An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Khơi dậy niềm đam mê đọc sách.
02:27 | 12/06/2014 Print   E-mail    

Trước khi có các phương tiện nghe nhìn, sách là con đường lớn nhất để con người tiếp cận thông tin, văn hóa và tri thức. Khi công nghệ thông tin bùng nổ, các phương tiện nghe nhìn có mặt khắp mọi nơi, nhu cầu đọc sách không biến mất nhưng sự suy giảm của nó là điều có thể cảm nhận được. 
 
 
Ngày nay, với công nghệ thông tin phát triển một dạng sách mới đã ra đời, đó là sách điện tử được phát hành và chuyển tải qua các phương tiện hiện đại như đĩa CD, mạng Internet... Tuy nhiên, dù có nhiều phương tiện thông tin hiện đại nhưng đọc sách vẫn luôn được khẳng định là một nhu cầu thiết yếu với những thế mạnh riêng của chính nó. Đọc sách được xem là một cách thưởng thức văn hóa sang trọng và có chiều sâu; là phương cách tốt nhất để nâng cao tri thức, hiểu biết và làm giàu có thêm vốn ngôn từ. Tuy nhiên, giữa nhịp sống vội vã này, ngày càng ít người đọc sách hơn.
 
Theo anh Hoàng Phúc Cương, Giám đốc Nhà sách Hoàng Cương (TP. Vũng Tàu) thì sách hiện nay có hai mảng, sách dịch và sách tự viết. Nhưng các đầu sách dịch thường chỉ tập trung vào mảng văn học, còn những thể loại khác thì hầu như bị bỏ quên. Còn sách viết cũng chỉ có văn học (chủ yếu là thơ và truyện), người đọc có ít sách để lựa chọn hơn trước đây. Điều này được ghi nhận khi chúng tôi điểm qua các hệ thống nhà sách trong thành phố. Hầu như nhà sách nào, sách giáo khoa, sách văn học cũng được trưng dụng. Các loại sách nghiên cứu dù có nhưng số lượng không nhiều. Đó là nguyên nhân khiến lượng độc giả đọc sách giảm so với trước đây. Một nguyên nhân nữa có thể kể đến là vài năm gần đây sách xuất bản nhiều, nhưng chưa đạt được chất lượng cao. Sách giả, sách sao chép ngày càng nhiều; sách biên soạn cẩu thả, hời hợt cũng không thiếu. Một số sách dành cho tuổi thanh thiếu niên lại có cả nội dung không lành mạnh khiến không ít phụ huynh lo ngại.
 
Tuy nhiên, không phải vì vậy mà ngày nay độc giả không có sách để đọc. Nhiều nhà sách như Lê Lai, Hoàng Cương, Nguyễn Du vẫn có chương trình giới thiệu những cuốn sách có giá trị như: Chạng vạng, Trăng non, Harry Poster, Hạt giống tâm hồn hay Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm, Cánh đồng bất tận… ngay tại cửa ra vào các hệ thống nhà sách. “Điều này được minh chứng là hàng ngàn bản sách này đã được chúng tôi bán trong một thời gian ngắn trong thời gian đầu phát hành. Nhiều cuốn sách đã trở thành mục đích, tôn chỉ sống đúng đắn của giới trẻ. Điều đó khẳng định rằng, không khó để có được một cuốn sách để đọc. Nhưng có vẻ nhiều bạn trẻ ngày nay đang rất ngại đọc sách và chưa biết hết giá trị của việc đọc sách”, anh Hoàng Phúc Cương cho biết thêm. Trả lời những câu hỏi vì sao các bạn trẻ ngày nay ít đọc sách, Thuý Anh, sinh viên năm 2 Khoa công nghệ thực phẩm trường Đại học Bà Rịa – Vũng Tàu bày tỏ quan điểm: “Tất cả những thông tin phục vụ cho việc học, sinh viên có thể tìm kiếm một cách dễ dàng trên Internet. Sinh viên không có nhiều thời gian, và rất khó để có thể phân định được những quyển sách hay trong một rừng sách như hiện nay”. Còn chị Đặng Thị Lành, làm việc tại Công ty Cảng dịch vụ Dầu khí thì thổ lộ: “Tôi thích đọc sách nhưng công việc ở công ty rất bận rộn; buổi tối và thứ 7, chủ nhật hàng tuần tôi lại đi học ngoại ngữ nên không có thời gian đọc sách”.
 
Trong khi đó “sách không chỉ cung cấp thông tin, cung cấp tri thức mà sách còn có chức năng giáo dục, giải trí... Vì vậy, đọc sách góp phần to lớn vào việc bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, hình thành và phát triển nhân cách con người”, ông Nguyễn Quang Phi, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh khẳng định. Để khuyến khích mọi người đọc sách, hàng năm Thư viện tỉnh và Thư viện TP. Vũng Tàu tổ chức Ngày hội đọc sách, Hội nghị bạn đọc, Hội thi kể chuyện sách, xây dựng “Tủ sách Bác Hồ”… nhằm khuyến khích mọi người, đặc biệt là thanh thiếu niên tham gia. Bên cạnh đó, thư viện cũng thường xuyên tổ chức các buổi giới thiệu sách, định kỳ mỗi quý một lần để giới thiệu những cuốn sách hay, sách mới có giá trị đến với bạn đọc. Ngoài ra, Thư viện tỉnh và Thư viện TP. Vũng Tàu cũng thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm về những cuốn sách hay, sách “gối đầu giường” như Thép đã tôi thế đấy, Chiến tranh và hoà bình, Sông đông êm đềm… Một vài cuốn sách hay, ý nghĩa như Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm, Còn mãi tuổi hai mươi còn được nhiều thư viện và Nhà Văn hoá Thanh niên mở diễn đàn để bạn đọc tham gia, khơi dậy niềm đam mê đọc sách cho mọi người. Ông Nguyễn Quang Phi cho rằng, nếu chưa quen với sách, mỗi người chỉ cần mỗi ngày đọc một trang. Vạn dặm xa khởi đầu từ một bước dưới chân, một thói quen khởi đầu từ một việc làm nho nhỏ như vậy. Quan trọng là đừng bỏ quên sách...
 
Bài, ảnh: Hoa Hạ
BBT.