An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Bác Hồ với thế hệ trẻ.
07:46 | 21/09/2013 Print   E-mail    

 
BÁC HỒ VỚI THẾ HỆ TRẺ
 
               Trong cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của mình Bác Hồ luôn quan tâm và dành nhiều tình cảm thương yêu sâu sắc đối với thế hệ trẻ Việt Nam. Bác đã dành rất nhiều tâm huyết cho việc tổ chức dẫn dắt các thế hệ thanh niên đến với Cách mạng, tham gia vào quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc… “Một năm khởi đầu từ mùa xuân, một đời người khởi đầu từ tuổi trẻ, tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội…”. Bác nói lên điều này với một xúc cảm trào dâng, đọng lại trong chân lý đơn sơ mà vĩ đại, tự nhiên đó…Bác đã để lại cho tuổi trẻ biết bao lời căn dặn ân tình, bao việc làm cụ thể, Mỗi lần, mỗi điều đều thắm đượm lòng tin yêu vô bờ bến. Người đã dành cho tuổi trẻ một niềm tin tưởng tuyệt đối bởi tuổi trẻ là tương lai, là người chủ nắm vận mệnh Đất nước.
 
 ( Bác Hồ với thế hệ trẻ)
 
              Câu chuyện mà tôi sắp kể cho các bạn nghe về Bác với chú Vũ Kỳ là một trong hàng trăm câu chuyện gây nhiều xúc động và suy nghĩ cho chúng ta. Mỗi một câu chuyện về Bác là một bài học vô giá, có giá trị nhân văn sâu sắc. câu chuyện này gây nhiều ấn tượng trong tôi và nó đã theo tôi suốt quãng đường đời…
 
              “Vào một buổi sáng tháng năm, Bác Hồ rời bàn làm việc và đi dạo trên con “đường xoài hoa trắng nắng đu đưa” rợp bóng cây xanh. Bác mặc bộ quần áo nâu dản dị, bước đi chậm rãi với tâm hồn thư thái. Người vẫn bình thản, im lặng đưa mắt nhìn cây trong vườn, lắng nghe tiếng chim hót, Người ung dung, thanh thản như hòa cùng thiên nhiên, bỗng dừng lại hỏi chú Vũ Kỳ(Là người giúp việc vừa là thư ký của Bác), giọng Bác nhẹ nhàng, thân mật:
 
              -Chú Kỳ này! Chú có biết những cây Muỗm này trồng từ bao giờ không?       
 
             Những cây Muỗm xum xuê như xếp hàng bên ven đường, nó to đồ sộ, có cây to phải hai người ôm mới xuể, rễ chúng nổi lên mặt đất vững chãi, rắn rỏi. Chú Vũ Kỳ nghĩ mãi chưa ra câu trả lời nhưng đã quen sống với Bác được Bác nhắc nhở nói gì phải nói thật, nghĩ thế nào nói thế ấy, nếu chưa biết thì nói chưa biết nên chú Vũ Kỳ đành trả lời Bác:
 
             -Thưa Bác! Cháu cũng chưa rõ, để cháu hỏi bên vườn ươm cây.
 
            Nói rồi chú Vũ Kỳ bước theo Bác cố tìm lời giải đáp, câu chuyện như đã dừng hẳn, chừng mấy phút sau Bác lại quay sang hỏi chú Vũ Kỳ:
 
           -Chú chưa biết cây trồng từ bao giờ, thế chú có biết giống cây này từ khi trồng đến khi già cỗi chừng bao nhiêu năm không?
 
            Chú Vũ Kỳ vừa băn khoăn, vừa buồn và pha chút tự ái không hiểu Bác đang quan tâm tới chuyện gì? Chú suy nghĩ một lúc rồi thú nhận:
 
            -Thưa Bác! Cháu cũng chưa rõ, nhưng theo cháu hiểu có thể những cây này đã trồng được gần 70 năm rồi.
 
          -Sao chú biết?
 
        -Thưa Bác! Cái nhà “toàn quyền” kia ghi làm từ năm 1900 đến 1906, có lẽ những cây Muỗm này được trồng từ ngày ấy.
 
          Bác suy ngẫm rồi khẽ gật đầu:
-
         -Chú nói cũng có lý!
 
         Rồi Bác im lặng, chậm rãi bước đi, lúc đó chú Vũ Kỳ thấy vui, thở phào nhẹ nhõm vì Bác hài lòng với câu trả lời của chú ấy.
 
         Có hôm đang đi trên đường thấy mấy con Ốc Sên đã bị dậm bẹp, Bác lắc đầu tỏ vẻ không hài lòng và hỏi “chú nào dẫm chết Ốc, sao không vứt xuống ao, vừa làm thức ăn cho cá vừa giữ vệ sinh chung”. Có hôm nhìn thấy đồng chí bảo vệ ngồi rửa mặt, để vòi nước chảy ào ào Bác cũng không vui nhưng Bác chỉ nhắc khẽ:
 
          -Chú rửa mặt như thế này thì mất mấy thau nước?
 
         Có lần sau hơn một tháng đi xa về, Bác ra bờ ao cho cá ăn, theo tiếng vỗ tay quen thuộc của Bác,đàn cá kéo nhau lên ăn, mặt nước cuồn cuộn; Những lưng cá bóng nhẫy, đen thẫm, hồng tươi, đỏ thắm…làm sống động một vùng mặt ao. Bác ném thức ăn lúc thật xa lúc gần vì sợ lũ cá con không kịp ăn với cá lớn. Mắt Bác nhìn đăm đăm vào mặt nước như chờ đợi rồi Bác nói”không thấy con cá Gáy đỏ đâu, không khéo các chú ở nhà câu mất rồi”. Mọi người biết chuyện không ai bảo ai tất cả đều im lặng lo lắng, chiều chiều Bác vẫn cho cá ăn đúng giờ, đôi mắt của Người vẫn đăm đăm nhìn xuống mặt nước như chờ đợi…Bỗng Bác reo lên:
 
           -Kìa! Con cá Gáy đỏ đã đến rồi. Bác vừa vung tay tung thức ăn cho cá vừa nói với chú Vũ Kỳ:
 
          -Các chú ở nhà chắc không cho cá ăn đều nên nó mới phải đi kiếm ăn lang thang như thế.
 
          Rồi Bác hạ giọng như tự nói với mình”Với con người cũng thế, nhất là thanh niên, không quan tâm thì cũng thế”. Bất cứ chuyện gì Bác nói ra đều mang ẩn chứa một bài học: trong chuyện nước là lời dạy về tính tiết kiệm, trong chuyện Ốc sên là lời dạy về giữ gìn vệ sinh môi trường, trong chuyện cá là lời dạy về sự quan tâm và trong chuyện cây chắc chắn cũng vậy?
 
          Trong tiếng gió đầu mùa hạ lướt nhẹ qua vòm lá là tiếng chim hót véo von, thánh thót, Bác vẫn sải những bước chân khoan thai, đi cạnh Bác là chú Vũ Kỳ. Với đôi mắt hiền từ Bác dặn “Chú chịu khó tìm giống xoài miền Nam trồng xen giữa các cây Muỗm, để nó kịp lớn lên thay thế”. Chú Vũ Kỳ dạ nhưng vẫn chưa hiểu hết ý của Bác, mãi về sau này khi Bác mất rồi chú Vũ Kỳ mới thực sự hiểu đầy đủ ý nghĩa “TRỒNG NGƯỜI” của Bác.
 
           Những cây Muỗm đang sung sức , sức sống đang trào dâng; Những thân cây vạm vỡ tràn đầy sinh lực như thế mà Bác đã tính tới chuyện trồng những cây khác chuẩn bị thay thế. Tôi suy ngẫm mãi và hiểu được Bác hỏi chuyện chú Vũ Kỳ về cây là căn dặn chú Vũ Kỳ phải có kế hoạch tính cho tương lai, phải bồi dưỡng và dẫn dắt các thế hệ trẻ kế tục sự nghiệp cha anh. Tấm lòng của Bác đối với thế hệ trẻ thật sâu sắc, chu đáo,mênh mông”.
 
(Tuổi trẻ làm theo lời Bác)
 
               Trên đây chỉ là một mẩu chuyện trong muôn vàn câu chuyện về Bác, mỗi một câu chuyện đều ẩn chứa một bài học nhưng tất cả gói gọn trong đó là “CẦN-KIỆM-LIÊM-CHÍNH-CHÍ-CÔNG-VÔ-TƯ”.Tuổi trẻ chúng ta phải làm gì đây để xứng đáng với niềm tin yêu của Bác? Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh mỗi người nhất là tuổi trẻ chúng ta hãy nêu cao hơn nữa tinh thần yêu nước “Đâu cần thanh niên có, nơi nào khó có thanh niên”, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, quan liêu, hách dịch, cửa quyền; Luôn hoàn thành và đi đầu trong bất cứ nhiệm vụ nào “khó khăn nào cũng vựơt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Chúng ta hãy truyền hơi ấm và bầu nhiệt huyết, hãy truyền lại cho nhau sự dịu dàng, tươi mát, đầy sức sống của mùa xuân, của tình yêu như Bác đã nói “ tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”.
 
(trong bài có sử dụng tư liệu “những mẩu chuyện về tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh”- NXB chính trị Quốc gia Hà nội)
 
Bài: Hoàng Yến
BBT.