An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Tết tuổi thơ tôi!
08:09 | 13/02/2015 Print   E-mail    

Bây giờ cuộc sống đầy đủ hơn xưa, khái niệm ăn no mặc ấm không cần nữa mà phải là ăn ngon, mặc đẹp. Hương vị tết cũng phong phú hơn trước đây rất nhiều nhưng trong tôi vẫn không quên được những cái tết tuổi thơ của mình. Cái cảm giác thật vui vẻ và háo hức.
 
Thời bé, tôi mong được tới tết lắm. Tết tuổi thơ của tôi là những lần được theo mẹ đi chợ sắm Tết. Tôi háo hức ngắm nhìn chợ Tết tấp nập kẻ bán người mua. Nào bánh, mứt, kẹo, quần áo mới… với trăm ngàn màu sắc, mẫu mã hấp dẫn; nào quất cảnh, hoa đào, tranh Đông Hồ, câu đối đỏ, các loài hoa rực rỡ khoe sắc thắm; nào lá dong, gạo nếp, đỗ xanh… và rất nhiều hàng hoá không thể thiếu cho một cái Tết trong mỗi gia đình. Tết với tuổi thơ của tôi là được vui chơi, ăn ngon, ăn no, có bánh chưng xanh, được mặc quần áo mới; những ngày Tết dù có mắc lỗi cũng không bị người lớn đánh mắng.Vậy nên tôi trông chờ tết lắm, những ngày giáp tết là tôi thường không ngủ vì vui, sự háo hức, đợi chờ.
 
 
Ngày cuối cùng của năm là ngày bận rộn nhất. Mọi thành viên trong gia đình đều về đầy đủ, nhà nào cũng dọn dẹp, trang trí nhà cửa phong quang, sạch đẹp. Lũ trẻ con dậy sớm hơn thường ngày, chạy nhảy vòng quanh, háo hức xem mổ lợn.Thời đó người dân quê tôi có tục đụng lợn vào ngày giáp tết. Sướng nhất là lúc được người lớn cho cái bong bóng lợn, đứa thì bảo luộc lên để chén, đứa lại bảo không được ăn, để thổi căng lên làm bóng đá chơi. Sao mà ngày đó trẻ con chúng tôi hồn nhiên đến thế. Đêm 30 Tết, cả nhà quây quần bên bếp lửa hồng, nồi bánh chưng sôi sình sịch. Thích nhất là trẻ con trong nhà đứa nào cũng được gói riêng cho một chiếc bánh chưng nhỏ xíu, buồn ngủ díu cả mắt vẫn chờ bên bếp rồi ngủ gục trên vai bố mẹ lúc nào không hay. Bánh vừa vớt xong cũng là lúc giao thừa đến.Giao thừa được coi là phút thiêng liêng nhất trong một năm. Đêm giao thừa ngập tràn tiếng pháo, mùi hương trầm thơm ngát tan vào trời đất, xua đi cái giá rét. Không khí đêm giao thừa trang nghiêm và ấm cúng làm sao. Năm nào ba mẹ tôi cũng mua vài bánh pháo tép – thứ mà lũ trẻ như tôi thời bấy giờ thích nhất – để đốt lúc giao thừa và sáng mùng một Tết. Thích thú làm sao khi được tự tay đốt và reo lên trong chuỗi âm thanh, ánh sáng rất đặc trưng của pháo tép. Giờ đây, cuộc sống ngày càng tiến bộ, văn minh, con người đã chắt lọc những nét đẹp trong phong tục để sản xuất ra các sản phẩm vừa đáp ứng được nhu cầu văn hoá tinh thần, vừa mang tính an toàn cho con người đó là pháo hoa.
 
Sáng ngày mùng một tết, tôi được theo bố mẹ đi chúc tết.Trẻ con chúng tôi không biết tiêu tiền như nhiều đứa trẻ bây giờ, tiền mừng tuổi của cả cái Tết cũng chỉ là những trăm lẻ, không đáng bao nhiêu nhưng đứa nào cũng thích, tất cả được đút hết vào lợn đất, chờ đến Tết năm sau “mổ” lợn, được bố mẹ thêm tiền mua cho quần áo mới. Rồi biết bao kỷ niệm mà cứ mỗi dịp Tết đến, xuân về lại sống dậy trong tiềm thức của tôi. Tôi lớn lên và hoà chung vào niềm vui trước sự chuyển mình của đất trời, sự ấm áp của lòng người, nhịp điệu phong phú của cuộc sống hiện đại. Mỗi mùa xuân đến, tôi càng cảm nhận được hạnh phúc bình dị trong cuộc đời một con người là có gia đình, được sống trong đùm bọc, yêu thương, để từ đó biết nghĩ và lo toan cho người khác.
 
Thời gian vẫn hối hả trôi đi từng ngày. Cuộc sống ngày càng phát triển phong phú và đa dạng nhưng trong tiềm thức mỗi người Việt Nam, Tết thật thiêng liêng, ấm áp và gần gũi. Tết là nơi đong đầy bao tình yêu thương, sự sum họp, gắn bó của những người thân trong gia đình. Tết bây giờ có thay đổi nhiều cái do sự phát triển của xã hội nhưng trong mỗi người tết vẫn vẹn nguyên những sắc hoa, môi thắm, những niềm vui của đầu xuân năm mới…Mùa xuân đã đến gõ cửa từng nhà. Nhớ Tết xưa, nhớ những kỷ niệm đã trở thành hành trang để thêm tin tưởng vào sự trường tồn, phát triển bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc. Và tết trong ký ức tuổi thơ tôi thật đẹp, có cái gì gần gũi, thân thuộc, ấm cúng. Trẻ con bây giờ có thể vui tết theo cách khác đối với thời của tôi nhưng có lẽ đã là tuổi thơ thì ai ai cũng háo hức trông chờ tết đến, xuân sang/.
 
Bài: Lê Ngân
BBT.