An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Đường về hàng dương thăm cha.
09:45 | 13/09/2013 Print   E-mail    

 

 
            Gần bốn mươi tuổi nhưng tôi vẫn chưa một lần được gọi tiếng cha thân thương như bao người. Tôi sinh ra khi bố tôi đang tham gia chiến đấu chống Mỹ cứu nước. Lúc nhận thức được hình ảnh ấm áp của người cha là quan trọng biết nhường nào thì cha tôi đã đi xa. Cha đã hy sinh trong công cuộc bảo vệ độc lập tự do cho Tổ quốc, cho nhân dân. Từ đó đến nay cha tôi đã yên nghỉ tại nghĩa trang liệt sỹ Hàng Dương – huyện Côn Đảo.
 
         Như một thông lệ, hằng năm cứ đến dịp lễ 2-9, tôi và mẹ tôi lại lênh đênh trên biển trong cuộc hành trình ra nghĩa trang Hàng Dương để thăm cha. Đây là nơi yên nghỉ của cha tôi và hàng nghìn liệt sĩ trong suốt thời kỳ kháng chiến chống quân xâm lược.
 
         Ngày lễ 2-9, đường về nghĩa trang hàng Dương nhộn nhịp và đông đúc hơn bao giờ hết. Người người về đây, kính cẩn nghiêng mình trước vong linh những người đã khuất, những liệt sĩ đã yên nghỉ vì Tổ quốc. Khi bước chân vào nghĩa trang, không hiểu sao trong tôi như có một luồng gió mát lạnh đến run người. Một cảm giác vừa linh thiêng nhưng cũng đậm tình ấm áp đối với tôi nói riêng và đối với những ai đã từng một lần ghé thăm nghĩa trang Hàng Dương nói chung.
 
nghia-trang-hang-duong_viet-travel-media
 
          Bước chân thắp nhang trên phần mộ của cha mình, các chú các bác và mộ chị Võ Thị Sáu thật sự tim tôi đau nhói, tôi nghe như lòng mình lắng lại. Tôi thầm khâm phục và cảm ơn họ - những người con dũng mãnh của Tổ quốc đã anh dũng kiên trung để chúng tôi có được ngày hôm nay, để Tổ quốc mãi hát khúc ca hòa bình tuyệt đẹp. Tôi chợt thấy mình nhỏ bé trước các anh hùng Liệt sỹ biết bao!
 
du-lich-nghia-trang-hang-duong_du-lich-viet
 
         Những hàng phi lao vi vu trong gió chiều thoảng mùi hương trầm nghi ngút như đang ca lên bài ca tưởng nhớ linh hồn những người đã ngã xuống trên mảnh đất này. Nghĩa trang Hàng Dương có hàng nghìn liệt sỹ từ khắp mọi miền đất nước đã yên nghỉ. Đến nghĩa trang Hàng Dương tôi thật xúc động khi tận mắt nhìn thấy nơi đây còn có nhiều ngôi mộ khuyết danh. Bởi vì các anh mất mà giờ đây không thể tìm được tên tuổi để trả lại cho các anh. Nhưng thôi, các anh nằm đó, Tổ Quốc ghi nhận sự hy sinh của các anh, thế hệ sau tự hào gọi các anh là những người anh hùng liệt sỹ. Với đời sau, các anh còn khuyết danh chứ không hề vô danh! Các anh hãy yên nghỉ nhé, chúng tôi nguyện tiếp bước theo con đường mà các anh đã chọn, sống và làm việc thật tốt để xứng đáng với những gì mà các anh đã đi qua. Biết được điều đó, chắc hẳn các anh thấy thanh thản hơn.
 
         Chiến tranh đã lùi xa hơn 38 năm, những hàng phi lao đã phủ lên Nghĩa trang Liệt sỹ Hàng Dương một màu xanh bất diệt, ngày đêm rì rầm khúc nhạc hòa bình. Nhưng cũng chính nơi này, cả ngàn ngôi mộ có tên và không tên vẫn nhắc nhở hậu thế về lòng tri ân và cái giá phải trả cho hòa bình.
 
         Ba ngày được trải lòng mình trên mảnh đất anh hùng cách mạng trôi qua nhanh. Thời gian tuy ngắn ngủi nhưng nó để lại trong tôi biết bao kỷ niệm…Giờ đây, mảnh đất này với tôi có cái gì thật quen thuộc và “muốn ở đây thôi chẳng muốn về”. Dẫu biết rằng có cái gì níu kéo nhưng tôi vẫn phải trở về với công việc hằng ngày, với ngôi nhà dấu yêu của mình. Nhưng trong tôi luôn tâm niệm rằng mình sẽ trở lại, trở lại với mảnh đất hùng thiêng, với tình cha thân thương, với những gì thân thuộc của lòng mình, với cảnh đẹp nên thơ, với cội nguồn dân tộc. Đúng là “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”./.
                                       
                                                        
Bài, ảnh: Lê Ngân
  BBT.