An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Vai trò của Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp trong triển khai thực hiện chiến lược phát triển gia đình Việt Nam
03:28 | 26/06/2015 Print   E-mail    

 
Trong những năm qua, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã làm tốt chức năng chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho phụ nữ và trẻ em, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của phụ nữ. Trình độ, năng lực, vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được nâng lên. Công tác gia đình ngày càng được quan tâm, điều kiện sống của các gia đình đã được cải thiện đáng kể. Qua đó góp phần tạo điều kiện phát triển trên tất cả các lĩnh vực lao động sản xuất, kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học, xã hội ở địa phương.
 
Ngày nay, trong tiến trình phát triển và hội nhập, truyền thống gia đình Việt Nam được nâng cao và quan tâm hơn. Nhằm thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, Hội LHPN các cấp đã cụ thể hóa thông qua việc chỉ đạo, triển khai trong các cấp Hội về xây dựng gia đình bền vững “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” đây vừa là mục tiêu, vừa là 1 trong 6 nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh BR-VT lần V, nhiệm kỳ 2011-2016 đề ra.
         
Nhận thức được tầm quan trọng của Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, trong những năm qua, cùng với việc giúp chị em có điều kiện nâng cao trình độ, năng lực về mọi mặt, các cấp Hội trong tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong các hoạt động tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên phụ nữ về vai trò người phụ nữ trong gia đình và xã hội, các cấp Hội đã vận động chị em hưởng ứng phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với các Cuộc vận động: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Xây dựng gia đình văn hóa”, Cuộc vận động ”Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” góp phần chủ động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt”… Đến nay, phong trào, các cuộc vận động đã ngày càng phát triển sâu rộng ở các địa bàn dân cư, được đông đảo chị em nhiệt tình hưởng ứng. Qua đánh giá, hàng năm có 100% các cơ sở Hội tổ chức cho cán bộ, hội viên phụ nữ ký cam kết, có từ 94-98% gia đình cán bộ, hội viên phụ nữ đăng ký tham gia.
        
Để đạt được chuẩn mực gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là "No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc", thì tiêu chí “no ấm” cần được đặt lên hàng đầu, bởi khi nào phụ nữ không còn đói nghèo, tự làm chủ được về kinh tế thì mới mong có được sự bình đẳng thật sự trong gia đình. Hơn nữa khi có điều kiện kinh tế ổn định, chị em mới có điều kiện học tập nâng cao trình độ mọi mặt để chăm sóc gia đình và nuôi dạy con cái được tốt hơn. Thông qua công tác tuyên truyền, các tầng lớp phụ nữ nhất là phụ nữ nghèo, đã từng bước nhận rõ: không thể chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ, mà phải kết hợp chặt chẽ giữa hỗ trợ với nỗ lực tự thân mới có thể vượt qua đói nghèo một cách bền vững. Kiên trì mục tiêu đồng hành cùng phụ nữ nghèo, bắt đầu từ những hình thức tuyên truyền vận động chị em khá giúp chị em nghèo về giống, vốn, kinh nghiệm làm ăn; tổ chức nhóm phụ nữ tiết kiệm, phát động gây quỹ “Ngày tiết kiệm vì phụ nữ nghèo”giúp nhau nguồn vốn nhỏ; đến liên kết với Ngân hàng NN&PTNT, Ngân hàng CSXH, Quỹ Quốc gia hỗ trợ việc làm…giúp cho các chị phụ nữ bị BLGĐ, phụ nữ bị buôn bán, phụ nữ mại dâm hoàn lương, phụ nữ nghèo vay với số tiền là 297.662 tỷ đồng để phát triển kinh tế gia đình. Thông qua các hoạt động này, nhiều chị em đã có việc làm ổn định, cải thiện cuộc sống, có điều kiện chăm sóc, giáo dục con cái tốt hơn, giúp con em phòng ngừa và không vi phạm các tệ nạn xã hội, đến cuối năm 2014 có 12.804 hộ phụ nữ nghèo được các cấp Hội giúp và có 6.856 hộ phụ nữ được giúp đã thoát nghèo. Đặc biệt, thực hiện năm ”Dân vận khéo” gắn với phong trào thi đua yêu nước, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. 100% các cấp Hội từ tỉnh đến cơ sở, chi, tổ Hội phụ nữ tham gia các loại hình tiết kiệm theo gương Bác thông qua việc vận động tiết kiệm tăng nguồn vốn giúp nhau phát triển sản xuất tại các chi, tổ/nhóm phụ nữ tiết kiệm, tín dụng tiết kiệm; tiết kiệm trong chi phí sản xuất; trong việc cưới, việc tang, lễ hội; trong sử dụng điện nước...Hiện nay toàn tỉnh có 5.507 tổ phụ nữ tiết kiệm theo gương Bác với 206.606 thành viên tham gia. Các cấp Hội đã thực hiện vận động, quản lý nguồn tiết kiệm 45.697.208.000đ giúp cho 23.862 lượt chị vay.
 
Nhằm giúp cho phụ nữ nghèo, phụ nữ đơn thân, phụ nữ khuyết tật, nữ cựu thanh niên xung phong có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh. Các cấp Hội đã vận động được 4.906.498 tỷ đồng để xây dựng và trao tặng 162 mái ấm tình thương, sửa chữa 22 căn nhà với số tiền 239.000.000đ. Để giúp cho con em hội viên phụ nữ nghèo có điều kiện đến trường, các cấp Hội đã vận động các mạnh thường quân, nhà hảo tâm, trích từ quỹ hội ....tặng 8.692 suất học bổng với tổng số tiền 3.801.560.000đ.
 
Với phương châm, lấy gia đình làm nền tảng, hướng vào thay đổi hành vi, chú trọng nhóm đối tượng trọng tâm và nhóm có nguy cơ cao, các cấp Hội  đã đẩy mạnh các hoạt động phòng chống tệ nạn xã hội; phòng chống tội phạm, phòng; chống HIV/AIDS. Có nhiều hình thức tuyên truyền được các cấp Hội tổ chức như: truyền thông theo nhóm nhỏ, tư vấn trực tiếp, tập huấn nâng cao kiến thức và xây dựng: mô hình gia đình  không có người phạm tội và mắc tệ nạn xã hội; mô hình phòng, chống ma túy từ gia đình; CLB Đồng cảm ...Bên cạnh đó, công tác phòng, chống bạo lực gia đình cũng được các cấp Hội chú trọng .Tính đến nay các cấp Hội đã thành lập được 233 tổ tư vấn pháp luật tại cơ sở, có 192 thành viên tham gia, xây dựng 03 câu lạc bộ tư vấn pháp luật. Xây dựng được 255 “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng”, đây là nơi hỗ trợ các nạn nhân khi xảy ra bạo lực gia đình. Duy trì và nâng cao chất lượng các mô hình, Câu lạc bộ hỗ trợ công tác phòng chống bạo lực gia đình như: CLB phòng chống xâm hại trẻ em (01), CLB gia đình DS – KHHGĐ (32), CLB xây dựng gia đình hạnh phúc (33), Tổ phụ nữ không sinh con thứ 3 trở lên (358), CLB phụ nữ phòng chống bạo lực gia đình (16), CLB gia đình văn hóa phát triển bền vững (01), CLB bà mẹ có con dưới 16 tuổi, mẹ và con vị thành niên (03) ...Các mô hình và phong trào nêu trên đã thật sự phát huy hiệu quả và được nhân rộng ra nhiều địa phương trong toàn tỉnh, thu hút sự tham gia của hàng ngàn lượt phụ nữ, góp phần thực hiện nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa, phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội.
 
Với thiên chức là người mẹ, người vợ, dâu con trong gia đình, cho dù cuộc sống có lúc, có nơi còn  khó khăn, vất vả nhưng chị em vẫn hết lòng nuôi dạy con, phụng dưỡng cha mẹ, động viên chia sẻ với chồng, con hoàn thành nghĩa vụ với Tổ quốc, lao động làm giàu cho quê hương. Nhiều chị giữ chức vụ cao trong công tác chuyên môn, xã hội nhưng về gia đình vẫn là dâu hiền, vợ đảm, người mẹ mẫu mực. Nhiều câu chuyện cảm động về những người mẹ, người vợ, tận tụy suốt đời hy sinh cho chồng, con, vượt mọi khó khăn nuôi con khỏe, dạy con ngoan, học giỏi đạt thành tích cao trong học tập, xây dựng gia đình hạnh phúc. Có chị là vợ thương binh nặng, có con bị nhiễm chất độc dioxin, kinh tế gia đình khó khăn... nhưng đã vượt lên hoàn cảnh, trở thành chỗ dựa cho gia đình cả về vật chất và tinh thần.
      
Bài: Tiến Loan
BBT.