Di tích Di tích
Tết ở Nhà Lớn – Long Sơn.
06:57 | 06/02/2014 Print   E-mail    

 

Hình ảnh những ông già mặc áo the đen, đầu đội khăn vấn, ngồi trên chiếc chiếu, tay miệt mài viết liễn trong ngày 21 tháng Chạp… là nét đẹp truyền thống ở Nhà Lớn - Long Sơn (TP. Vũng Tàu) mỗi dịp Tết đến Xuân về.
 
Vào những ngày Tết, không chỉ chuẩn bị lễ vật, thức ăn phục vụ miễn phí khách thập phương, Nhà Lớn - Long Sơn còn trang hoàng lại các khu nhà thờ, cửa ra vào bằng những câu liễn đỏ. Tục viết liễn có từ hơn trăm năm kể từ khi ông Nhà Lớn (ông Lê Văn Mưu) đến Long Sơn. Như một tập quán thuỷ chung khó bỏ, đạo làm người của ông Nhà Lớn đã thấm sâu vào máu thịt con cháu, muôn đời chảy xuôi trên từng câu viết liễn…
 
Viết liễn, chơi liễn và bình luận lời hay ý đẹp vốn là phong tục đầy bản sắc văn hoá của cha ông trong mỗi dịp Tết cổ truyền của dân tộc. Những bậc danh Nho nổi tiếng thường tự tay viết liễn trên nền giấy đỏ dán tại nhà để cùng khoe với bạn bè trong dịp xuân về. Nhiều câu liễn trải qua hàng trăm năm vẫn được tán thưởng, lưu truyền hậu thế… Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, nơi hiếm hoi còn lưu giữ được phong tục viết liễn đón xuân là Nhà Lớn - Long Sơn. Ông Nguyễn Văn Lang, thường gọi là Năm Lang (63 tuổi), cho biết mỗi năm ở đây có ba kỳ viết liễn và dán liễn. Đó là dịp Lễ Vía Ông (20 - 2 âm lịch); lễ Trùng Cửu (9 - 9 âm lịch) và Tết Nguyên đán (21-12 âm lịch). Ngày viết liễn và dán liễn được chọn cố định: Lễ Vía Ông viết liễn ngày 12, dán liễn ngày 13; lễ Trùng Cửu viết liễn ngày 2, dán liễn ngày 5; Tết Nguyên đán viết liễn ngày 21, dán liễn ngày 22 tháng Chạp.
 
Chẳng hẹn mà gặp, cứ đến ngày này là các “ông đồ” ở Long Sơn lại mặc áo the đen, đầu đội khăn vấn vào Nhà Lớn viết liễn. Trước khi ngồi vào chiếu trải giữa nhà hậu để mài mực Tàu, rọc giấy đỏ, chắp bút lông, mọi người trang trọng xếp hàng lên điện thờ thắp nhang “kỉnh” (cúng) Ông Nhà Lớn. Những câu được chọn để viết liễn ngày Tết ở Nhà Lớn - Long Sơn thường là những câu có nội dung giáo dục, phát huy truyền thống tốt đẹp của tổ tiên: Nhân - Lễ - Nghĩa - Trí – Tín. Trong nhà hậu ở Nhà Lớn – Long Sơn có dán câu: Thiên tăng tuế nguyệt nhơn tăng thọ/ Xuân mãn càn khôn phước mãn đường (tạm dích: Trời thêm tuổi, người thêm sống lâu/ Mùa xuân đến phước lộc đầy nhà). Trong khu vực chính ở Nhà Lớn có câu Thiên hữu tứ thời xuân tại thủ/ Nhơn sanh bá hạnh hiếu duy tiên (tạm dịch: Trời đất có bốn mùa thì mùa xuân là mùa đầu tiên/ Con người có bốn đức hạnh thì chữ hiếu phải lấy làm đầu) hay Tứ thời hòa khí xuân thường tại/ Nhất thất an cư khánh hữu dư (tạm dịch: Bốn mùa không khí bình hòa nhưng mùa xuân là mùa mát mẻ nhất/ Xuân đến chúc cho nhà nhà bình an, khỏe mạnh, may mắn)... Ngoài ra mỗi khu vực như cửa ra vào, đền thờ, phố, chợ… có những loại liễn và nội dung khác nhau. Liễn dán ngoài chợ, hình thức và nội dung cũng phải phụ thuộc vào từng mặt hàng buôn bán để viết. Chẳng hạn, ở cổng chợ thường dán câu Đông - Tây - Nam - Bắc tài nguyên tựu/ Xuân - Hạ - Thu - Đông lợi đường thông (tạm dịch: Đông – Tây – Nam – Bắc ai có cái gì cũng mang đến tụ họp/Xuân – Hạ - Thu – Đông mọi đường đi đều thuận lợi); hàng bán trà thì có câu Nhất bôi tiên động cao nhân thưởng/ Sở ẩm năng giao dật sỹ hiền (tạm dịch: Trao một chén trà cho người thưởng thức ở trong động/ Việc ăn uống rất vui say đối với kẻ hiền sĩ)…
 
Ông Nguyễn Văn Giác, thường gọi là Ba Giác (70 tuổi), người đã gắn bó với công việc viết liễn ở Nhà Lớn từ nửa thế kỷ nay nhẩm tính, mỗi dịp Tết về, Nhà Lớn tổ chức viết và dán tất cả 188 tờ liễn vuông, hơn 60 tờ ngang, khoảng 300 đôi liễn dài… Ông Ba Giác cho biết, tục viết liễn ở Nhà Lớn có từ hơn 100 năm này, kể từ khi ông Lê Văn Mưu cùng gia quyến đến Long Sơn khai hoang lập nghiệp, thể hiện nét đẹp bản sắc văn hoá Long Sơn. Tương truyền, năm 1900, ông Lê Văn Mưu tới Long Sơn và chọn phía đông Núi Nứa lập làng, quy tụ tín đồ hình thành một tín ngưỡng khác lạ mà mọi người quen gọi là đạo Ông Trần. Tín ngưỡng Ông Trần không có tính thuần túy mà ở đó tổng hợp nhiều đạo giáo khác nhau: đạo Phật, đạo Lành, đạo Nho giáo, đạo thờ ông bà tổ tiên… Đặc biệt, tín ngưỡng này không có kinh kệ chuông mõ, ăn chay, kiêng kỵ, chỉ có lời dạy của Ông Trần được truyền khẩu trong dân gian. Sau khi Ông Trần mất đi, con cháu và tín đồ vẫn duy trì tập quán cũ, trong đó có tục viết liễn đón xuân…
 
Những người viết liễn bằng chữ Hán như ông Năm Lang và ông Ba Giác ở Long Sơn chỉ còn khoảng chục người. Phần lớn những người này đều xuất thân từ lò dạy viết liễn của thầy đồ làng Tư Gái, Tư Ký và cả hai nay đều đã trở thành người thiên cổ. Ông Ba Giác nhớ lại: “Hồi đó chủ yếu học tứ thư ngũ kinh, học thuộc lòng chứ chẳng sách vở gì, viết riết thành quen”. Ông Năm Lang thì tâm sự: “Thời gian với chúng tôi không còn nhiều nên phải cố truyền lại cách viết liễn cho thế hệ trẻ để giữ gìn phong tục truyền thống đẹp đẽ này. Đến nay có khoảng được 10 em nhỏ biết viết liễn. Chúng cũng đến Nhà Lớn – Long Sơn viết liễn cùng chúng tôi mỗi dịp Tết, lễ...”.
 
Sưu tầm: HOA HẠ