An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Hướng đến kỷ niệm ngày gia đình Việt Nam 28/6/2015. Tình thân ấm áp trong bữa cơm gia đình
03:11 | 19/06/2015 Print   E-mail    

 
Gia đình chính là nền tảng đạo đức của xã hội. Nói đến văn hóa gia đình, người ta thường đề cập đến bữa cơm; bữa cơm trong gia đình người Việt không chỉ đơn thuần là nơi mọi người trong gia đình cùng thưởng thức những món ngon mà cao hơn đó là sự gắn kết các thành viên, làm hình thành nên truyền thống của gia đình. Bữa cơm gia đình như là một “chất keo” kết dính các thành viên và qua những bữa cơm này các thành viên học được những cách ứng xử, sự chia sẻ, lắng nghe, tình yêu thương, … Tất cả hòa quyện tạo nên những nét đẹp độc đáo riêng biệt trong văn hóa Việt.
 
                                                    Hình minh họa
Nhưng trong nhịp sống hiện đại ngày nay, vai trò của bữa cơm gia đình đang ngày càng mờ nhạt khi cảnh “cơm hàng, cháo chợ” đang diễn ra ngày càng phổ biến ở các gia đình. Việc tham gia vào các hoạt động sau giờ làm việc chính thức ở cơ quan, công ty, xí nghiệp cũng góp phần làm cho bữa cơm gia đình ngày càng “nguội lạnh” (bù khú, nhậu nhẹt với bạn bè ). Trước đây, nam giới đóng vai trò trụ cột gia đình và do đó, nam giới sẽ là người ra xã hội để kiếm sống nuôi gia đình, người phụ nữ chỉ có vai trò “giữ lửa” là nội trợ và chăm sóc con cái. Nhưng khi người phụ nữ bước ra xã hội với những công việc không thua kém gì nam giới thì gánh nặng thêm chồng chất khi họ phải cố gắng dung hoà hai vai trò: vai trò của một người vợ và vai trò của một người nhân viên (có khi là một người quản lý). Chính vì thế, thời gian dành cho công việc nhà, cụ thể là việc chuẩn bị bữa cơm gia đình sẽ bị rút ngắn lại.
 
Dù ở thời đại nào đi chăng nữa, bữa ăn gia đình vẫn giữ vai trò quan trọng, là nơi thắp lửa giữ ấm hạnh phúc, là nơi kết nối tình thân. Ăn bữa cơm, mỗi người được thoả mãn nhu cầu vật chất của mình thấy vui vẻ, phấn chấn, ăn ngon, ăn no, và rất thoải mái trong khi ăn, thích ăn gì thì gắp, tự do lựa chọn, không phải khách sáo. Đồng thời, qua bữa cơm lại giáo dục cho mỗi thành viên, đặc biệt là trẻ em, biết nhường nhịn, có miếng gì ngon cần chú ý để phần cho người khác, không dành lấy ăn hết. Đó là cách giáo dục cụ thể, thiết thực, đời thường, về ý thức san sẻ vui thú hay khổ đau giữa anh em trong gia đình rồi sau toả rộng ra ngoài xã hội, cộng đồng. 
Những món ăn trong bữa ăn gia đình thường không cầu kỳ nhưng gợi nhớ cho mỗi thành viên cái không khí yêu thương, chăm sóc của mẹ cha, cái thân thương của anh chị em khi chia nhau miếng rau, con cá. Những kỷ niệm của bữa cơm chung còn gợi nhớ đến gia đình đầm ấm gắn liền với tuổi thơ của mỗi người, ở đó có người mẹ, người chị và hương vị chén nước chấm bên mớ rau đồng mang một khẩu vị đặc trưng.Khi một cá nhân trưởng thành, trong vòng quay của cuộc sống bận rộn, những bữa ăn vội nơi hàng quán hay những bữa tiệc sang trọng cũng không thể làm phai mờ hình ảnh thân thương của bữa cơm gia đình trong lòng mỗi con người. Bữa cơm cho ta nhiều hơn hương vị của tình thương yêu. Khi là chiếc bàn tròn, khi thì bộ ván ngựa… mỗi nơi là một không gian để các thành viên cảm nhận sự ấm áp trong tổ ấm của mình.
 
Hạnh phúc gia đình được xây dựng đơn giản như vậy đó! Nhưng để có được hạnh phúc đơn giản ấy, thì người chủ gia đình, đặc biệt người phụ nữ, cần chăm lo cho bữa ăn có ý nghĩa thật sự. Con người khi được thương yêu, quan tâm thì dù đi đâu cũng không thể quên được cội nguồn. Bữa cơm gia đình đã trở thành sợi dây vô hình gắn kết tất cả những thành viên.
 
Có thể thấy rằng, bữa cơm đóng vai trò quan trọng trong văn hóa gia đình người Việt. Nó nuôi lớn tâm hồn của mỗi con người trong xã hội hiện đại. Dù cho bất cứ ai có ngược xuôi trên khắp nẻo đường đời thì vẫn không thể nào quên được hương vị của bữa cơm gia đình - một nét đẹp văn hóa truyền thống trong gia đình Việt Nam.
 
                                                                                       Bài:  Lê Ngân
BBT.