An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Hái Lộc đầu Xuân - nét Văn hóa Tết
11:27 | 13/02/2015 Print   E-mail    

Trải qua bao đời nay, nét đẹp hái lộc đầu xuân đã quen thuộc và trở thành nét văn hóa tết trong đời sống của người Việt. Bởi theo quan niệm cổ truyền, vào thời khắc giao thừa hoặc sáng mồng một tết, xin cành lộc nhỏcủa loài cây cổ thụ có sức sống mạnh mẽ như:sung, si, đa, đề ... ở chốn linh thiêng nơi đền, chùa, miếu mạo … đem về, là để rước tài lộc, mang sự may mắnsinh sôi nẩy nở về nhà. Nó được nâng niu, giữ gìn cẩn thận, không cho ai, vì như vậy sẽ "mất lộc". Sau khi xin lộc về, cành lộc được treo ở hiên nhà, trước gian giữa hoặc cửa ra vào để trừ ma quỷ và sẽ được Thần, Phật ban cho tài lộc, may mắn suốt năm. Cành lộc cũng tượng trưng cho những gì mới được hình thành, tương lai xán lạng đang chờ ở phía trước.Đọt mầm nonđầy sức sống làm chúng ta nghĩ đến những điều tốt đẹp và tiếp thêm nghị lực để hoàn thiện mình hơn,xứng đáng trong vườn xuân nhân loại.
 
Hái lộc xuân – nét văn hóa Tết
 
Trong xã hội phát triển, hái lộc xuân vẫn còn nguyên nét giá trị tinh thần dù đã có ít nhiều thay đổi trong quan niệm cũng như cách làm của mỗi người. Theo tục xưa đi xin lộclà chân thành;muốn hái lộc thì phải gieo mầm; làm nhiều điều tốt lành là gieo phúc, thì lộc sẽ tới nhà chứ đâu cần phải tranh nhau cướp phá chặt cây, bẻ cành. Nhưng trong những năm qua, nhận thức của một số người về tục hái lộc đầu xuân đã sai lệch, mang khía cạnh tiêu cực. Sai lầm lớn nhất là nghĩ rằng cành cây càng to, lộc càng nhiều,vì thế nên nhiều người mang hẳn cả dao để “chặt lộc” chứ không phải hái lộc. Có người còn trèo lên cây cao để chọn “lộc đẹp”,có người còn lấy cả xe chở chậu cảnh của nhà chùa mang về cho “đại cát, đại lợi”.Ngoài đền chùa, nhiều người còn đến các trụ sở ngân hàng, kho bạc… để hái lộc, vì nghĩ cây xanh ở các địa điểm này sẽ cho nhiều tiền tài. Thực tế cuộc sống đã chỉ ra, lộc phải do mình tự kiếm ra bằng sức lao động là chính đáng. Lộc mà lại đi lấy của chung về làm của riêng,đó là tham ô. Lộc có thật về hay không chưa biết, nhưng tham ô đã là có tội.Ngoài ra, không thể lấy những hành vi thiếu văn hóa để thực hiện một tập tục văn hóa. Vậy nếu leo trèo lên cây chặt cành tàn phá cây cối, làm tổn hại đến môi trường là hành vi thiếu văn hóa. Chính những hành động hái lộc thô lỗ đó đã làm xấu đi nét đẹp văn hóa hái lộc đầu xuân. Tất cả những tiêu cực trên chúng ta cần lên án vì nó đi ngược với thuần phong mỹ tục, băng hoại nết văn hóa lâu đời của dân tộc ta.
 
 
Hành vi thiếu văn hóa trong hái lộc xuân
 
Lâu nay một số người đã có sáng kiến dùng cây mía có cả ngọn để thay lộc. Mang một cây mía có ngọn là vừa mang được chồi lộc vừa mang vị ngọt về nhà, vừa giữ gìn được cảnh quan môi trường, cũng là gìn giữ một phong tục truyền thống tốt đẹp của dân tộc, hạn chế được một phần tệ bẻ cành, hại cây đầu xuân.Muốn có cuộc sống tốt đẹp, được hưởng lộc, phước nhiều ta cần phải gieo nhiều nhân lành, giống tốt bằng cách nói và làm nhiều điều hay, việc tốt. Hơn nữa, ông bà ta còn có quan niệm cứ sống đúng với bổn phận của mình, lộc sẽ tự nhiên đến.
Hái lộc đầu xuân là một trong những phong tục ngày Tết ở Việt Nam,nét đẹp hái lộc đầu Xuân theo các cụ xưa là hái quả phúc,gặt quả nhân, hưởng hỷ lạc… nó phải xuất phát từ tâm thành;mọi hành động, lời nói vàsuy nghĩ đều phải trong sáng. Ngày nay chúng ta còn phải nghĩ đến trách nhiệm bảo vệ cảnh quan, môi trường sống, bảo vệ phẩm giá và đạo đức của cá nhân. Có như vậy chúng ta mới tận hưởng một mùa xuân năm mới an lành và trọn vẹn.
                                                                            
Bài: Trọng Chu
BBT.