An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Bảo tồn đa dạng sinh học góp phần phát triển kinh tế và an sinh xã hội
09:01 | 04/06/2016 Print   E-mail    

 

Kỷ niệm ngày môi trường thế giới 05/6/2016 

Bảo tồn đa dạng sinh học góp phần phát triển kinh tế và an sinh xã hội

------------------

Ở nước ta, hưởng ứng ngày môi trường thế giới 5/6 hàng năm đã được diễn ra với nhiều hoạt động thiết thực như mít tinh; triển lãm hình ảnh về đa dạng sinh học; trưng bày các tài liệu, ấn phẩm truyền thông về đa dạng sinh học…Đây được xem như là một lời nhắc nhở tới mọi chúng ta cần nâng cao nhận thức về các vấn đề đa dạng sinh học, các mối đe dọa đang ảnh hưởng tới đa dạng sinh học và cùng chung tay bảo tồn đa dạng sinh học, hướng tới phát triển bền vững.

Băng rôn tuyên truyền nhân ngày môi trường thế

giới 5/6/2016 tại đường Bacu, thành phố Vũng Tàu 

Việt Nam được quốc tế công nhận là một trong những quốc gia có tính đa dạng sinh học cao, với nhiều kiểu rừng, bãi bồi, sông suối, rạn san hô... tạo môi trường sống cho khoảng 10% tổng số loài chim và thú hoang dã trên thế giới. Việt Nam được xếp hạng thứ 16 trên thế giới về đa dạng tài nguyên sinh vật và là một trong 10 trung tâm đa dạng sinh học phong phú nhất thế giới. Ở mỗi quốc gia, việc bảo tồn đa dạng sinh học là góp phần phát triển kinh tế và an sinh xã hội. 

Mặc dù trong thời gian dài, diện tích rừng ở Việt Nam bị suy giảm mạnh, nhưng hệ thực vật rừng vẫn còn phong phú về chủng loại. Theo thống kê, nước ta hiện có khoảng 11.373 loài thực vật bậc cao có mạch và hàng nghìn loài thực vật bậc thấp như rêu, tảo, nấm… Cùng với đó, hệ thống động vật cũng rất phong phú. Đến nay, đã thống kê được 310 loài thú, 870 loài chim, 296 loài bò sát, 162 loài ếch nhái, trên 1.000  loài cá nước ngọt, hơn 2.000 loài cá biển và hàng chục loài động vật không xương sống.Hệ thống động vật ở Việt Nam còn có nhiều nét độc đáo, đại diện cho khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra, nước ta còn có phần nội thủy và lãnh hải rộng khoảng 226.000 km2, với hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ và nhiều rạn san hô… là nơi sinh sống của nhiều loài động, thực vật giá trị. Nguồn tài nguyên này không những là cơ sở vững chắc cho sự tồn tại của cư dân từ nhiều thế hệ qua, mà còn là cơ sở cho sự phát triển của nước ta trong thời gian tới. 

Ở Việt Nam, các hệ sinh thái và tài nguyên sinh vật đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế và văn hóa, xã hội. Đa dạng sinh học đóng góp lớn cho nền kinh tế quốc gia, là cơ sở đảm bảo an ninh lương thực, duy trì nguồn gen quý; cung cấp vật liệu xây dựng và các nguồn nhiên liệu, dược liệu…Tuy có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý nhưng tài nguyên đa dạng sinh học của Việt Nam vẫn đang trên đà suy giảm dưới áp lực của gia tăng dân số, khai thác tài nguyên sinh vật một cách quá mức và quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa ngày càng mạnh mẽ. Sự phát triển kinh tế-xã hội nhanh chóng đã làm thay đổi cảnh quan thiên nhiên, thay đổi phương thức sử dụng đất. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng đã làm giảm diện tích tự nhiên, chia cắt các hệ sinh thái, làm suy giảm môi trường sống của nhiều loài động, thực vật quý. Minh chứng rõ ràng nhất khi vào năm 1992, Sách đỏ Việt Nam mới chỉ ghi nhận có 721 loài động- thực vật bị đe dọa ở các mức khác nhau thì đến năm 2013 con số này đã lên đến 901 loài. Ngoài ra, nhiều giống cây trồng, vật nuôi quý hiếm, như: Lúa, bắp, cây ăn quả, các loài cá… cũng mất dần. Đây là tổn thất rất lớn trên các phương diện: Kinh tế, xã hội, khoa học, môi trường... 

Một  điều có thể nhận thấy là nước ta đang gặp nhiều khó khăn trong công việc bảo vệ rừng và đa dạng sinh học, bảo vệ thiên nhiên và sử dụng một cách bền vững tài nguyên thiên nhiên nói chung và xây dựng các khu bảo tồn và vườn quốc gia nói riêng. Thử thách quan trọng nhất đối với nước ta trong công cuộc bảo vệ là sớm tìm được biện pháp ngăn chặn kịp thời sự suy thoái của rừng nhiệt đới, suy thoái các hệ sinh thái điển hình cùng với hệ động vật và hệ thực vật phong phú ở đó.

Nước ta là một trong những nước nghèo trên thế giới, dân số lại đông. Để duy trì cuộc sống trước mắt, nhiều người buộc phải khai thác mọi thứ tài nguyên thiên nhiên, đồng thời họ đã làm suy thoái môi trường và gây tổn hại cho sự phát triển trong tương lai. Vì vậy để giải quyết vấn đề bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ rừng, bảo vệ đa dạng sinh học, kể cả những giống cây trồng, vật nuôi, cứu các loài khỏi nạn diệt vong, không phải chỉ là vấn đề giáo dục, thực thi pháp luật, nâng cao kỹ thuật và tìm vốn đầu tư mà còn phải chú ý đến vấn đề kinh tế - xã hội phức tạp, mà chủ yếu là cải thiện mức sống của người dân, nhất là những người dân nghèo, đồng thời nâng cao nhận thức của họ về bảo vệ môi trường, rừng, các hệ sinh thái điển hình, sử dụng hợp lý và bền vững tài nguyên thiên nhiên, kể cả đất, rừng, nước, các loài động thực vật mà họ có trách nhiệm bảo vệ và được quyền quyết định về cách sử dụng tốt nhất cho cuộc sống của họ, con cháu họ và cho cả cộng đồng.

Đa dạng sinh học có vai trò quan trọng trong công cuộc phát triển bền vững của đất nước nên mỗi chúng ta cần phải cố gắng nhiều hơn nữa trong công tác trồng rừng, bảo vệ rừng và bảo vệ đa dạng sinh học. Để có thể hoàn thành được nhiệm vụ khó khăn này cần phải động viên được sự đồng tâm của đông đảo nhân dân với nhận thức sâu sắc về vấn đề môi trường. Phát động phong trào rộng rãi trong toàn dân về bảo vệ rừng, bảo vệ đa dạng sinh học, bảo tồn và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đồng thời đẩy mạnh chương trình kế hoạch hoá gia đình và sớm hoàn thành công việc xoá đói giảm nghèo, đó chính là việc góp phần phát triển kinh tế và an sinh xã hội./.

 Bài, ảnh: Lê Ngân, BBT