An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Người cha thứ hai.
02:06 | 08/12/2013 Print   E-mail    

Kỷ niệm ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam 22/12
 
NGƯỜI CHA THỨ HAI
----------
 
Mẹ tôi kể lại rằng, ngày tôi cất tiếng khóc chào đời cũng là thời khắc mà chiến trường miền Nam đang trải qua những ngày máu lửa để tiến đến đại thắng mùa xuân thống nhất đất nước. Khi tôi chập chững đi những bước đi đầu tiên thì cả nước đang ca lên khúc ca khải hoàn cho mùa đại thắng, mùa của dấu yêu, mùa của sum họp, đoàn tụ và hạnh phúc.
 
Bao nhiêu chiến sỹ bước ra từ bom rơi lửa đạn đều lần lượt trở về với quê hương, với gia đình nhưng bố tôi thì đi mãi, đi mãi chẳng thấy về. Mẹ tôi ngày đêm mong ngóng bố đến mỏi mòn cả đôi mắt. Rồi đến một ngày, sau ba năm ngày giải phóng, xa xa từ bến sông một anh thương binh ngồi xe lăn tiến về làng. Mẹ tôi tưởng rằng đó là bố nhưng khi lại gần thì niềm hy vọng trong mẹ bị dập tắt vì đó không phải là bố mà là chú Năm. Đau đớn hơn bao giờ hết khi chú Năm trở về quê hương mang theo những kỷ vật mà bố tôi gửi gắm trước lúc ra đi ở nơi hòn đạn mũi tên. Ba năm qua, chú Năm đã nằm điều trị trong khu điều dưỡng thương binh ở phía Nam. Chú tưởng rằng tin bố tôi hy sinh đã được báo về quê hương. Nhưng chiến tranh mà, làm sao có thể đưa tin nhanh và chính xác được.
 
Những tháng ngày sau đó, mẹ tôi như sống trong câm lặng, đớn đau và sầu não. Mẹ thương bố vô cùng, lúc nào mẹ cũng đem những kỹ vật của bố để ngắm, để vút ve để phần nào vơi đi nỗi nhớ. Dường như mẹ đã cạn khô nước mắt vì nhớ bố. Nhớ thương bố bao nhiêu thì mẹ lại càng thương tôi bấy nhiêu. Tất cả tình thương của mẹ đều dành cho tôi.
 
Tôi bước chân vào trường làng học, trong tôi luôn tự hào rằng tôi có một người cha đã dũng cảm hy sinh vì Tổ quốc để tôi có được ngày hôm nay. Mỗi lúc nhớ bố, tôi lại đến thăm chú Năm - chú vừa là bạn thân của bố từ thời để chỏm, vừa là hàng xóm nhà tôi. Bỏ lại chiến trường cả đôi chân của một thời trai trẻ, chú trở về quê hương trong nỗi xót xa và kính trọng của mọi người. Nhưng chú chẳng bao giờ bi quan mà luôn lạc quan, yêu đời. Chú đã biến đau thương thành hành động, chú mở quán sửa xe và thu hút được nhiều khách thập phương và người dân quê tôi. Quán sửa xe của chú ngày càng phát triển. Chú cho xây dựng rộng rãi khang trang hơn và tuyển thêm nhiều thanh niên trong làng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về học nghề, làm việc. Thỉnh thoảng chú hay sang nhà bảo ban tôi học tập, động viên tinh thần cho mẹ tôi biết vượt qua đau thương để sống, chiến đấu và làm việc như những gì chú đã và đang làm. Chính chú là người mang nhiều niềm vui, tiếng cười đến cho hai mẹ con tôi. Hằng năm, chú hay nhận được bằng khen của xã, của huyện về tấm gương anh thương binh nghèo vượt khó. Không biết từ bao giờ tôi xem chú như người cha thứ hai của mình. Tôi chỉ ước mong một ngày nào đó sẽ được gọi chú một tiếng “cha” để khỏa lấp đi những khoảng trống của mình. Những việc nặng nhọc trong nhà tôi đều đến tay chú cả.
 
 
 Một lần, tôi bệnh thập tử nhất sinh. Chú đến chăm sóc tôi như chăm sóc đứa con ruột thân yêu của mình. Khi tôi tỉnh dậy, tôi thấy những giọt lệ lăn dài trên khóe mắt chú. Chú xoa đầu trìu mến và hỏi “Con đã khỏe chưa?”. Thật sự, lần đầu tiên trong đời tôi mới cảm thấy được sự gần gũi, ấm áp của tình cha con và sự thiêng liêng của nó hơn bao giờ hết. Tay tôi để yên trong tay chú nóng bỏng. Chú nói với hai mẹ con tôi: “Trước khi anh Ba hy sinh, tôi đã hứa với anh sẽ chăm sóc hai mẹ con thật chu đáo”. Chính câu nói ấy của chú như sợi dây vô hình kéo hai mẹ con tôi lại gần chú hơn bao giờ hết.
 
Ngày giỗ thứ bảy của cha tôi, chẳng biết chú nói những gì bên bàn thờ bố nhưng kể từ đó chú và hai mẹ con tôi là một gia đình. Thời gian trôi thật nhanh, giờ đây tôi đã có gia đình nhỏ của riêng mình nhưng mỗi nấc thang tôi bước đi trong cuộc đời đều có bàn tay nâng đỡ, chở che của chú. Mỗi lần đưa chồng con về thăm ông bà ngoại tôi đều cảm thấy hạnh phúc vô cùng. Đi đâu tôi cũng tự hào rằng có một người cha như chú – người cha thứ hai của tôi./.                                   
 
Bài: Lê Ngân
BBT.
.