Văn hóa - Nghệ thuật Văn hóa - Nghệ thuật
Đi chợ ngày cuối năm
09:30 | 21/02/2015 Print   E-mail    

 
Phiên chợ những ngày cuối năm ở chợ Vũng Tàu nhộn nhịp từ sáng đến tối với bao nhiêu là hàng hoá, bao nhiêu là lượt người đến mua sắm và tham quan. Chỉ mới đặt chân đến khu vực quanh cổng chợ, đã thấy không khí mua sắm Tết xôn xao khác thường.
 
Chen vài bước chân, vào bên trong chợ, thấy các gian hàng bày bán la liệt đủ thứ: Từ tranh ảnh, câu đối, quần áo mới, bánh kẹo, trái cây đến các loại hoa với đầy đủ sắc màu và đặc biệt là những thứ chỉ riêng ngày Tết mới có, đó là những cành mai vàng miền Nam, nhánh đào miền Bắc, cây quất trĩu quả, những tấm phong bao lì xì đỏ thắm, xấp lá dong xanh mướt để gói bánh chưng, bánh tét… Tết đến, nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, giá cả có phần tăng hơn so với ngày thường, nhưng sức mua không giảm. “Đi chợ Tết không đơn thuần chỉ là đi mua sắm, để có cái ăn trong ba ngày Tết, mà đi chợ Tết còn là một thú vui để được ngắm hoa, quả cùng với không khí náo nức của mọi người trong những phiên chợ cuối năm. Ngày thường đi chợ xép nho nhỏ gần nhà cho tiện nhưng ngày Tết cũng muốn đi chợ mới Vũng Tàu hay chợ phường 1 mua sắm cho vui”, chị Phan Thị Bích Liên, nhà ở đường Nguyễn Hữu Cảnh, cho biết.
 
Mặc dù cách sống của thời hiện đại đã có nhiều thay đổi, nhưng đi chợ Tết vẫn là một sinh hoạt văn hóa đặc sắc của người Việt. Mùa xuân người ta đi chợ không chỉ để mua sắm mà còn là để ngắm nhìn, để thưởng thức không khí náo nức của phiên chợ cuối năm.
 
Cuộc sống hiện đại đã làm cho chợ Tết ngày nay tiện lợi và văn minh hơn nhiều. Thế nhưng, vẫn không gì có thể thay thế được niềm vui khi được đi chợ Tết bởi chợ Tết đông vui và đầy ắp mọi thứ. Dạo quanh các chợ ở TP. Vũng Tàu, đâu đâu cũng thấy không khí sôi động và rôm rả.
 
Chợ Tết có một hấp dẫn kỳ lạ, già trẻ, gái trai ai cũng thích đi chợ Tết để xem thiên hạ mua bán, để xem bao nhiêu cái ngon, cái đẹp của sản vật quê hương mình được trưng bày trong dịp Tết cổ truyền như thế nào. Người lớn thì đi mua sắm, trẻ em thì diện quần áo mới đi chợ, nhiều chàng trai, cô gái đến chợ dạo chơi; cánh đàn ông con trai cũng hăm hở đi chợ Tết để ngó nghiêng hoa tươi, cây cảnh... Anh Dương Anh Tuấn, nhà ở đường Lưu Hữu Phước, vui vẻ nói: “Ngày thường đàn ông con trai như tôi thường không mấy khi ra chợ nhưng ngày Tết cũng muốn đi lắm. Ra chợ không mua sắm thì cũng ngắm hoa, mua ít phong bao lì xì… Cái thú mà”.
 
Buổi sáng 30 Tết nhiều cửa hàng, sạp bán tạp hóa trái cây vẫn nhận thêm hàng mới về bán. Sung và mây là hai loại trái cây mà người dân vẫn thường quan niệm mang đến sự may mắn, sung túc trong năm mới được bán khá đắt với giá 5.000 đồng/lạng. Trái thơm đẹp mắt cũng phải đến 20.000 đồng/trái. Các loại hoa cúc, lay ơn, hoa huệ dùng để chưng lên bàn thờ cũng được bày bán khắp các phố chợ và các cửa hàng hoa. Tuy nhiên, các loại thực phẩm thường được dùng để chế biến trong ngày Tết vẫn luôn có sự biến động giá cả lớn nhất.
 
Trong khi những con đường trong thành phố bắt đầu thưa vắng vì nhiều người phải trở về nhà để lo mâm cỗ cúng giao thừa hay mở tiệc tất niên, thì tại các khu chợ 5 tầng, chợ phường 1, chợ mới Vũng Tàu, khu hội hoa xuân tam giác Bãi Trước, khu chợ hoa ở 21 Thống Nhất, xe cộ qua lại càng lúc càng đông. Nhiều tuyến đường như Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Lê Lợi, Trần Hưng Đạo, Lê Quý Đôn… giao thông luôn đông đúc. Dọc lề đường, những người bán hoa níu kéo khách đi đường đang rà chậm xe để lựa các giỏ hoa, chậu cây. Đã ngày 30 Tết nhưng nhiều loại hoa như: mai, đào, cúc mâm xôi, hoa hướng dương, mã đình hồng, cành đào, cành mai, vạn thọ, địa lan… vẫn chưa bán hết. Những người buôn bán tỏ ra lo lắng, ai cũng muốn bán thật nhanh để về nhà chuẩn bị Tết nhất và đón giao thừa. Nhiều người khôn khéo thì dễ mua được những chậu hoa đẹp và rẻ trong ngày 30 Tết. Rồi họ lại công kênh trên xe nào hoa, nào bánh mứt, trái cây, nào đồ trang trí về nhà, tạo nên một nhịp điệu thực sự tất bật, hối hả cho thành phố ngày cuối cùng của năm cũ.
 
Bài, ảnh: Hoa Hạ

BBT.