An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Người đi qua lịch sử kể về lịch sử Điện Biên Phủ.
04:03 | 06/12/2013 Print   E-mail    

Nhân kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22-12
 
NGƯỜI ĐI QUA LỊCH SỬ KỂ VỀ LỊCH SỬ ĐIỆN BIÊN PHỦ
----------------------
 
Một chiều cuối tháng 11, tôi thật vinh dự được ngồi tâm sự với bác Phù Văn Trinh – một người đã đi qua lịch sử Điện Biên Phủ rồi về công tác tại Sở Thủy Lợi Nghệ An, nay đã về hưu và đang sinh hoạt tại Hội Cựu chiến binh phường 7, thành phố Vũng Tàu. Tôi đã được học về lịch sử Điện Biên Phủ từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường nhưng hôm nay được ngồi nghe Bác kể chuyện về Điện Biên tôi như thấy mình được chứng kiến những ngày chiến đấu hào hùng của dân tộc Việt Nam.
 
          Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã đi qua gần 60 năm nhưng khi kể về ký ức Điện Biên ấy bác Phù Văn Trinh vẫn kể với tinh thần háo hức, say mê của người chiến sỹ cách mạng bước ra từ máu lửa.
 
Bác Phù Văn Trinh ( thứ 2 từ phải qua) thăm nghĩa trang đồi A1
 
          Bác kể: “ Thật phấn khởi tôi được đi thăm lại chiến trường xưa vào mùa thu năm 2013. Tận mắt nhìn thấy lại nơi mình đã từng tham gia chiến đấu, tôi như được sống lại một thời vang dội của mình và dân tộc. Vì trong chiến dịch có rất nhiều vị trí và nhiều đơn vị, thì độc nhất đơn vị chúng tôi được ghi trên Bia tại vị trí ụ thằng người ở đồi A1. Vị trí này sát đường vận chuyển cơ giới, xe phó từ Tây Trang đi Him Lam, cũng là nơi ta đào hào bao vây đồi A1 gần nhất, cho nên những tiếng động đào hào và tiếng xì xào của địch là nghe rất rõ.
 
          Đơn vị chúng tôi bố trí tại đây, ban đêm đào hào lấn tới, ban ngày bắn tỉa (hay gọi là bắn bia sống). Tôi phụ trách bắn trung liên luôn luôn quan sát, cứ thấy địch thò đầu ra khỏi hầm là bắn, có khi thực phẩm rơi ngang trước cửa hầm của địch nó cũng không dám ra lấy, cơm chịu đói, nước chịu khát. Cũng vị trí này gần đường lớn, ta đánh gây cho địch nhiều thương vong trong việc vận chuyển nên nó tập trung hỏa lực rất nhiều để tiêu diệt như ban ngày địch tấn công ra đánh phá để lấp hào, khi hào ta bao vây đến gần thì địch ra lấp hào và bắn giết vào ban đêm. Nó ném lựu đạn vào hầm ếch, dùng tiểu liên bắn xối xả vào quân ta, nó đánh liên tục đợt này sang đợt khác để hạn chế sự tiếp viện của ta. Cứ mỗi lần như thế thì quân ta hy sinh và bị thương rất nhiều nhưng với tinh thần “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh” quân và dân ta đã một lòng quả cảm, lên nhiều kế hoạch chiến đấu để chiến thắng vang dội.
 
          Tôi đã chứng kiến trong chiến dịch này, có rất nhiều hình ảnh dũng cảm hy sinh thật đáng để chúng ta ghi nhớ công lao trời biển của họ. Một cảnh đau buồn nhất của đồng đội tôi mà tôi thấy đó là chiều ngày 7 tháng 5, địch cầm cờ trắng xin ra hàng, bộ đội ta vô cùng phấn khởi, đứng trên hào vỗ tay hoan hỷ thì lúc đó trận địa pháo của địch ở Hồng Cúm chưa hàng, nó bắn về xối xả, đồng đội không kịp xuống hầm bị hy sinh một cách oan uổng trước giờ phút cuối cùng trong ngày chiến thắng. Đêm hôm 7 tháng 5 trên đồi A1 lấy pháo sáng của địch ta bắn rực trời để ăn mừng chiến thắng. Tiếng hò reo sung sướng làm cho giặc Pháp siêu hồn bạt vía, hết mộng xâm lăng, hiệp định Giơ ne vơ được ký kết, đem lại hoà bình cho đất nước trên miền Bắc Việt Nam.”
 
          Nghe xong câu chuyện của bác Phù Văn Trinh, thật sự tôi vô cùng xúc động và cảm thấy rằng không có Hạnh phúc nào mà không trải qua những mất mát hy sinh. Hôm nay chúng ta được sống một cuộc sống Hòa bình, ấp no, hạnh phúc, đó là sự đánh đổi biết bao mồ hôi, máu và nước mắt của Bác và đồng đội. Tôi thầm cảm ơn Bác biết nhường nào và thầm hứa sẽ sống và làm việc tốt hơn để xứng đáng với sự hy sinh mất mát của những người đã ngã xuống cho sự bình yên của Tổ Quốc này./.
 
 Bài, ảnh:  Lê Ngân
BBT.