Liên Kết Website Liên Kết Website
An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
“Hiến máu tình nguyện” – Một nghĩa cử cao đẹp của mỗi chúng ta
08:51 | 14/06/2018 Print   E-mail    

Như chúng ta đã biết ngày 14 tháng 6 là “Ngày Thế giới tôn vinh người hiến máu tình nguyện”, vậy mỗi chúng ta cần thấy được ý nghĩa quan trọng của ngày đó và nhận thức được việc chúng ta tình nguyện đi hiến máu là một nghĩa cử cao đẹp và là một truyền thống của người Việt Nam. Việc tình nguyện hiến máu cứu người giờ đây không phải là một hành dộng xa lạ đối với mỗi người chúng ta. Bởi hàng năm, các tổ chức nhân đạo đều triển khai chiến dịch “Hiến máu tình nguyện”, kêu gọi mọi người dân tham gia hiến máu. Hiến máu tình nguyện đã trở thành nét đẹp truyền thống quý giá của dân tộc, thể hiện tinh thần nhân đạo cao cả, tình yêu thương con người, lòng nhân ái bao dung, biết sẻ chia trong cuộc sống.

Ông Bùi Văn Quang kp5 phường 8 (đã hiến máu 30 lần)

Máu là món quà vô giá giúp con người duy trì sự sống, máu được xem là một phần không thể thiếu trong cơ thể con người. Máu có chức năng cung cấp các chất nuôi dưỡng và cấu tạo các tổ chức cũng như loại bỏ các chất thải trong quá trình chuyển hóa của cơ thể. Ngày nay khoa học tuy đã có sự phát triển nhưng vẫn chưa có một loại thuốc hay một loại dịch thể nào có thể thay thế được máu. Bởi vậy, muốn cứu sống được người bệnh có nguy cơ mất máu cao cũng như trong điều trị các bệnh hiểm nghèo cần truyền máu, không có cách nào khác là cần được hiến tặng, chia sẻ những giọt máu hồng của người khác để góp phần vào việc duy trì sự sống cho người cần máu. Bởi vậy hằng năm hội Chữ Thập Đỏ Việt và nhiều tổ chức nhân đạo ở các địa phương đã đứng ra kêu gọi mỗi cá nhân, tập thể trong xã hội cùng đồng cảm và chia sẻ đối với những người bị bệnh hiểm nghèo, những người đang cần máu một sự chia sẻ và đồng cảm bằng hành động hiến tặng những giọt máu hồng của mình để cứu nhiều người trước nguy cơ đang cần đến máu để duy trì sự sống.

Với thông điệp: “ Giọt máu cho đi - Cuộc đời ở lại” đã bao trùm ý nghĩa  và mục đích lớn lao trong các chiến dịch hiến máu nhân đạo. Hiến máu nhân đạo không chỉ mang lại sự sống của con người mà còn là một hành động cao cả, một nghĩa cử cao đẹp thể hiện sự hiểu biết, lòng nhân ái và trách nhiệm của mỗi cá nhân với cộng đồng. Thể hiện sâu sắc truyền thống tương thân tương ái cao cả của dân tộc Việt Nam: “Thương người như thể thương thân”, “Lá lành đùm lá rách”. Bởi vậy người bệnh được truyền máu không những được tiếp nhận vào cơ thể mình một loại thuốc quý mà còn được đón nhận cả một tình thương bao la của đồng loại.

Chúng ta cần thấy rằng, hiến máu không có hại cho sức khỏe nếu được thực hiện đúng quy trình. Khoa học đã chứng minh việc hiến máu theo hướng dẫn của bác sỹ có lợi cho sức khỏe, nếu một người mất đi 10–15% lượng máu thì không ảnh hưởng gì đến lượng máu tuần hoàn trong cơ thể vì ngay lúc đó máu dự trữ sẽ được đưa ra lưu thông trong tuần hoàn máu. Một số tài liệu về y học cho thấy khi tham gia hiến máu, máu trong người chúng ta được đổi mới hằng ngày, sản sinh lượng máu mới, các cơ quan sinh máu sẽ được kích thích và quá trình sinh tạo máu sẽ hoạt động với tốc độ gấp 8-10 lần so với bình thường. Hoạt động này nhằm nhanh chóng lấy lại sự cân bằng của cơ thể. Sau khi hiến máu khoảng 3- 4 tuần, các thành phần trong máu phục hồi lại gần như bình thường, khi đó các thành phần trong máu được trẻ hoá, nâng cao sức đề kháng chống bệnh tật. Hiến máu nhiều lần giảm nguy cơ ứ đọng sắt và giảm nguy cơ bệnh tim mạch, rất có lợi đối với người có quá nhiều hồng cầu, sắt và lượng máu đặc.

Hiến máu là cách tự kiểm tra và giám sát sức khoẻ của mình. Người tham gia hiến máu được khám và tư vấn sức khoẻ miễn phí để đảm bảo bạn đủ cân nặng, huyết áp bình thường, không bị mắc các bệnh về tim mạch, được kiểm tra và thông báo kết quả các xét nghiệm máu. Ngoài ra, người hiến máu được bồi dưỡng và chăm sóc theo các quy định hiện hành, đặc biệt được cấp “Giấy Chứng nhận hiến máu tình nguyện” của Ban Chỉ đạo hiến máu nhân đạo. Ngoài giá trị về mặt tôn vinh, Giấy Chứng nhận hiến máu có giá trị được bồi hoàn lại tối đa bằng lượng máu người hiến máu đã hiến trong trường hợp người hiến máu không may cần phải truyền máu. Giấy Chứng nhận này có giá trị suốt đời đối với người hiến máu.

Cuộc sống của con người dù ở bất kỳ giai đoạn nào cũng phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên và xã hội. Những rủi ro, bất hạnh, khó khăn ngoài ý muốn làm cho nhiều người kể cả bản thân chúng ta có lúc rơi vào tình cảnh nguy cấp, để có thể giữ được sự sống ta rất cần được sự trợ giúp của xã hội. Vậy việc hiến máu ngoài ý nghĩa nhân đạo nó còn mang ý nghĩa nhân văn cao cả, bởi vậy mỗi chúng ta nên sẵn sàng và vận động mọi người xung quanh hăng hái đăng ký tham gia hiến máu tình nguyện, tích cực hưởng ứng “Ngày Thế giới tôn vinh người hiến máu tình nguyện”  - 14 tháng 6 hàng năm./.

Bài, ảnh: Thu Trang, BBT

Thông Tin Thời Tiết Thông Tin Thời Tiết

Ảnh đẹp Vũng Tàu Ảnh đẹp Vũng Tàu