An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Phòng chống ma túy trong gia đình và nhà trường.
08:13 | 24/06/2015 Print   E-mail    

 
Tệ nạn ma túy là một thảm họa đặc biệt nghiêm trọng; Nghiện hút, tiêm chích ma túy làm hủy hoại sức khỏe, rối loạn tiêu hóa, rối loạn thần kinh, lây nhiễm các bệnh viêm gan siêu vi, lây nhiễm HIV/AIDS. Hút, hít, tiêm chích ma túy còn làm cho con người mất hết lý trí, mất khả năng nhận thức; Không làm chủ được hành vi của mình nên dễ dàng gây tội ác. Nó còn là nguyên nhân làm cho đời sống kinh tế của nhiều gia đình rơi vào cảnh túng thiếu, bần cùng, tan nát; Là nguyên nhân của nhiều loại tội phạm như: Trôm cắp, cướp giật, quậy phá, đua xe trái phép và nhiều tiêu cực xã hội khác...
 
                         Description: http://www.baobinhthuan.com.vn/data/news/2015/3/74402/duc.jpg
Nghiện hút, tiêm chích ma túy không còn là vấn đề của mỗi cá nhân, nó đã trở thành một hiểm họa cho toàn xã hội với các đường dây tội ác đang phá vỡ hạnh phúc của nhiều gia đình và làm tiêu tan tương lai sự nghiệp của bao thanh thiếu niên đã sa vào con đường nghiện ngập và nguy hiểm hơn ma túy đang len lỏi vào học đường làm cho bao màu áo trắng trong của các em bị nhuốm màu ma túy.
 
Một tác hại rất nguy hiểm của các loại ma túy là nó đòi hỏi con nghiện mỗi ngày phải hút hoặc tiêm chích với liều lượng cao hơn và mỗi khi đã dính vào dù chỉ thử một lần ma túy thì không dễ gì dứt bỏ được.
Theo khảo sát có đến 80% đối tượng nghiện ma túy là thanh thiếu niên, lứa tuổi còn trông chờ vào sự quản lý giúp đỡ của gia đình, cha mẹ. Về mặt tâm lý, lứa tuổi thanh thiếu niên có những yếu tố sẽ là cơ hội cho ma túy thâm nhập nếu gia đình không phải là pháo đài vững chắc của các em.
 
Có nhiều nguyên nhân song chủ yếu vẫn do công tác quản lý về ma túy chưa được kiểm soát triệt để; Mặt khác do ảnh hưởng của sự giáo dục trong gia đình, mà giáo dục con cái không phải một sớm một chiều mà là một công việc phải đầu tư suốt cả cuộc đời của các bậc cha mẹ; Ở nhiều gia đình hiện nay ít quan tâm tới việc giáo dục và quản lý con cái ( cha mẹ lo làm ăn buôn bán, kinh doanh, công tác xa, bất hòa, ly dị... )
 
Một số gia đình khá giả thường chiều chuộng con thái quá, sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu của con. Có không ít bậc cha mẹ quá thiên về kinh tế và sự nghiệp hơn việc quan tâm con cái trong gia đình, một số người cho rằng tiền bạc và tiện nghi vật chất đầy đủ của họ dành cho con sẽ đưa đến hạnh phúc trong gia đình mà họ không hiểu được rằng: Tiền bạc, vật chất chỉ là phương tiện của con người chứ không thể thay thế được tình cảm, tình yêu và hạnh phúc. Chính sự lệch lạc trong định hướng giá trị hạnh phúc của một số bậc cha mẹ đã đưa gia đình, con cái của họ tới lối sống hưởng thụ, phóng túng. Trong lúc đó sự suy nghĩ, nhận thức của các em còn non nớt, cái tuổi dễ bị cám giỗ, lôi cuốn. Các em chưa hiểu hết được những tai họa, nguy hiểm của ma túy. Các em rất non kém trong việc nhìn nhận, phân tích và xử lý một vấn đề của cá nhân.
Mặt khác có một số thanh thiếu niên do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên các em nghỉ học sớm; Các em tìm chơi với số bạn ít học, ham chơi, lêu lổng, một số người có tiền án tiền sự nghiện ngập; Số ít các em đang học trung học phổ thông, trung cấp nghề, cao đẳng và đại học tập tành hút hít ma túy lúc đầu có thể là do tò mò, bị dụ dỗ, đua đòi bạn bè hút thử tìm cảm giác lạ, muốn chứng tỏ mình “ chịu chơi “.
 
Gần đây các em bị dụ dỗ lúc đầu chúng cho hút không mất tiền, khi đã nghiện thì các em sẽ trở thành công cụ làm tiền của những kẻ mua bán ma túy như: Trộm cắp, cướp giật, mua bán ma túy...Và từ hút hít các em dễ dàng đi đến tiêm chích. Đây là giai đoạn cuối cùng của phương cách sử dụng chất gây nghiện hết sức nguy hiểm. Bởi vì tiêm chích ma túy đồng nghĩa với nguy cơ lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm khác, đặc biệt là lây nhiễm HIV/AIDS và mỗi khi đã lây nhiễm HIV/AIDS là sẽ chết.
 
Thời gian gần đây theo khảo sát số người sử dụng thuốc lắc, “đập đá” có xu hướng gia tăng, tập trung vào đối tượng là thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên ở khu vực đô thị; Đáng lo ngại là tuổi đời của các em còn rất trẻ từ 17 đến 22, thậm chí có em mới có 15 tuổi. Số thanh niên này có quan niệm sai lầm cho rằng chơi thuốc lắc hay ma túy đá chỉ gây hưng phấn tức thời nhằm giải trí cho vui, chứ hoàn toàn không gây nghiện. Mặc dù âm thầm, không vật vã như heroin nhưng thuốc lắc và ma túy đá cũng gây nghiện. Đặc biệt nó làm cho con người suy kiệt về thể chất cũng như tinh thần, nó tạo ra ảo giác, gây rối loạn nhịp tim dễ dẫn đến trụy tim mạch và đột tử. Khả năng lây nhiễm HIV/AIDS cao vì quan hệ tình dục tập thể. Khi ở trạng thái hưng phấn, người sử dụng thuốc lắc rất thích cảm giác bay bổng bằng cách lái xe với tốc độ cao.
 
Nhiều em sử dụng ma túy đá để vui chơi hết mình, chứng tỏ đẳng cấp mà không biết rằng nó có sức tàn phá ghê gớm đến sức khỏe, gây ảnh hưởng xấu đến xã hội như: Chém giết người vô cớ, cuồng dâm, hoang tưởng, mất kiểm soát hành vi của mình, nặng hơn sẽ mắc bệnh tâm thần, suy kiệt thể chất và suy giảm khả năng tình dục, dẫn đến vô sinh; Các cơ quan nội tạng sẽ nhanh chóng suy yếu, kiệt quệ, nó tàn phá hệ thống dây thần kinh, hủy hoại não bộ gấp nhiều lần so với thuốc lắc...
 
Những tác hại và hậu quả của ma túy vẫn đang tác động và gây ảnh hưởng đến tất cả chúng ta từng ngày, từng giờ. Vì vậy chung tay đẩy lùi ma túy và giảm thiểu tác hại ma túy không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước hay các tổ chức liên quan đến việc phòng chống ma túy mà còn là trách nhiệm của mỗi chúng ta. Cần phải sử dụng một hệ thống đồng bộ các giải pháp và lấy phòng ngừa là chính. Cần phải củng cố hơn nữa mối quan hệ giữa gia đình, nhà trường và các cơ quan chức năng trong việc giáo dục, phòng ngừa tội phạm ma túy, nhất là ma túy trong thanh thiếu niên.
 
Nói đến phương pháp phòng ngừa chúng ta không thể không thực hiện công tác thông tin truyền thông. Trước hết phải từ trong gia đình, mỗi gia đình thực sự là một pháo đài kiên cố không để ma túy xâm nhập vào bằng mọi cách: Truyền đạt các thông tin về con đường dẫn đến nghiện nghập ma túy, cảnh báo cho con cái mình biết trước mọi tình huống có thể xảy ra để đề phòng, kháng cự trước sự hiếu kỳ, rủ rê của loại người xấu, bạn xấu. Đặc biệt cần quan tâm, giáo dục và quản lý con em mình trên nhiều mặt: Theo dõi, kiểm tra giờ giấc ăn ngủ, học hành; Kiểm tra việc chi tiêu tiền bạc, quan sát kiểm tra xử lý kinh tế trong các mối quan hệ của con em mình, nhất là đối với bạn bè của chúng. Quan tâm và kiểm tra thời gian nhàn rỗi và sử dụng thời gian nhàn rỗi của các em... Các bậc cha mẹ phải luôn là tấm gương sáng cho con cái noi theo; Phải xây dựng được các mối quan hệ tốt đẹp giữa ông bà, cha mẹ với con cháu. Đặc biệt các bậc cha mẹ cần có thái độ tích cực và trách nhiệm phối hợp với nhà trường và xã hội.
 
Đối với nhà trường phải đặc biệt chú ý một số em có nguy cơ cao, có thể mắc bệnh nghiện; Ngoài ra nên chú ý các em có hạnh kiểm không tốt, tác phong, cử chỉ không được lành mạnh. Việc chú ý này cần tế nhị và kín đáo bằng cách giáo viên chủ nhiệm phân công cho lớp trưởng, lớp phó phụ trách học tập, cho tổ trưởng các tổ theo dõi, quan sát số em này nhất là đối với những em có hoàn cảnh gia đình éo le để báo cho cha mẹ các em và nhà trường có biện pháp xử lý. Cần có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa gia đình với nhà trường, giữa thầy cô giáo chủ nhiệm với cha mẹ học sinh, giữa học sinh với học sinh; Tạo ra nhiều hoạt động bổ ích trong trường để các em tham gia: Tổ chức nói chuyện chuyên đề, xem phim, thi tìm hiểu về ma túy, thi kịch tuyên truyền về ma túy, tổ chức nhiều buổi ngoại khóa về phòng chống ma túy v.v...Từ đó tạo ra phong trào sâu rộng để giúp học sinh, sinh viên hiểu được tác hại của việc lạm dụng ma túy để cảnh giác lánh xa; Hiểu được hậu quả pháp lý do việc thực hiện các hành vi vi phạm về ma túy để có ý thức trách nhiệm cùng chung sức phát hiện, tố giác các hành vi có liên quan đến ma túy, sử dụng, mua bán ma túy trong trường học; Tham gia tích cực công tác đấu tranh phòng chống ma túy, góp phần cùng lực lượng chức năng đem lại môi trường sống trong lành, không ma túy.
 
Phòng chống, từng bước ngăn chặn đẩy lùi, tiến tới loại trừ ma túy khỏi đời sống xã hội, nhất là bảo vệ thanh thiếu niên - Lớp người làm chủ tương lai của đất nước không sa vào con đường nghiện nghập ma túy là trách nhiệm của cả một cộng đồng, của toàn xã hội. Trước hết bắt đầu từ gia đình và sự phối kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội.
Bài: Hoàng Yến
BBT.