An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Chủ động phòng tránh bệnh sốt xuất huyết trong mùa mưa
11:09 | 08/06/2016 Print   E-mail    

 

Hiện nay, do thời tiết đang bắt đầu vào mùa mưa, là điều kiện thuận lợi để muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết sinh sản và phát triển, số ca mắc sốt xuất huyết ngày càng tăng. Tính đến thời điểm này trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chúng ta bệnh sốt xuất huyết diễn biến khá phức tạp và thành phố Vũng Tàu được xác định là một trong những địa bàn đang bùng phát thành dịch. Theo thống kê của Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, từ đầu năm 2016 đến nay, toàn Tỉnh ghi nhận 800 ca mắc sốt xuất huyết và dự báo sẽ còn gia tăng cao nếu không có những biện pháp kiểm soát hiệu quả. Thành phố Vũng Tàu chiếm hơn 50% số ca sốt xuất huyết .

(Hình minh họa)

Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do siêu vi trùng tên là Dengue (Đăn-gơ) gây ra. Bệnh lây do muỗi vằn hút máu truyền siêu vi trùng từ người bệnh sang người lành. Dịch sốt xuất huyết các năm trước đây chủ yếu diễn biến ở trẻ em, nhưng năm nay số người lớn mắc sốt xuất huyết và sốt virus nhập viện lớn hơn gấp nhiều lần các năm trước. Tính đến thời điểm hiện nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu.

Bệnh sốt xuất huyết có thể gây thành dịch lớn nhất là trong thời điểm mùa mưa. Nếu phát hiện bệnh muộn hoặc không đưa đến trung tâm y tế kịp thời có thể dẫn đến sốc, xuất huyết não, xuất huyết tiêu hóa, tay tê liệt,  trụy tim mạch, hôn mê dẫn đến khả năng tử vong cao, nhất là đối với trẻ em bị sốt xuất huyết. Muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết sống xung quanh chúng ta, chúng thường đẻ trứng ở những chỗ nước trong. Ổ bọ gậy nguồn truyền bệnh sốt xuất huyết tập trung ở những vật dụng chứa nước trong như: Chậu, lọ cắm hoa, cây cảnh, những dụng cụ chứa nước trên tất cả các tầng, sân thượng, lan can...tại các hộ gia đình. Vào mùa mưa, mùa hè các ổ bọ gậy thường tập trung ở các khay nước thải điều hòa, dụng cụ chứa nước thải tủ lạnh. Ngoài ra còn có trong các dụng cụ chứa nước như bể nước ăn, giếng nước, chum, vại, thùng phuy, bể nước nhà vệ sinh, xô, chậu, máng gia súc/gia cầm, bể cây cảnh, các đồ vật hoặc đồ phế thải, bát kê chạn, hốc cây, lon, hũ, chai, lọ phế thải, mảnh vỡ chum, vại, lốp xe, vỏ dừa...Trên các nhà cao tầng cũng có muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết.

Chính vì vậy người dân cần tích cực chủ động phòng chống, diệt bọ gậy hàng tuần để đảm bảo không có nơi sản sinh ra muỗi truyền sốt xuất huyết là yếu tố quan trọng nhất trong phòng, chống sốt xuất huyết. Ngoài ra, việc phun hóa chất tiêu diệt muỗi trưởng thành cũng là giải pháp quan trọng phòng chống và xử lý các ổ dịch sốt xuất huyết, người dân cần phải phối hợp với các đơn vị y tế khi tiến hành phun để đảm bảo phun được tất cả các hộ gia đình và phun được ở tất cả các tầng trong nhà, nhằm diệt hết được đàn muỗi, tránh tình trạng muỗi di chuyển từ nhà này sang nhà khác, từ tầng dưới lên tầng trên.

Theo Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, thời gian vừa qua ngành y tế trong Tỉnh cùng người dân đã tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết, tuy nhiên còn một số người dân chưa hiểu đúng về sự phát triển và truyền bệnh của muỗi vằn nên chưa tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, còn để các vật dụng chứa nước không thau rửa, các phế thải quanh nhà không được thu gom xử lý nên là ổ chứa bọ gậy của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết, một số hộ gia đình chưa hợp tác, chưa tạo điều kiện cho phun hóa chất diệt muỗi hoặc chỉ cho phun ở tầng 1 không cho phun ở các tầng trên nên không diệt được hết đàn muỗi mang mầm bệnh.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng tránh như: Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thường xuyên thay nước hoặc bỏ muối, dầu, hóa chất diệt ấu trùng vào bình hoa/bình bông, bát nước kê chân chạn; hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...; ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày; tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch; khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

Mỗi người dân cần tích cực chủ động phòng tránh bệnh sốt xuất huyết nhất là trong mùa mưa này vì sức khỏe của chính bản thân và sức khỏe của cả cộng đồng. Các cấp, các ngành và chính quyền địa phương cần tăng cường các biện pháp tuyên truyền để nhân dân được biết và thực hiện./.

 Bài: Lê Ngân, BBT