An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Người chấp cánh ước mơ.
07:49 | 21/09/2013 Print   E-mail    

 

NGƯỜI CHẤP CÁNH ƯỚC MƠ
 
                Sau đại thắng mùa xuân 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, tạm gác khẩu súng trường, bố tôi được Đảng và Nhà nước cử đi học tại Liên Xô ngành Hóa. Tuổi thơ của anh em tôi lớn lên thiếu bàn tay yêu thương chăm sóc của bố, mẹ trở thành người thân thiết nhất đối với chúng tôi. Mẹ tôi kể lại rằng, sau chiến tranh đất nước mình còn nhiều khó khăn lắm, bố thì đi học ở xa nên mình mẹ phải vật lộn với công việc của đồng ruộng để nuôi anh em tôi khôn lớn.
 
              Gần mười năm bôn ba học tập ở xứ người, hành trang của bố tôi khi trở về nước không có gì ngoài những kiến thức về ngành Hóa. Thời đó, mọi người vẫn chú trọng cho nông nghiệp, trong tâm tưởng của đại đa số người dân Việt Nam thì công nghiệp vẫn là ngành thứ yếu. Mẹ tôi cũng vậy, mẹ chỉ mong bố tôi ở nhà giúp mẹ việc trồng trọt, chăn nuôi và nuôi các con. Nhưng không, quãng thời gian học tâp ở Liên Xô đã nuôi dưỡng trong tâm thức bố tôi những hoài bão lớn. Bố không chịu bỏ phí những gì mình đã học được, mà bố muốn phát huy nó để đất nước và gia đình thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu so với các nước khác. Bố tôi được người bạn giới thiệu vào làm trong ngành dầu khí Việt Nam, chuyên ngành dung dịch khoan và Hóa phẩm đúng với những gì bố tôi đã học. Lại một lần nữa, bố tạm xa mẹ con tôi, đi vào phương Nam (Vũng Tàu) để thực hiện ước mơ của mình. Bố tôi và những người bạn đã nhận thức được rằng:Ngành dầu khí Việt Nam là một trong những Ngành công nghiệp quan trọng đối với sự nghiệp công nghiệp hoá – hiện đại hóa đất nước, là Ngành kinh tế kỹ thuật liên quan tới đa ngành, đa nghề và có tác dụng rất tích cực đến sự phát trỉển kinh tế của đất nước. Niềm vui của bố không có gì khác hơn là góp phần khai thác được những mỏ dầu phục vụ cho sự phát triển kinh tế của đất nước.
 
               Có những mùa xuân, những cái tết cổ truyền bố không được về thăm nhà, những người làm việc như bố tôi vẫn lặng lẽ, âm thầm để làm nhiệm vụ. Dù bận rộn với công việc của mình nhưng lúc nào mẹ và anh em tôi vẫn hằn in trong tâm hồn bố. Hiểu được nỗi cô đơn của mẹ và thiếu vắng tình thương của anh em tôi nên mỗi lần được về phép bố cố gắng bù đắp những tình cảm thiếu hụt đó. Mặc dù vậy nhưng thú thật, có những lúc tôi cảm thấy bố có một cái gì đó như xa lạ và rất khó gần. Tôi luôn tỏ ra lạnh lùng với bố. Có lẽ tôi quen với sự vỗ về, ôm ấp của mẹ hơn bố.
 
              Chẳng biết công việc của bố có vất vả lắm không nhưng mỗi lần về phép tôi thấy bố tóc nhiều sợi bạc hơn, da đen màu dám nắng, người thì gầy gò hơn. Rồi có một ngày, từ nơi làm việc trở về, bố tôi bị lâm bệnh nặng. Do làm việc quá sức cộng với căn bệnh ung thư giai đoạn cuối nên bố tôi đã bỏ lại gia đình, đồng nghiệp, bỏ lại những ước mơ đang còn dang dở chưa thực hiện được. Những ngày đó tôi đang học lớp 12. Trước khi ra đi, bố đã nắm tay tôi và hy vọng đứa con trai thân yêu của bố sau này sẽ thực hiện nốt ước mơ, hoài bão của bố. Không hiểu sao lúc đó, tay tôi để yên trong tay cha nóng bỏng. Lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng tôi được khóc bên bố. Tôi đã trách mình quá lạnh lùng với cha trong những tháng ngày qua. Chưa bao giờ tôi cảm thấy mình yêu bố đến vậy. Tôi ước gì cho thời gian quay trở lại để tôi được ùa vào vòng tay ấm áp của bố và nói “con yêu bố lắm”. Câu nói đó dường như chưa bao giờ được nói ra từ đứa con trai lạnh lùng, vô tâm như tôi. Cả cuộc đời bố đã lặng thầm hy sinh cho gia đình và công việc. Khi bố đi rồi thì tôi mới nhận ra điều đó và tôi đã hận mình biết bao.
 
              Cái nắm tay dặn dò của bố trước lúc đi xa như ngọn lửa soi đường thôi thúc tôi bước tiếp con đường mà cha đã chọn. Tôi đã thi đỗ với số điểm cao vào Khoa Hóa đại học Tổng hợp Hà Nội. Sau 5 năm miệt mài trên giảng đường Đại học tôi đã tốt nghiệp với tấm bằng loại ưu và được nhận vào làm ở Công ty dung dịch Khoan và hóa phẩm dầu khí. Đó là niềm vui lớn nhất của mẹ tôi cũng như bản thân tôi. Những ngày qua làm ở cơ quan, tuy ban đầu có những khó khăn vất vả nhưng tôi đã thực sự cố gắng rất nhiều. Tôi đã cố gắng để thực hiện được ước mơ của mình, thực hiện được tâm niệm của bố.
 
              Giờ đây tôi đã có được một công việc mình yêu thích và đã có gia đình nhỏ của riêng mình. Tôi cảm thấy mình thật hạnh phúc và trong hạnh phúc của tôi có cái gì thật lớn lao, thật ý nghĩa. Hình ảnh người cha năm xưa mãi là ngọn lửa soi đường và luôn trong con trên bước đường con bước. Cha ơi, cha hãy ngủ ngon nhé, con hứa sẽ sống và làm việc thật tốt giống như cha. Cho con được thành kính gửi lời cảm ơn tới cha – người mà con yêu quý nhất vì người đã chấp cánh ước mơ con./.
                                      
Bài: Lê Ngân
BBT.