Giáo dục - Đào tạo Giáo dục - Đào tạo
Chú trọng thực hiện tốt mô hình giáo dục “Lấy học sinh làm trung tâm” tại thành phố Vũng Tàu.
02:10 | 16/04/2018 Print   E-mail    

Thực hiện chỉ đạo của Sở GD&ĐT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu về nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2017-2018: Vận dụng hiệu quả các phương pháp dạy học tích cực, tăng cường các hoạt động trải nghiệm sáng tạo nhằm phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh… đồng thời nhằm hướng đến việc xây dựng môi trường giáo dục mang tính “mở”, kích thích sự chú ý, tư duy và cảm xúc của học sinh, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vũng Tàu đã và đang chỉ đạo các trường học trên địa bàn thành phố chú trọng thực hiện tốt mô hình giáo dục “Lấy học sinh làm trung tâm”, xem đây là nhiệm vụ quan trọng trong việc dạy và học.

Hoạt động học tập ngoài trời của cô và trò Trường mầm non Họa Mi, phường Rạch Dừa

Những năm qua, thực hiện Nghị quyết 29 của BCH Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, ngành giáo dục thành phố Vũng Tàu đã tạo điều kiện và cơ chế tốt nhất để giáo viên chủ động, sáng tạo trong việc xây dựng các chủ đề dạy học, thực hiện tốt mục tiêu chương trình giáo dục quốc gia và chương trình nhà trường. Mỗi giáo viên tại các trường học ở thành phố Vũng Tàu với kinh nghiệm của mình đã xác định những phương hướng riêng để cải tiến phương pháp dạy học, trong đó áp dụng các kỹ thuật, phương pháp dạy mới như học tập nhóm, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đưa học sinh làm trung tâm trong hoạt động giáo dục. Dạy theo mô hình lấy học sinh làm trung tâm, giáo viên gần như thoát ly được việc đọc chép và bảng phấn. Buổi học giống như một buổi thảo luận mà giáo viên vừa như một đạo diễn, vừa như một chủ tọa, chủ động tổ chức các hoạt động cho học sinh theo nhóm.

Đối với mô hình giáo dục lấy học sinh làm trung tâm, giáo viên luôn phải áp dụng linh hoạt, cô không chỉ truyền thụ mà còn tạo cơ hội để trẻ tự thể hiện sáng tạo, tự khám phá. Từ đó, học sinh biết làm việc theo nhóm, được trải nghiệm, trao đổi, chia sẻ và trình bày ý kiến của mình; biết suy nghĩ và vận dụng những điều đã học vào thực tế cuộc sống, giải quyết các tình huống mà các em gặp phải... Nhờ đó, học sinh mạnh dạn, tự tin khám phá trong quá trình tham gia các hoạt động giáo dục ở trường, ở lớp.

Khi đến thăm Trường mầm non Họa Mi, phường Rạch Dừa, thành phố Vũng Tàu, được chứng kiến giờ học của một, hai lớp chúng tôi nhận thấy trong lớp học, cô giáo đang cùng các cháu khám phá những đồ dùng, đồ chơi quen thuộc và bổ ích, các em nhỏ phát biểu ý kiến của mình trong giờ học một cách hăng say. Hưởng ứng mô hình giáo dục xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm và áp dụng vào thực tiễn dạy và học, các cô giáo mầm non nơi đây đã có những cách làm sáng tạo để xây dựng môi trường vật chất, vừa giúp trường xanh - sạch - đẹp, vừa tạo ra sự thích thú cho trẻ mỗi ngày đến trường. Trong lớp học, nhà trường bố trí những góc chơi của trẻ khá phù hợp. Những đồ dùng, đồ chơi được các giáo viên tự tay làm một cách khéo léo, tỉ mỉ và cũng rất quen thuộc với cuộc sống hàng ngày của trẻ, tạo ra sự hấp dẫn trong các giờ học cho các bé. Bên ngoài lớp học, một không gian xanh với vườn hoa của bé, vườn rau, cây cảnh cùng nhiều đồ chơi cho khu vực phát triển vận động được các cô sáng tạo từ những đồ phế liệu, như: lốp xe, tre nứa, ống nước..., giúp các bé thỏa sức vui chơi, khám phá.

Có thể thấy rằng hiện nay, đổi mới phương pháp dạy truyền thống tức là thầy cô truyền đạt, học sinh tiếp nhận sang phương pháp hiện đại, lấy người học làm trung tâm và phát huy sự chủ động tích cực của học sinh trong giờ học đang được nhiều trường học tại thành phố Vũng Tàu hưởng ứng tích cực. Trong phương pháp dạy học này, người học - đối tượng của hoạt động "dạy", đồng thời là chủ thể của hoạt động "học" - được cuốn hút vào các hoạt động học tập do giáo viên tổ chức và chỉ đạo, thông qua đó tự lực khám phá những điều mình chưa rõ chứ không phải thụ động tiếp thu những tri thức đã được giáo viên sắp đặt. Được đặt vào những tình huống của đời sống thực tế, người học trực tiếp quan sát, thảo luận, làm thí nghiệm, giải quyết vấn đề đặt ra theo cách suy nghĩ của mình, từ đó nắm được kiến thức kĩ năng mới, vừa nắm được phương pháp "làm ra" kiến thức, kĩ năng đó, không rập theo những khuôn mâu sẵn có, được bộc lộ và phát huy tiềm năng sáng tạo. Dạy theo cách này thì giáo viên không chỉ giản đơn truyền đạt tri thức mà còn hướng dẫn hành động.

Theo Ban giám hiệu Trường mầm non Họa Mi, phường Rạch Dừa thành phố Vũng Tàu thì: Từ dạy và học thụ động sang dạy và học tích cực, giáo viên trường chúng tôi không còn đóng vai trò đơn thuần là người truyền đạt kiến thức mà trở thành người thiết kế, tổ chức, hướng dẫn các hoạt động độc lập hoặc theo nhóm nhỏ để học sinh tự lực chiếm lĩnh nội dung học tập, chủ động đạt các mục tiêu kiến thức, kĩ năng, thái độ theo yêu cầu của chương trình. Ở lứa tuổi mầm non, học sinh hoạt động là chính, nhưng giáo viên luôn phải là người gợi mở, xúc tác, động viên, cố vấn, trọng tài trong các hoạt động vui chơi, tìm tòi hào hứng, tạo cho các em khám phá thế giới xung quanh mình. Chúng tôi luôn xác định học sinh là trung tâm trong mọi hoạt động dạy và học.

Với những yêu cầu ngày càng cao của Giáo dục trong quá trình đi lên công nghiệp hóa và hiện đại hóa hôm nay đòi hỏi mỗi giáo viên phải có trình độ chuyên môn sâu rộng, có trình độ sư phạm lành nghề mới có thể tổ chức, hướng dẫn các hoạt động của học sinh mà nhiều khi diễn biến ngoài tầm dự kiến của giáo viên. Mô  hình giáo dục “Lấy học sinh làm trung tâm” vẫn đã và đang là mô hình được sự quan tâm của ngành giáo dục và các nhà trường tại thành phố Vũng Tàu hiện nay./.

Bài, ảnh: Lê Ngân, BBT