An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Chung tay bảo vệ môi trường biển.
05:51 | 29/05/2016 Print   E-mail    

 

Trong những năm qua, bên cạnh những đóng góp to lớn của nguồn tài nguyên biển trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thì hiện nay Việt Nam phải đối mặt với tình trạng các hệ sinh thái biển đang có dấu hiệu suy giảm một cách nhanh chóng, nhất là tình trạng ô nhiễm môi trường biển khá trầm trọng tại nhiều địa phương trong cả nước. Thời gian gần đây, hiện tượng cá chết hàng loạt ở ven biển các tỉnh miền Trung, rồi hiện tượng xâm nhập mặn ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long là hồi chuông cảnh tỉnh cho chúng ta về sự cần thiết phải chung tay bảo vệ môi trường biển.

Bãi biển đã sạch bong. Khách du lịch vốn quen với bãi biển đông nghẹt và nhếch nhác trước kia ban đầu vô cùng ngạc nhiên, sau đó rất thích thú. Ảnh: Lê Tư.

Chung tay bảo vệ môi trường biển – hình ảnh bãi Sau thành phố Vũng Tàu

Biển đóng vai trò quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa đối với các quốc gia có biển. Bảo vệ biển cũng là bảo vệ lợi ích quốc gia. Kinh tế biển đang giữ vai trò mũi nhọn trong chiến lược biển Việt Nam từ nay đến năm 2020. Mục tiêu này chỉ có thể đạt được kết quả khi chúng ta bảo vệ tốt môi trường biển. Ô nhiễm môi trường biển có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng trước hết là ở chính con người. Từ sự vô ý thức của con người khi xả rác bừa bãi mà gần đây nhiều khu vực ven biển có nguy cơ trở thành bãi rác khổng lồ. Và từ thực trạng của hiện tượng, có thể nói thay vì đưa ra lời hô hào, trách cứ hoặc đổ trách nhiệm, việc bảo vệ môi trường biển của mỗi người nên bắt đầu từ các việc làm nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn, như “bỏ rác đúng nơi quy định”.

Tại các khu du lịch biển, công tác vệ sinh môi trường chưa được các tổ chức, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực này quan tâm một cách thường xuyên. Rác thải chưa được thu gom, xử lý triệt để, dẫn tới tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là tại một số bãi tắm ven bờ, gần khu dân cư, nhà hàng, khách sạn; hệ thống xử lý nước thải chưa được đầu tư đồng bộ, cho nên nguồn nước thải tại các khu vực này chủ yếu được xả thẳng ra biển...Ngoài ra, ý thức của du khách chưa cao, còn tình trạng vứt rác, thức ăn thừa bừa bãi trên các bãi tắm, trong khi đó phần lớn rác thải sinh hoạt chưa được xử lý, nếu có xử lý chỉ bằng phương pháp chôn lấp... ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường tự nhiên và chất lượng nguồn nước tại các khu vực này...

Thời gian qua, tại thành phố Vũng Tàu, việc bảo vệ môi trường biển được coi như một trong các ưu tiên hàng đầu, với sự vào cuộc rốt ráo của các cơ quan chức năng. Chính quyền thành phố Vũng Tàu đã ban hành các chủ trương quán triệt tới các cấp, các ngành về việc làm sạch bãi biển. Lãnh đạo địa phương đã trực tiếp đến tận bãi tắm để thuyết phục vận động du khách không ăn nhậu, không xả rác. Các động thái mềm mỏng nhưng kiên quyết, có tính cầu thị này đã nhận được sự đồng tình của các du khách. Để bảo vệ môi trường biển, thành phố Vũng Tàu đã áp dụng hiệu quả biện pháp tuyên truyền, đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân và du khách không xả rác bừa bãi tại các bãi tắm, khu du lịch. Thành phố Vũng Tàu mỗi năm đón một lượng khách du lịch nội địa lớn, thường chỉ đi về trong ngày. Nhiều khách du lịch đem theo đồ ăn uống sẵn để tiết kiệm chi phí. Sau khi ăn uống xong, họ thường xả rác tại chỗ. Để giải quyết tình trạng này, UBND thành phố Vũng Tàu đã triển khai nhiều biện pháp như: tổ chức thu gom rác thải tại bãi biển, vỉa hè, công viên; cắm các biển báo kêu gọi người dân không xả, vứt rác bừa bãi, đồng thời công khai các mức xử phạt đối với các hành động xả rác bừa bãi nơi công cộng, bước đầu đã thu được kết quả tích cực.

Mỗi chúng ta cần chung tay bảo vệ môi trường biển vì đó là bảo vệ môi trường sống trong hiện tại và cả tương lai. Phong trào làm sạch biển cần tiếp tục được lan tỏa, nhân rộng, cần sự vào cuộc tích cực, chủ động của chính quyền địa phương, của mọi tổ chức, cá nhân. Tính văn hóa của mỗi cộng đồng thể hiện trong nhiều lĩnh vực hoạt động, thái độ trong việc xử lý rác thải cũng là một tiêu chí đánh giá quan trọng để đánh giá tính văn hóa. Khi nào mỗi cá nhân không chỉ giới hạn sự sạch sẽ trong phạm vi gia đình, mà còn tự ý thức về việc giữ sạch môi trường nơi công cộng, thấy xấu hổ vì đã xả rác không đúng nơi quy định, xác định được trách nhiệm trước các vấn đề cần giải quyết của xã hội, thì khi đó nền tảng phát triển xã hội mới thật sự bền vững./.

 Bài: Lê Ngân, BBT