An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Mùa xuân ở nơi canh giữ “con mắt đại dương”
09:11 | 13/02/2015 Print   E-mail    

 
Những ngọn hải đăng trong đêm tối đã trở thành “con mắt” của đại dương mênh mông, toả sáng niềm hy vọng. Để đèn biển luôn toả sáng, định hướng cho tàu thuyền qua lại, những người công nhân gác đèn vẫn đang thầm lặng cống hiến tuổi thanh xuân và một phần cuộc sống riêng tư của mình.
 
Kiểm tra kỷ thuật Hải Đăng Vũng Tàu để chuẩn bị cho đèn hoạt động
 
 “Ngoài đó thế nào hở chú em?”, “Sóng to, gió lớn, biển động dữ dội lắm anh à, chắc tàu không cập được đâu”… Đó là một phần cuộc trao đổi công việc của anh Nguyễn Văn Nghĩa, Trạm trưởng trạm Gành Rái với một chiến sĩ đang canh gác ngoài đèn Aval qua bộ đàm. Anh Nghĩa bảo, đáng lý ngày mai cậu ấy hết ca trực, chắc đang nhớ đất liền lắm đấy nhưng chưa về được vì biển động, tàu không cập được, tiếp tế lương thực cũng không tới nơi… Ngày hôm sau, những con sóng lớn vẫn thi nhau đập vào vách đá, tung bọt trắng xoá. Chiếc ca-nô do anh Nghĩa điều khiển nhỏ như một chiếc lá chấp chới, chao đảo giữa muôn trùng sóng nước. Lắm lúc, tưởng như chiếc ca-nô cập được vào vách đá rồi nhưng lại bị sóng đánh bật ra xa... Sau một hồi loay hoay, tìm đủ mọi cách mà chiếc ca-nô không cập bến được. Đồng đội của anh trên đèn Aval thông cảm: Đành ở lại thêm vài hôm nữa. Tôi hỏi: “Ở đó chắc buồn lắm?”. Anh Nghĩa nói: “Ai đã một lần ra đến ngọn đèn biển này mới cảm nhận được sự cô đơn và buồn tẻ ở đây. Cô đơn nhưng hùng tráng. Họ gắn bó lâu năm với biển, với đèn, với những con tàu đang dõi theo mình mà ra khơi, dễ gì bỏ được”.
 
Những người canh giữ đèn biển Aval cho biết từ bến Sao Mai (TP. Vũng Tàu) mất khoảng 50 phút đi tàu mới tới đèn Aval, nhưng có những hôm biển động thì mất 1-2 giờ đồng hồ cũng là chuyện thường. Aval là ngọn đèn biển nằm ở trung tâm cửa ngõ luồng Sài Gòn – Vũng Tàu. Tất cả sinh hoạt của những người gác đèn phải gắn biển cả mênh mông. Trạm Gành Rái có 6 người làm nhiệm vụ bảo vệ đèn Aval, chia làm 2 ca, mỗi ca 3 người “trực chiến” trong 10 ngày liên tục. Nắng, mưa hay bão tố cũng phải cắm chốt, trời càng bão tố thì đèn lại càng phải sáng. Hàng ngày, các anh phải quan sát trên không, trên biển và kiểm tra đèn; thường xuyên bảo dưỡng các thiết bị vì môi trường nước mặn rất dễ hỏng. Chỉ một sáng không lau thì ngay chiều hôm đó, sương muối hoặc nước biển phả vào, ánh sáng của đèn sẽ bị giảm ngay...
 
Không chỉ có ngọn đèn Aval, một trong những ngọn đèn hải đăng cổ nhất ở Bà Rịa – Vũng Tàu phải kể đến ngọn hải đăng ở hòn Bảy Cạnh (huyện Côn Đảo). Từ trung tâm thị trấn Côn Lôn đi thuyền theo hướng đông nam hơn 9 km mới đến hòn Bảy Cạnh. Lần theo lối mòn, đi bộ khoảng 30 phút lên đỉnh núi phía Đông mới đến ngọn hải đăng. Trong số những người gác đèn ở đây, anh Nguyễn Văn Nghĩa cũng từng có tên trong danh sách. Anh Nghĩa ở hòn Bảy Cạnh 2 năm. Đến năm 2008, anh được luân chuyển đến nơi khác. Những người đi trước kể lại, thời điểm năm 1976 ở hòn Bảy Cạnh rất hoang vu, chưa có máy phát điện và pin mặt trời như bây giờ, hải đăng chạy bằng bình ắc - quy. Mỗi lần bình hết điện, anh em gác đèn phải thay phiên nhau khiêng chiếc bình nặng 40kg xuống chân núi, sau đó đưa lên xuồng chèo vào đảo lớn để sạc.
 
Trải qua hơn một trăm mùa xuân với biết bao đổi thay của cuộc sống, trạm hải đăng Bảy Cạnh đã đón xuân cùng bao nhiêu thế hệ tiếp quản và vận hành. Mỗi người đều có một hoàn cảnh khác nhau nhưng đến đây họ đều chung sức để ngọn hải đăng luôn hoạt động tốt, dẫn đường cho tàu thuyền ra vào vùng biển Việt Nam an toàn. Ông Trần Đại Nghĩa, Giám đốc Công ty bảo đảm an toàn hàng hải miền Đông Nam bộ cho biết, hiện công ty đang quản lý 7 cây đèn biển và 9 tuyến luồng. Đèn biển không chỉ giúp cho tàu thuyền ra vào an toàn mà còn khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển.
 
Hải đăng Vũng Tàu nằm trên đỉnh Núi Nhỏ, toạ lạc trên độ cao 170m so với mực nước biển, có nhiệm vụ chỉ dẫn cho tàu thuyền hàng hải ra vào ra vịnh Gềnh Rái. Hải đăng Vũng Tàu được xây dựng lần đầu tiên vào khoảng năm 1870, sau khi thực dân Pháp hoàn thành việc xâm lược Nam kỳ, lục tỉnh. Hải đăng Vũng Tàu cao 18m (tính cả chiều cao của núi là 188m so với mặt nước biển); công suất bóng đèn 1.000W, chiếu xa được 55km. Đứng nơi “mắt biển” chiếu sáng, phóng tầm nhìn ra biển, thấy bao la những đốm sáng xanh đỏ của tàu thuyền. Anh Nguyễn Văn Công, nhân viên trạm hải đăng Vũng Tàu chỉ tay ra phía biển, hướng dẫn chúng tôi phân biệt đâu là tàu thuyền đang di chuyển hay đứng yên... 
 
Rời ngọn Hải đăng Vũng Tàu, tôi đổ dốc xuống núi. Phố biển Vũng Tàu rực rỡ ánh đèn, hoa, để lại phía sau những người gác đèn biển vẫn ngày đêm lặng lẽ làm nhiệm vụ canh giữ cho hải đăng luôn tỏa sáng, thắp lên sự bình an cho những chuyến tàu ra khơi khi mùa xuân đang đến rất gần.
 
Bài, ảnh: Hoa Hạ
BBT.