An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Tình làng nghĩa xóm
06:21 | 12/02/2015 Print   E-mail    

 

Các làng quê của Việt Nam chúng ta ngày xưa tình làng nghĩa xóm rất được xem trọng và đề cao “bán anh em xa để mua láng giềng gần”, “lá lành đùm lá rách”, “thương người như thể thương thân”, “đoàn kết là sức mạnh”,… điều này rất quý báu và ý nghĩaquan trọng đối với mỗi chúng ta. Vì trong cuộc sống có những điều bất thường không may xảy ra mà chúng ta không thể biết trước như: Lũ lụt đói rét, cháy nhà, trộm cướp, tại nạn, tang tóc… nếu chỉ một gia đình thôi thì khó có thể giải quyết được. Thế nên chúng ta cần đến tình làng nghĩa xóm.
 
Làng xóm đối với người Việt Nam là nơi sinh ra, lớn lên, có quan hệ đến việc hình thành tính cách của mỗi con người. Tình làng nghĩa xóm là để chỉ sự gắn kết, đùm bọc, chia sẻ với nhau, không chỉ trong quan hệ họ hàng, dòng tộc, mà cao hơn, là sự gắn kết cộng đồng.Tình làng nghĩa xóm là truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, được kết tinh trong quá trình lao động, sinh hoạt. Cấu trúc gắn kết chặt chẽ của làng xã Việt Nam bằng các hương ước, qui ước trước kia và nay là nội dung cuộc vận động “Xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”
 
Bữa cơm tất niên của bà con tổ dân phố 45, kp5, phường 1.
 
Cùng với quá trình đô thị hóa thì những người ở thành thị, cho dù không có tình làng nghĩa xóm theo đúng nghĩa như ở nông thôn nhưng cũng có những tình cảm gắn kết trong bà con khối phố, tuy rằng không được chặt chẽ như ở làng quê, nhưng cũng là một thứ tình cảm chòm xóm láng giềng nơi mình sinh sống, lớn lên, trưởng thành và những kỷ niệm vui buồn trong cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày. Như ở các khu phố trong thành phố Vũng Tàu của chúng ta, tất cả đều đã đăng ký thực hiện cuộc vận động “Xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, thực hiện dân chủ bầu cử các chức danh trưởng, phó khu phố, xây dựng bản “Qui ước Khu phố Văn hóa”, đăng ký danh hiệu “gia đình văn hóa”…
 
Năm nào cũng vậy cứ đến dịp cuối năm các khu phố, tổ dân phố đều tổ chức tổng kết hoạt động và họp mặt liên hoan tất niên. Cho dù trong năm có xẩy ra một vài khúc mắc nhỏ với nhau do con gà, con chó chạy qua chạy lại, hay do trẻ con xích mích đánh nhau làm mất lòng người lớn v.v… nhưng qua buổi tổng kết, cùng ngồi với nhau trong bữa cơm tất niên thì mọi việc đều được giải quyết, mọi người lại vui vẻ cầu chúc cho nhau một năm mới an khang, thịnh vượng.
 
Sống ở đời chúng ta cần có một tấm lòng để thể hiện trách nhiệm của mỗi người trong việc bảo vệ và phát huy tình làng nghĩa xóm.Phải biết sống yêu thương, quan tâm lẫn nhau,mỗi người góp một tay dựng xây thôn xóm, khu phố ngày một tốt đẹp hơn. Giúp nhau thực hiện tốt các bản hương ước, qui ước để giữ vững danh hiệu “làng xã, thôn ấp, khu phố văn hóa”; hoàn thành các tiêu chí về “gia dình văn hóa” góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.  
 
Hy vọng các làng quê, khối phố của chúng ta ngày nay vẫn giữ và phát huy truyền thống tốt đẹp về tình làng nghĩa xóm như giữ gìn bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc.Để mỗi người Việt Nam chúng ta không bị đồng hóa, hòa tan bởi những tác động khách quan trong bối cảnh đất nước đang mở cửa, hội nhập sâu rộng với thế giới, thực hiện nền kinh tế thị trường v.v….
 
Tự hào trong văn hóa Việt Nam có phạm trù về “Tình làng nghĩa xóm” để cho người dân được ấm lòng, tin tưởng mỗi khi gặp hoạn nạn, tai ương người ta thường kêu lên bằng một lời tha thiết: “ới! Làng Nước ơi”!
 
Bài, ảnh: Trọng Chu
BBT.