An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Chăm sóc trẻ ngoài tình thương cần phải có kiến thức
09:04 | 27/06/2015 Print   E-mail    

 
“Tháng hành động vì trẻ em” đã được các cấp các ngành triển khai sâu rộng, nhất là trên các diễn đàn chúng ta đã thảo luận rất nhiều những nội dung về chăm sóc, giáo dục trẻ em, đặc biệt là chủ đề “Lắng nghe trẻ em nói”. Để nhân lên những kết quả đã đạt được chúng ta cần trao đổi thêm về những điều trong việc chăm sóc trẻ em sơ sinh hoặc khi chúng chưa biết nói. Chúng chưa biết nói, không có nghĩa là chúng ta không hiểu được nhu cầu của con trẻ. Để hiểu được nhu cầu của trẻ ngoài tình thương ra chúng ta cần phải có kiến thức và kinh nghiệm về chăm sóc trẻ nhỏ. Dưới đây là một dẫn chứng để chúng ta cùng suy ngẫm .
 
Đứng trong hành lang của bệnh viện, nhìn đứa cháu bé nhỏ, yếu ớt nằm thở nặng nhọc trên chiếc giường của phòng hồi sức bệnh viện nhi mà tim tôi như thắt lại. Cháu ơi! Chỉ vì thiếu hiểu biết mà mẹ cháu khiến cháu suýt bị chết não.
 
Vẫn biết cháu là đứa khó nuôi từ lúc trong bụng mẹ, mặc dầu mẹ mang bầu gần 10 tháng trời mà cháu vẫn không chịu ra ngoài. Đến khi bác sĩ can thiệp, “bất đắc dĩ” cháu mới chịu chào đời. Giây phút đó mọi người trong gia đình ai cũng mừng rỡ, nhất là mẹ cháu. Bởi cháu là đứa cháu nội đầu tiên của ông bà cũng là đứa con đầu lòng của bố mẹ.Ôm cháu trong tay, mẹ cháu như bay trên mây bởi niềm hạnh phúc tột cùng,cũng chính vì yêu con mà mẹ cháu bất chấp lời can ngăn của mọi người, quyết chăm con theo cách riêng của mình.
         
Minh họa
 
Từ khi chào đời cháu không chịu bú ti mẹ lẫn ti bình, bà nội rất khó nhọc khi mớm cho cháu từng thìa sữa. Cứ vừa chực đút vào, cháu lại bậm chặt miệng rồi nhè sữa ra. Rồi cháu còn thêm chứng khóc đêm, khó ngủ. Những hôm đầu ở viện, cháu khóc ngằn ngặt cả đêm, mẹcứ bế trên tay thì không sao nhưng khi đặt xuống là cháu hét đến tím đỏ mặt mày. Thế là phải bế cháu cả đêm,mẹ cháu mặc dù rất đau vết mổ nhưng vẫn chẳng nề hà gì cứ để cháu ngủ trên tay. Bố cháu, bà nội, bà ngoại khuyên mẹ cháu đặt con xuống giường nhưng mẹ cháu dứt khoát không nghe. Cứ thế, cháu quen chứng ngủ bế trên tay mẹ nên về nhà vẫn không chịu nằm xuống giường.Suốt hai tháng trời cháu ngủ trên tay mẹ, còn mẹ cháu khi ấy chỉ biết ngả đầu, dựa lưng vào thành giường đến tê người để làm bệ đỡ cho con. Vậy mà cháu cũng chưa thích nghi, mấy hôm sau hễ con lim dim, mẹ đặt nằm thì con lại khóc thét lên. Bây giờ, ngay cả khi được mẹ bế, cháu vẫn khóc hàng giờ không chịu ngủ, đôi khi mẹ cháu chỉ biết òa khóc cùng con.
 
Rồi đến một hôm, bí quá mẹ cháu bế xốc con lên vai và lắc lư, vậy mà lạ thay cháu chịu nín và ngủ say sưa. Mẹ cháu thấy vậy nghĩ chắc cháunó thích đung đưa đấy mà. Vậy là mỗi đêm mẹ cháu lại ẵm con, ầu ơ đu đưa trên tay cho con ngủ. Bố cháu và ông bà bảo cháucòn nhỏ, xương và cơ thể yếu, con đừng nên làm vậy. Mẹ cháu bỏ ngoài tai những phân tích thiệt hơn của gia đình.Càng ngày, con càng hay khóc mẹ cháu cũng vì thế mà rung lắc con mạnh hơn, độ rung lắc của mẹ cứ “leo thang” sau mỗi lần con cất tiếng gào khóc. Để con yên tâm ngủ ngon, mẹ cháu quyết định mắc võng vàhàng ngày, mẹ đều đăt con vào võng, đẩy thật lực cho võng đung đưa với biên độ cao nhất, nhìn con cười khanh khách, mẹ cháu cảm thấy vui lắm!..
 
Nào ngờ khoảng hai tuần sau, cháu bắt đầu có triệu chứng la hétdữ dội, tay chân ngéo lại, vặn mình, ộc hết sữa ra ngoài mỗi khi bú. Mẹ cháu nghĩ con ăn không tiêu nên càng cố dỗ dành, lắc lư võng mạnh hơn mọi khi. Cháu không những không dịu đi mà lại chuyển sang tím tái, thở khó nhọc, lồng ngực phồng lên, bụng thóp lại. Đến lúc đó mẹ cháu sợ đến tim đập không nổi,lập cập gọi bố cháu về vội vàng bế con vào viện cấp cứu…
 
Qua xét nghiệm và khám cấp cứu bác sĩ bảo chỉ cần chậm một chút nữa thôi, cháu sẽ bị chết não. Tất cả cũng vì những lần rung lắc cháu trên tay, trên võng quá mạnh. Não của cháu còn bé, chưa thể bám được vào hộp sọ nên khi bị lắc, não đập vào hộp sọ gây tổn thương. May mắn là cháu chưa bị xuất huyết não.Cả nhà nghe như sét đánh bên tai,mẹ cháu đâu ngờ chỉ vì muốn con ngủ yên giấc mà đã để cháu lâm vào trình trạng nguy hiểm nặng nề đến thế. Tất cả là lỗi của mẹ cháu,do nông cạn, không nghe lời khuyên của gia đình, không đủ kiến thức nuôi dạy con cái nên đã hại cháu. Mẹ cháu khóc gần hết nước mắt vì hối hận và chỉ biết cúi đầu nhận hết lỗi về mình. Chỉcầu mong con mau bình phục và sống khỏe mạnh trở lại,mẹ sẵn sàng lấy cái chết để chuộc lại những lỗi lầm của mình.
 
Qua sự việc trên, mẹ cháu càng thấy được việc chăm sóc, nuôi dạy con cái không chỉ bằng tình thương mà cần phải có đầy đủ kiến thức và kinh nghiệm về chăm sóc, nuôi dạy và bảo vệ con trẻ nữa mới đủ.
 
 Đó là người mẹ nhận thấy lỗi sai lầm để sửa xong chưa đủ, theo chúng tôi trách nhiệm của người cha và người thân cùng sống trong gia đình cần phải gắn trách nhiệm, chia sẻ, hơn nữa phải kiên quyết hướng dẫn khi thấy người thân(mẹ của bé) còn hạn chế hoặc thiếu kiến thức chăm sóc trẻ. Có như vậy mới thực sự là chương trình “hành động vì trẻ em” 
                                                                              
Bài: Trọng Chu
BBT.