An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Tư tưởng trọng nam khinh nữ gây khó khăn thách thức đến công tác dân số kế hoạch hóa gia đình.
08:51 | 10/09/2013 Print   E-mail    

 

 
              Có thể nói những năm gần đây, công tác dân số kế hoạch hóa gia đình của nước ta còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là tư tưởng trọng Nam khinh nữ vẫn còn ngự trị trong tiềm thức của phần lớn người dân Việt Nam.
 
            Quy mô, chất lượng dân số có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của quốc gia trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế cũng như văn hóa xã hội. Ổn đinh quy mô, nâng cao chất lượng dân số là mục tiêu hàng đầu của nhiều nước, đặc biệt là những nước đang phát triển và chịu nhiều tác động của việc tăng nhanh dân số như nước ta hiện nay. Dưới sự cố gắng, nỗ lực của Đảng và nhà nước, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình ở nước ta thời gian qua đã đạt những kết quả quan trọng, đặc biệt tỷ lệ tăng dân số tự nhiên liên tục giảm, từ 2,1% (giai đoạn 1979 – 1989) xuống 1,24% năm 2012. Đây là cố gắng lớn của cả nước nói chung, của ngành dân số nói riêng. Tuy nhiên, mức sinh ở nước ta vẫn giảm chưa vững chắc. Một trong những nguyên nhân của việc tăng nhanh dân số là do tư tưởng “trọng nam khinh nữ” vẫn còn ăn sâu, bám rễ trong suy nghĩ nhiều người Việt Nam. Đây thực sự là một thách thức đối với công tác dân số trong việc thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ sinh, ổn định quy mô và cơ cấu dân số.
 
         Trọng nam khinh nữ là một tư tưởng trong đó coi nam giới là quan trọng hơn phụ nữ; tồn tại ở nhiều nơi trên thế giới. Mặc dù hiện nay quyền phụ nữ được công nhận nhưng tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn ở một số nước, đặc biệt là gắn liền với các tư tưởng tôn giáo và biểu hiện dưới nhiều cấp độ khác nhau. Trải qua thời kỳ chi phối lâu dài của học thuyết Nho giáo, trong đời sống tinh thần của người Việt Nam là làm sao phải có con trai để nối dõi dòng tộc, áp lực về con cái, về con nối dõi cứ truyền từ đời này qua đời khác dần dần ngấm vào tâm khảm nhiều người và cứ thế tư tưởng trọng nam, khinh nữ ngày càng có chiều hướng gia tăng.
 
         Tư tưởng trọng nam khinh nữ ở nước ta được lý giải dựa trên ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo và nhận thức của người dân về thực tiễn cuộc sống: Người đàn ông có trách nhiệm nối dõng dòng họ, sẽ trông nom chăm sóc mồ mả tổ tiên; không có con trai là một điều bất kính với tổ tiên dòng họ. Nam giới là nguồn lao động chính, kế thừa tài sản của gia đình và có trách nhiệm chăm sóc cha mẹ lúc về già. Khi hệ thống phúc lợi xã hội đối với người già còn chưa phát triển, nhất là tại các vùng nông thôn, nơi 74% dân số đang sinh sống, con cái chăm sóc cha mẹ già vẫn là hết sức quan trọng. Người già vẫn đa phần phải dựa vào sự hỗ trợ trong gia đình.
 
          Mặc dù công tác dân số trong thời gian qua đã rất chú trọng đến việc tuyên truyền, giáo dục để dần loại bỏ tư tưởng trọng nam khinh nữ, tuy nhiên ảnh hưởng vẫn còn rất nặng nề đến việc thực hiện các mục tiêu dân số. Thực tế cho thấy, tư tưởng trọng nam, khinh nữ còn gây những thách thức đối với công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình.Trong bối cảnh kinh tế xã hội hiện tại, đáp ứng với những thay đổi nhanh của đời sống xã hội; cùng với mục tiêu giảm bền vững tỷ lệ sinh, phải tập trung nguồn lực để giải quyết các vấn đề liên quan đến bất bình đẳng giới, nâng cao chất lượng dân số, đề cao vai trò và giá trị của người phụ nữ. Đây là một nhu cầu cấp bách của xã hội.
 
         Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa Gia đình (Bộ Y tế), những năm qua tỷ số chênh lệch giới tính khi sinh của Việt Nam liên tục tăng. Đặc biệt, hiện nay tỷ số này đã ở mức nghiêm trọng: 112,3 bé trai/100 bé gái. Cá biệt, một số tỉnh, thành phố thuộc Đồng bằng sông Hồng có tỷ số giới tính khi sinh từ 120 đến 130 bé trai/100 bé gái. Lo ngại hơn, tình trạng này lại đến từ những nơi có đời sống kinh tế phát triển, gia đình khá giả, trình độ học vấn cao...
 
        Hệ lụy của việc mất cân bằng giới tính khi sinh đã quá rõ. Các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc... hàng năm phải “nhập khẩu” cô dâu mà vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu kết hôn của nam giới. Tình trạng “khan hiếm” phụ nữ cũng dẫn đến việc gia tăng các hoạt động bắt cóc, buôn bán phụ nữ, buôn bán trẻ em gái, tệ nạn mại dâm...
 
        Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chênh lệch giới tính khi sinh như cơ hội tiếp cận sinh con trai ngày càng dễ dàng nhờ vào tiến bộ của khoa học, việc thực thi luật pháp trong lựa chọn giới tính thai nhi chưa nghiêm... nhưng mấu chốt vẫn ở tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” trói buộc người Á Đông bấy lâu nay.
 
         Nhìn lại trước đây, nước ta chủ yếu dựa vào nền nông nghiệp sản xuất lạc hậu, lại trong tình cảnh “đương đầu” với nạn xâm lăng nên nhà nào cũng mong có nhiều đàn ông để “gánh vác” việc nặng. Kèm theo lề luật đạo đức phong kiến buộc người phụ nữ “xuất giá tòng phu”, cùng với điều kiện đi lại khó khăn, nếu con gái lấy chồng xa thì “cơ hội” về chăm sóc cha mẹ đẻ gần như không có. Vì thế, nhiều bậc cha mẹ quan niệm “con gái là con người ta”. Bây giờ, giao thông thuận tiện nên con gái cũng có khả năng chăm sóc cha mẹ như con trai.
 
http://vietq.vn/PublishingImages/hathuy/2012/Thang%2010/Tuan%204/bat%20binh%20dang.jpg
( hình minh họa)
 
            Tập tục thờ cúng tổ tiên thời nay cũng có nhiều thay đổi. Không chỉ con trai, mà con gái cũng thờ cúng, cũng tham gia xây dựng nhà thờ họ, lăng tẩm với mức đóng góp ngang ngửa, có khi còn vượt cả con trai. Trong khi đó, với tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh như hiện nay, các chuyên gia dự báo sau khoảng hai thập kỷ nữa Việt Nam thừa khoảng 12% nam giới, tương đương với 2,3 - 4,3 triệu nam giới. Vậy thì lấy ai sinh con để nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên nữa đây?
 
            Việc nuôi dạy con trai cũng vất vả hơn con gái, “xổng” ra một chút là con trai dễ bị sa ngã vào lầm lỗi. Các vụ phạm pháp phần lớn do nam giới gây ra là sự thực nhỡn tiền. Trong khi con gái ít quậy phá, cũng có điều kiện phát triển về thể chất, tinh thần, học vấn, địa vị xã hội như con trai.
 
           Hơn nữa, người Việt vốn có lòng hướng thiện, việc “loại bỏ” để lựa chọn giới tính khi sinh không chỉ là hành vi phi đạo đức, trái pháp luật, mà còn là một trong những nguyên do của việc lương tâm bị cắn rứt.
 
http://www.hdgmvietnam.org/Images/News/ThanHoc/GMVNGHCGTG_Full_2201.jpg
 
             Con nào cũng là con, miễn sao nuôi dạy cho tốt, trở thành người có ích cho xã hội mới là điều quan trọng trên hết. Vì vậy, để bảo đảm sự phát triển bền vững của con em chúng ta, việc giảm thiểu chênh lệch giới tính khi sinh là không thể chậm trễ. Để thực hiện được điều đó, phải có sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội với nhiều công việc. Nhưng quan trọng nhât là công tác tuyên truyền, vận động phải đả thông tư tưởng của những ông bố, bà mẹ, dòng họ “trọng nam, khinh nữ”. Về lâu dài, phải đưa giáo dục về giới và bình đẳng giới vào chương trình chính thức cho học sinh, sinh viên, tạo ra nếp nghĩ văn minh cho những công dân tương lai.
 
           Tóm lại tư tưởng trọng nam khinh nữ đặt ra thách thức đối với công tác dân số phải đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân. Một trong những mục tiêu quan trọng của công tác dân số là thông qua tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của người dân đối với vấn đề dân số, trong đó hướng đến việc giảm tỷ lệ sinh thông qua khắc phục tư tưởng trọng nam khinh nữ. Thực tiễn tư tưởng trọng nam khinh nữ yêu cầu công tác dân số phải không ngừng đổi mới phương thức hoạt động, đặc biệt là việc tuyên truyền, giáo dục đổi mới tư duy, nhận thức lạc hậu của người dân, từng bước loại bỏ dần tư tưởng này ra khỏi đời sống. Nếu vẫn duy trì cách thức hoạt động cũ, công tác dân số khó tạo ra những chuyển biến tích cực trong tư tưởng cũng như hành động của mọi người đối với vấn đề trọng nam khinh nữ./.
 
Bài: Lê Ngân
BBT.