Chuyên gia nước ngoài tại công ty TNHH Polystyrene Việt Nam KCN Đông Xuyên tiếp đoàn kiểm tra phòng, chống dịch TPVT)

Câu chuyện mà cô lễ tân khách sạn, người bị nhiễm bệnh từ 02 cha con khách du lịch Trung Quốc tại Khánh Hòa đã khỏi bệnh, kể trên đài VOV cho thấy, việc suy diễn, kỳ thị, xa lánh của nhiều người đã tổn hại đến tinh thần bản thân cô và gia đình là rất lớn, khó khăn cho đời sống sinh hoạt và việc bị lây bệnh là khách quan không ai mong muốn.

Người Việt chúng ta có tấm lòng yêu quê hương, đất nước, có tinh thần đoàn kết cộng đồng cao, thì trong phòng chống dịch bệnh với tinh thần trách nhiệm cũng sẽ rất cao, do vậy cần giúp đỡ về tinh thần cho người bệnh và cần tấm lòng vị tha để tạo điều kiện người bệnh hoà nhập cộng đồng, không làm hoang mang, lo lắng không đáng có trong cộng đồng. Cơ quan chức năng sẽ làm hết sức mình trong việc phát hiện, tổ chức cách ly, vận động tự cách ly đối với những người đến từ vùng dịch trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19./.

Bài, ảnh: Thắng Cảnh, BBT