An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Ký ức trung thu.
08:25 | 16/09/2013 Print   E-mail    

           Khi trời đất chuyển mình sang thu xóa tan đi cái oi ả của mùa hè, khi mùa thu bắt đầu gõ cửa thì cũng là lúc ký ức tuổi thơ dội về trong trái tim mỗi chúng ta – Ký ức về một mùa trung thu đầy ắp kỷ niệm, tràn ngập tình yêu thương. Người ta thường nói Trung thu là tết của thiếu nhi nhưng nó cũng là dịp để người lớn chúng ta hồi tưởng những kỷ niệm của thời thơ ấu.
 
            Một tết Trung thu nữa đang tràn về trên khắp nơi nơi, từ làng quê thanh bình yên ả cho đến phố thị ồn ào náo nhiệt. Vẫn là sự tích về cây đa, chú Cuội và chị Hằng, song Trung thu trong mắt trẻ con ngày nay khác hẳn với trẻ con xưa. Mỗi người khi lớn lên có lẽ đều giữ cho mình những ký ức riêng về trung thu.Tôi vẫn còn nhớ như in những bài hát của đêm hội trăng rằm cứ ngân nga trên môi những đứa trẻ “ tùng rinh rinh tùng tùng tùng rinh rinh”…cứ nhớ những chiếc đèn ông sao với đủ màu sắc, nhớ ánh trăng tròn vào ngày rằm tháng tám, nhớ chiếc đèn lồng kéo quân bố cặm cụi làm tặng chị em tôi...Mặc dù so với chúng bạn thì đèn của chị em tôi không được đẹp cho lắm nhưng tôi vẫn thấy vui và tự hào được đem nó đi đón trăng.
 
http://static.phatgiao.org.vn/phatgiao/Images/Contents/tamduchau/20130909/Trung-thu-2.jpg
(Hình minh họa)
 
             Tết Trung thu của tuổi thơ thật ấm cúng và tràn đầy tình thân với những trò chơi dân gian truyền thống. Hồi đó quê tôi còn khó khăn nên bố mẹ chúng tôi tự lấy hồ, tre, giấy màu, nến… để làm đèn ông sao, làm mặt nạ giấy để con mình cũng có đèn ông sao rước, có mặt nạ để đeo trong đêm Trung thu. Trẻ con lại tụ hợp nhau lại, đứa thì đi phụ bố cắt giấy màu, đứa thì làm khung tre. Những chiếc đèn lồng ngày xưa rất đơn giản. Đó là sự kết hợp giữa khung tre và giấy kiếng màu, thông thường là màu đỏ.Còn chúng tôi thì vui khôn tả và háo hức trước đó hàng tháng . Chuẩn bị đón đêm rằm, nhà nào cũng chuẩn bị bữa cơm tối sớm hơn mọi khi. Sau đó quét sân thật sạch, trải chiếc chiếu rộng nhất ra, treo đèn ông sao, đèn kéo quân lên, châm đèn, đốt nến và bắt tay vào bày mâm ngũ quả thật thịnh soạn để cúng ông bà. Trẻ em quây quần xung quanh kể chuyện cổ tích rồi trông lên trời đợi để ngắm cây đa, chú Cuội và chị Hằng. Khi ánh trăng lên tới đỉnh đầu, vầng trăng tròn nhất cũng là giây phút các gia đình bắt đầu phá cỗ.Trăng quê tôi sáng lắm, cái vị trăng thơm mùi lúa mới mỗi khi mùa gặt đang về.Đêm trăng ở quê mình thật đẹp và yên tĩnh. Nó yên tĩnh đến nỗi mà đôi lúc tiếng côn trùng rên rỉ ở góc vườn cũng làm tôi thảng thốt. Tôi yêu lắm, yêu lắm cái không gian này - một không gian trầm, tĩnh lặng mà không thể nào tìm thấy giữa chốn phố xá ồn ào, náo nhiệt này được. Xa quê.ánh trăng được thay thế bằng những chùm đèn cao áp sáng rực. Thành phố lớn lắm, lớn đến nỗi trăng ngày rằm có sáng thì cũng không đủ soi sáng đường ta đi, nó ẩn nấp đâu đó sau những ngôi nhà cao tầng, những khu biệt thự chọc trời lấp lánh ánh điện. Rồi tôi chợt nhận ra mình thật may mắn bởi bọn trẻ con thành phố đâu có được tận hưởng những phút giây yên bình, tĩnh mịch của thôn quê như một cái gì gần gũi thiêng liêng, một cái gì ấm áp sưởi ấm lòng tôi trên mọi nẻo đường, cũng là một cái gì xa vắng của tuổi thơ. Sau khi thỏa thích ăn bánh kẹo, lũ trẻ sẽ nối đuôi nhau đi rước đèn vừa đi vừa hát vang bài “Chiếc đèn ông sao” trong ánh nến lung linh. Mặc dù bài vở còn rất nhiều để chuẩn bị ngày mai tới lớp nhưng chúng tôi chẳng đứanào có tâm trí học hành gì cả.
 
http://baodanang.vn/dataimages/201309/original/images921133_Do_choi_TT4.jpg
(Hình minh họa)
 
              Những năm gần đây, cái thú tự làm đèn ông sao cho con trẻ đã mất dần, ít còn thấy ai đi mua giấy màu và hồ dán về làm đèn trung thu mà thay vào đó là những đồ chơi hiện đại, đồ chơi Trung Quốc bắt mắt được bày bán tràn lan trên thị trường. Trẻ con không còn thích thú với những thứ đồ chơi “quê mùa” mà chúng chờ đợi được cha mẹ đưa đi mua những món quà đắt tiền chốn thị thành. Theo đó, mặc dù đèn ông sao, đèn kéo quân cũng được bày bán kèm với các loại đồ chơi của Trung Quốc, song do mẫu mã không bắt mắt nên bọn trẻ thời nay không lựa chọn.Những chiếc lồng đèn giờ đây, không đơn gian như ngày xưa, chúng có những hoa tiết sắc sảo hơn, sáng hơn, chắc chắn hơn. Nhưng chủ quan tôi không thích những chiếc lồng đèn bằng nhựa sản xuất từ Trung Quốc, nó khiến cho lồng đèn truyền thống mất đi trong tâm trí các trẻ em hiện nay. Thị trường đồ chơi cũng như bánh kẹo phục vụ tết Trung thu được các nhà sản xuất tung ra từ rất sớm, nhưng sự háo hức của con trẻ trước đêm rằm đã không còn được vẹn nguyên như trước đây. Còn ở các gia đình hiện đại, mâm cỗ đêm rằm cũng đã phai nhạt dần, không còn đủ đầy hương vị của tết Trung thu nữa, cũng còn rất ít gia đình coi đây là dịp đoàn viên rồi cùng nhau phá cỗ, trông trăng. Trẻ em không còn nối đuôi nhau đi rước đèn ông sao  mà được người lớn đưa đi chơi công viên, siêu thị.
 
              Hôm nay đây, cuộc sống của con người ngày càng đủ đầy nên không khí của tết Trung thu giờ với nhiều người chỉ được cảm nhận như một ngày bình thường trong năm.  Tuy nhiên, tết Trung thu vẫn là một nét đẹp văn hóa cổ truyền của dân tộc, mỗi người lớn chúng ta, dù bận rộn tới đâu đi chăng nữa cũng nên gieo vào trong suy nghĩ con trẻ lòng tự hào dân tộc, những truyền thống quý báu để các em hiểu trọn vẹn về ngày tết Trung thu. Nếu không, nét văn hóa đó sẽ dần bị mai một. Hội nhập để phát triển nhưng những nét văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam cần được gìn giữ và phát huy. Tết trung thu còn là dịp để chúng ta quan tâm hơn tới thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước, là dịp để các mạnh thường quân hướng về những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, hiểm nghèo, giúp các em có thêm niềm tin và động lực để vươn lên trong cuộc sống./.
 
Bài: Lê Ngân
BBT.