An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Hoạt động của thuyền thúng nguy cơ mất an toàn rất cao tại các bãi tắm thuộc Phường 10
07:23 | 16/05/2016 Print   E-mail    

 

Hiện nay tại khu vực bãi tắm công cộng cuối đường D4 gần bãi tắm Long Cung và Thủy Tiên, Phường 10 tồn tại các bãi thuyền thúng để trên bãi biển phục vụ cho hoạt động đánh bắt hải sản ven bờ, khi các thuyền thúng hoạt động nguy cơ mất an toàn cho khách tắm biển là rất cao, đồng thời việc để thúng, lưới, tổ chức vá lưới, buôn bán hải sản gây mất vệ sinh môi trường, ảnh hưởng lớn đến mỹ quan của các bãi biển khu vực này.

Trên dưới 84 hộ làm nghề đánh bắt hải sản với gần 120 thuyền thúng có gắn động cơ chân vịt, hoạt động nhiều thời gian khác nhau trong ngày tập trung là tối ra biển, sáng về đưa thúng lên bờ. Hoạt động của loại phương tiện này tại bãi tắm đã gây tai nạn làm chết người tắm biển do chân vịt va vào người. Giải pháp nào để giải tỏa thuyền thúng đảm bảo an toàn cho khách tắm biển và đảm bảo vệ sinh môi trường, là câu hỏi lớn mà thành phố Vũng Tàu phải tập trung giải quyết?

Để đảm bảo an toàn cho khách tắm biển khu vực gần bãi Long Cung, UBND Phường 10 đã cho lắp đặt dây phao giới hạn nhằm hạn chế việc tiếp xúc giữa người tắm biển với các thuyền thúng ra vào, tuy nhiên đây cũng chỉ là giải pháp tình thế ban đầu. Quyết định số 16/2012/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và đã được triển khai từ năm 2012 cấm tàu cá hoạt động, neo đậu tại khu vực tuyến bờ từ Cửa Lấp đến mũi Sao Mai, như vậy việc thuyền thúng neo đậu, hoạt động tại khu vực Phường 10 là sai quy định. Ông Trần Văn Trường, Giám đốc Ban quản lý các Khu du lịch thành phố Vũng Tàu cho biết: “Hoạt động của thuyền thúng tại bãi biển trong khu du lịch có đông khách tắm biển rất nguy hiểm, phải có phương án di dời ra khỏi khu du lịch thì độ an toàn cho du khách mới có thể đảm bảo”.

Theo tin từ UBND Phường 10, hiện tại các hộ có thuyền thúng đã thành lập một tổ tự quản để thực hiện công tác đảm bảo vệ sinh môi trường nơi thuyền thúng neo đậu, vận động việc lắp đặt “rọ” bảo vệ chân vịt để tránh sự va chạm với người tắm biển, những động thái trên cho thấy bà con mong muốn tiếp tục được neo đậu thuyền thúng để khai thác hải sản, mưu sinh, vì nghề này đã ra đời và hoạt động từ năm 1990-1991 và hiện họ chưa biết làm nghề gì nếu không có thuyền thúng, vị lãnh đạo UBND Phường cho biết như vậy. Theo tin từ UBND Thành phố thì việc di dời và giải tỏa thuyền thúng hoạt động tại các bãi tắm là nhiệm vụ bắt buộc, việc giải quyết phải dứt khoát và không để tái diễn trở lại nhằm trả lại một môi trường du lịch đảm bảo an toàn, vệ sinh phục vụ khách du lịch.

Mới đây, trong hội nghị sơ kết kế hoạch thực hiện công tác đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường du lịch dịp lễ 30/4 & 01/5, ông Nguyễn Văn Tài, Chủ tịch UBND Phường 10 đã chuyển đề xuất của người dân có thuyền thúng mong muốn sử dụng thuyền thúng phục vụ du lịch theo mô hình du lịch homestay, đưa khách lên thúng để cùng tham gia đánh bắt hải sản, tạo ra một sản phẩm du lịch mới cho thành phố Vũng Tàu. Tuy nhiên đề xuất trên đã vấp phải một số ý kiến lo lắng về độ an toàn cho du khách tham gia loại hình du lịch này, không khả thi với loại phương tiện thô sơ không được phép hoạt động, phải cần nghiên cứu và giải pháp thật kỹ không để phát sinh những vụ việc phức tạp tại địa phương. Giải tỏa thuyền thúng tại các bãi tắm lại là một nhiệm vụ không kém phần quan trọng của ngành du lịch Vũng Tàu./.   

Bài, ảnh: Lại Giang, BBT