An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Hưởng ứng ngày toàn dân phòng chống ma túy 26/6
11:02 | 23/06/2015 Print   E-mail    

 
Trong những năm qua, mặc dù Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, biện pháp nhằm tăng cường công tác đấu tranh phòng chống tệ nạn xã hội và tội phạm nhưng tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội đặc biệt là tệ nạn mại dâm, ma túy vẫn diễn biến vô cùng phức tạp, với tính chất ngày càng nghiêm trọng, gây nhức nhối cho xã hội và trở thành nỗi lo của nhiều gia đình.
 
Ma túy là một trong những đại họa mà toàn nhân loại phải đối mặt và là vấn đề vẫn còn đang nhức nhối, ám ảnh xã hội Việt Nam nói riêng, thế giới nói chung. Càng gần ma túy thì càng xa cuộc đời, đến với ma túy là đến với sự hủy diệt…
 
 
                            Mít tinh – Diễu hành hưởng ứng ngày toàn dân phòng chống ma túy 26/6
 
Sử dụng ma túy dẫn đến nghiện ma túy, đó là căn bệnh mãn tính, dễ tái phát, gây rối loạn về hành vi và cảm xúc. Người nghiện sẽ mất sự nhận thức sáng suốt, có thể hủy hoại mọi thứ chỉ để đáp ứng nhu cầu sử dụng ma túy, không còn cảm nhận được mọi hậu quả.
 
Tác hại của ma túy vô cùng ghê gớm, nó hủy hoại không chỉ cá nhân những người nghiện mà còn phá hủy tất cả những gì ở nơi nó xuất hiện, tồn tại. Ma túy tác động lên hệ thống các cơ quan chức năng trong cơ thể người làm giảm và hủy hoại dần dần từ hệ hô hấp, tim mạch, thần kinh đến hệ sinh dục… Nếu dùng ma túy theo dạng hít, người nghiện sẽ bị thủng niêm mạc mũi gây ngưng thở đột ngột và nguy hiểm đến tính mạng. Dùng theo dạng hút thì phổi sẽ bị tổn thương nghiêm trọng, gây ung thư phổi, viêm đường hô hấp, nhiễm trùng phổi…Và nguy hiểm nhất là dùng ma túy dạng chích, đây là con đường ngắn nhất dẫn đến HIV/AIDS. Tiêm chích ma túy còn hủy hoại con đường công danh, sự nghiệp của biết bao người, ma túy dẫn họ đến bên vực thẳm của cõi chết, hủy hoại lý trí, tâm hồn và thể xác con người. Không dừng lại ở đó, ma túy là quỷ dữ quấy rối, phá hoại hạnh phúc gia đình, làm suy thoái giống nòi, khiến cho an ninh, trật tự, quốc phòng bất ổn, gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế quốc gia đặc biệt là du lịch sinh thái, làm ảnh hưởng môi trường mỹ quan của xã hội…
 
Theo đánh giá của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm tình hình sản xuất, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy ở Việt Nam ngày càng diễn biến phức tạp, số vụ, số lượng, số loại ma túy bị cơ quan chức năng bắt giữ  ngày càng tăng. Việc buôn bán ma túy ngày càng tăng kéo theo tình trạng gia tăng số lượng người sử dụng loại chất cấm này.
 
Đến cuối tháng 9/2014, cả nước có 204.377 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý (trên thực tế số người sử dụng ma túy còn lớn hơn rất nhiều). Kết quả thống kê cho thấy số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý đã tăng gần 4 lần trong 20 năm kể từ năm 1994 đến nay (năm 1994 là 55.445 người, trung bình mỗi năm tăng khoảng 7.000 người). Những năm gần đây số người nghiện ma túy của Việt Nam luôn gia tăng, mức tăng trung bình mỗi năm khoảng 6% (Năm 2000, có khoảng 60.000 người nghiện thì năm 2014 có trên 200.000 người nghiện). Người nghiện ma túy đã có ở 100% các tỉnh, thành phố, gần 90% quận, huyện và khoảng 70% số xã, phường, thị trấn. Người nghiện cũng đã xuất hiện ở mọi thành phần trong xã hội: học sinh, sinh viên, cán bộ công chức, viên chức, người lao động…Trong số người nghiện ma túy: 96% là nam giới, 4% là nữ giới, 74% ở độ tuổi 18-35, có 1% dưới 18 tuổi. Người nghiện sử dụng heroin là 72% và có xu hướng giảm dần, tỷ lệ người sử dụng ma túy tổng hợp nhóm kích thích dạng Amphetamin (ATS) ngày càng gia tăng (2,5% năm 2005, 14,5 % đến tháng 9/2014). Tại một số địa phương, tỷ lệ học viên trong Trung tâm Chữa bệnh- Giáo dục- Lao động xã hội (Trung tâm) đã từng sử dụng ma túy tổng hợp cao như: Đà Nẵng 74%, Tây Ninh 61%, Trà Vinh 49%. Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh Xã hội, mỗi người nghiện ma túy mỗi ngày sử dụng khoảng 230.000đ thì số thiệt hại là rất lớn.
 
Như vậy, có thể thấy tình hình lạm dụng ma túy ở Việt Nam vẫn đang diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng cùng với việc xuất hiện nhiều loại ma túy mới, hình thức sử dụng ma túy không an toàn làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV. Đa số người nghiện ma túy có trình độ văn hóa thấp, chưa được đào tạo nghề và không có việc làm ổn định, thường gặp các vấn đề về sức khỏe, kinh tế khó khăn, nhiều người không được sự hỗ trợ của người thân, gia đình. Do vậy, việc tổ chức cai nghiện cho người nghiện ma túy là cần thiết nhằm giúp họ từ bỏ sự phụ thuộc vào chất gây nghiện, đồng thời trang bị, phục hồi cho họ các kỹ năng sống và kỹ năng lao động để đảm bảo thực hiện đầy đủ các vai trò của mình trong gia đình và xã hội.
 
Tệ nạn ma túy và các hoạt động mua bán, hút chích ma túy ngày càng diễn ra phức tạp với nhiều hình thức và thủ đoạn tinh vi. Ma túy ngày càng xâm nhập vào đối tượng trẻ, là những người lao động trụ cột trong gia đình, bằng nhiều thủ đoạn dụ dỗ, lôi kéo hướng vào con em những gia đình khá giả để có tiền mua ma túy. Theo thống kê của ngành chức năng, phần lớn các tội phạm hình sự có nguyên nhân bắt nguồn từ ma túy, hơn nữa đa số những người nghiện ma túy bị lây nhiễm HIV/AIDS. Ma túy là một tệ nạn xã hội làm ảnh hưởng đến mọi gia đình người thân của người nghiện ma túy, toàn xã hội. Tuy nhiên, không phải bất cứ ai cũng dễ bị lôi kéo, dụ dỗ sa ngã vào con đường ma túy; không phải mọi người nghiện ma túy đều không thể cai nghiện được.
 
Phòng chống tệ nạn ma túy không phải là trách nhiệm của riêng ai, riêng cơ quan nào mà cần một phong trào quần chúng rộng rãi, phải có tính xã hội cao. Vậy, để công tác phòng chống ma túy đạt hiệu quả cần phải có sự chung tay của cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp, cộng đồng xã hội và đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của gia đình trong việc quản lý giáo dục thành viên trong gia đình, thân nhân về tác hại của ma túy và thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy; quản lý ngăn chặn thành viên trong gia đình tham gia tệ nạn ma túy, mọi thành viên trong xã hội có trách nhiệm phát hiện, cung cấp nhanh chóng các thông tin về tệ nạn ma túy cho cơ quan công an hoặc cơ quan khác có thẩm quyền. Tham gia, hỗ trợ hoạt động cai nghiện ma túy tại các cơ sở cai nghiện và tại cộng đồng; theo dõi, giúp đỡ người đã cai nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng; phòng, chống tái nghiện.
 
Các phương tiện truyền thông cần tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền với nhiều hình thức, nội dung thiết thực; các cơ quan báo đài phát huy lợi thế của mình để đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền phòng chống ma túy, khai thác tuyên truyền có hiệu quả trên hệ thống đài truyền thanh tại các phường, xã, thị trấn; thông qua hoạt động của các đoàn thể góp phần tạo bước chuyển biến tích cực, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống ma túy và tác hại của ma túy nhằm làm giảm tệ nạn ma túy trong đời sống xã hội; Gắn tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy với các nội dung xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng khóm, ấp văn hóa… xây dựng xã, phường không tệ nạn xã hội. Lồng ghép với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các cuộc mít tinh, diễu hành, băng rôn, khẩu hiệu… Giới thiệu, biểu dương các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn./.
 
Bài, ảnh: Trương Hiền
BBT.