An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
“Tết rồi, sao bố mẹ con chưa về?”
08:26 | 13/02/2015 Print   E-mail    

Đang cặm cụi làm cỏ cho vườn rau nhỏ trước nhà, bà chợt thấy đứa cháu gái nhỏ mặt ủ rũ buồn rầu, ngồi bên hiên nhà, đôi mắt bé nhỏ u sầu cứ nhìn xa xăm như đang mong mỏi điều gì đó.
 
Description: C:\Users\ACER\Pictures\bà cháu.jpg
 
“Tết rồi, sao bố mẹ con chưa về?”, tiếng nó thì thầm giống như đang nói một mình, nhưng câu nói ấy cũng đủ để bà nghe thấy. Đôi tay bà run run, chẳng thể giữ được chiếc liềm cắt cỏ trên tay nữa, cứ kệ để nó rơi trên đất. Có một điều gì đó cứ mắc nghẹn trong lòng bà, muốn phát ra nhưng chẳng biết phải phát ra như thế nào. Đôi mắt bà đỏ lên, vô hồn, nước mắt rưng rưng, muốn khóc nhưng không thể khóc.
 
Nhà bà ở một vùng quê nghèo, làm lụng quanh năm cũng chỉ đủ ăn, thiếu thốn đủ bề. Bà chỉ có một người con trai, chồng bà thì mất sớm, bà cứ ở vậy nuôi con khôn lớn rồi cưới vợ cho anh, con bé- hạnh phúc bé nhỏ của gia đình ra đời, ngôi nhà lúc nào cũng tràn ngập tình yêu thương, hạnh phúc. Nhà nghèo, lại thương mẹ già, con nhỏ dại, vợ chồng anh quyết định gửi lại con bé cho bà rồi cùng nhau lên thành phố tìm việc làm để kiếm thêm chút tiền chăm lo cho gia đình. Nhưng trớ trêu thay một vụ tai nạn đã cướp đi sinh mạng của con trai và con dâu bà, bỏ lại người mẹ già và đứa con thơ nhỏ dại.
 
Cảnh “gà mái nuôi con” vất vả khó khăn đã đành thì cái cảnh người bà đã ngoài 70 tuổi nuôi đứa cháu nội nhỏ dại càng cực khổ đến dường nào. Đứa cháu tội nghỉệp thiếu vắng tình cảm bố mẹ quá sớm, nó lúc nào cũng nằng nặc đòi bố mẹ. Con bé khóc rất nhiều, thương cháu, bà chỉ biết nói dối nó rằng bố mẹ nó đi làm xa, tết mới về được để an ủi con bé. Tội nghiệp mỗi khi con bé cùng bà ra chợ bán mớ rau, nó trông thấy những đứa trẻ khác được bố mẹ bồng bế, mua cho bánh kẹo, đồ chơi, đôi mắt long lanh của nó cứ ngoái nhìn, ẩn trong đó là một nỗi niềm khao khát. Có lẽ nó chỉ cần có bố có mẹ nó ở đây, được bố cõng trên đôi vai rắn chắc của bố là đủ rồi chứ nó cũng chẳng cần kẹo bánh, đồ chơi. Những lúc như thế này ruột gan bà như muốn bốc cháy, xót xa, đau đớn.
 
Sáng nào bà cũng dạy từ rất sớm, tuổi cao sức yếu nhưng bà vẫn cố gắng gượng cuốc xới mảnh vườn nhỏ để trồng rau rồi lại ra mương kiếm thêm chút cua, cá đổi lấy gạo hai bà cháu sống qua ngày. Nhiều hôm thời tiết xấu, chẳng làm được gì, nhà chỉ còn ít gạo nấu cháo mà vẫn chẳng đủ ăn, nước mắt bà cứ trực chờ tuôn ra. Dường như đêm nào bà cũng khóc, khóc thương con, khóc thương đứa cháu tội nghiệp, nhắm mắt nhưng chẳng thể ngủ được, giấc ngủ đến với bà sao mà khó khăn thế.
 
Cả năm trời cái ăn còn không đủ lo cho cháu huống chi đến cái mặc. Trong căn nhà lá trống trước hở sau, vỏn vẹn chỉ có cái giường gần như đã mục nát hết, cái chăn rách tươm che không đủ ấm. Tết đã về ngay đầu ngõ, xuân cũng đã gõ cửa từng nhà. Vậy mà sao khí xuân đó lại làm cho hai mảnh đời bất hạnh không thể “chạm” được mùa xuân ấm áp.
 
Cái bàn thờ chỉ đóng bằng một miếng ván thô sơ, trên chẳng có gì chỉ có chén cơm quả trứng với bát nhang. Trước di ảnh của con trai và con dâu bà chính là hình cưới của hai người, bà lặng người, xót xa, nước mắt cứ tuôn dài. Ngoảnh nhìn đứa cháu ngây dại, vẫn khuôn mặt ủ rũ ấy, vẫn đôi mắt hoen đỏ ươn ướt nước mắt mong chờ đó, bà chạnh lòng thấp thỏm lo sợ khi ở cái tuổi gần đất xa trời này, bà có thể ra đi bất cứ lúc nào, con bé nó sẽ phải lương tựa vào ai.
 
Con bé đứng đó, đôi môi mấp máy: “Tết rồi hay chưa phải tết mà sao bố mẹ con vẫn chưa về…”.
 
Bài: Thiên Thu
BBT.