Liên Kết Website Liên Kết Website
Thông tin kinh tế. Thông tin kinh tế.
Phát triển bền vững ngành khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản thời hội nhập
08:32 | 26/06/2016 Print   E-mail    

Ngày 24/6, tại Thành phố Vũng Tàu, Phòng công nghiệp thương mại ( VCCI) - CN Vũng Tàu tổ chức hội thảo chuyên đề "Phát triển bền vững ngành khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản thời hội nhập". Đến dự buổi hội thảo có ông Phạm Ngọc Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ khai thác Tổng cục thủy sản; ông Lê Văn Kháng - Ủy viên thường vụ Ban Chấp hành Trung ương Hội nghề cá Việt Nam; ông Lê Quốc Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh;  cùng đại diện lãnh đạo Sở Nông Nghiệp Phát Triển Nông Thôn và các doanh nghiệp chế biến thủy hải sản trên địa bàn tỉnh.

Chia sẻ thông tin tại buổi hội thảo, bà Nguyễn Kim Thanh - Giám đốc Công ty Kim Delta- đơn vị chuyên đào tạo và tư vấn cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản và thủy sản cho biết, đối thoại Brussels 2016 tổ chức tại Bỉ ngày 27/4/2016 là cơ hội để các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam tiếp xúc với các công nghệ nghệ chế biến thủy sản hiện đại, các loại máy móc thiết bị mới nhất trên thị trường của các nhà sản xuất uy tín trên thế giới. Vừa qua, Việt Nam đã tham gia vào TPP, đây là cơ hội và cũng là thách thức cho ngành thủy sản nói chung và lĩnh vực chế biến thủy hải sản nói riêng.

“Trong định hướng của Chính Phủ trong thời gian tới cũng có xem xét việc đẩy mạnh xuất khẩu bột cá. Do đó,  đây sẽ là cơ hội rất lớn cho các DN trong nước và cũng như DN của tỉnh BRVT.  Nhưng bên cạnh cơ hội đó cũng có những thách thức,  đó là thách thức liên quan đến sự bền vững của chuỗi  khai thác thủy sản.  Thách thức này chủ yếu đến từ phía của ngư dân trong các vấn đề liên quan đến các loài hải sản khai thác và đánh bắt, ngư trường khai thác và đánh bắt, trữ lượng khai thác và đánh bắt.  Nếu chỉ có riêng cộng đồng ngư dân thì họ sẽ không giải quyết được mà cần phải có sự hỗ trợ của toàn chuỗi, tức là từ các nhà máy chế biến thủy sản, đặc biệt là vai trò của nhà nước trong việc đưa ra các chính sách quản lý nghề cá. Nếu như kết hợp được các bên này lại với nhau thì khi đó mới đạt được sự bền vững của nghề cá”. Bà Nguyễn Kim Thanh chia sẻ.

Phát biểu tại buổi hội thảo, ông Phạm Ngọc Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ khai thác -Tổng cục thủy sản cho biết, thách thức hiện nay trong việc phát triển kinh tế thủy sản là môi trường hoạt động của tàu thuyền rộng, tàu thuyền lại thường xuyên di chuyển không theo một vị trí nhất định; Nghề khai thác thủy sản Việt Nam vẫn còn mang nặng tính chất của nghề cá quy mô nhỏ, cường lực khai thác tại vùng ven bờ tăng nhanh. Trật tự an ninh và an toàn trên biển còn nhiều bất cập, nhiều tàu khai thác hải sản bị bắt giữ và xử phạt. Hệ thống chính sách và thiết chế tổ chức để triển khai phát triển khai thác thủy sản bền vững còn thiếu và yếu. Cơ chế chính sách hiện hành chưa phát huy được hiệu lực. Rủi ro thiên tai hàng năm vẫn thường xuyên xảy ra gây nhiều thiệt hại về người và tài sản cho người dân. Việc ứng dụng các khoa học công nghệ trong quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản vào thực tiễn còn hạn chế.

Ông Phạm Ngọc Tuấn- Phó vụ trưởng Vụ khai thác Tổng cục thủy sản đang chia sẻ tại buổi Hội thảo

Theo ông Phạm Ngọc Tuấn, “Để phát triển khai thác thủy sản bền vững, cần tiếp tục chuyển đổi cơ cấu kinh tế thủy sản để đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế thủy sản gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên cơ sở tăng cường đổi mới cơ chế chính sách và đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ sau thu hoạch, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin và tự động hóa. Chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp trong lĩnh vực khai thác thủy sản phải hướng vào việc khai thác hiệu quả tiềm năng nguồn lợi và phù hợp với khả năng tái tạo lại nguồn lợi thủy sản và hệ sinh thái. Chú trọng đến lợi thế là sản phẩm được khai thác ngoài tự nhiên, tạo ra các thương hiệu hóa hàng hóa lớn có sức cạnh tranh cao và đáp ứng yêu cầu thị trường. Phát triển khai thác thủy sản gắn với cải thiện đời sống cộng đồng lao động nghề cá và xóa đói giảm nghèo cho các cộng đồng người dân nông thôn, đặc biệt ở ven biển và vùng sâu, vùng xa, các bãi ngang và các vùng hải đảo. Nâng cao nhận thức cho cộng đồng nghề cá về phát triển bền vững về quy tắc ứng xử nghề cá, có trách nhiệm về môi trường và dịch bệnh trong phát triển thủy sản. Xây dựng và triển khai kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực toàn ngành toàn diện và lâu dài để nâng cao trình độ quản lý và khả năng tiếp thu kiến thức cũng như công nghệ mới trong các lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Tiến hành chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp trong khai thác thủy sản theo hướng giảm dần các nghệ tiêu tốn nhiều nhiên liệu các nghề khai thác hủy diệt không thân thiện với môi trường xanh các nghề tiến bộ hơn. Áp dụng các công cụ giám sát kiểm tra môi trường trong các hoạt động khai thác thủy sản.”

Tại buổi hội thảo, các đại biểu cũng đã được nghe những chia sẻ  kinh nghiệm cải thiện nghề cá ở Thái Lan của ông Duncan Leadbitter- Giám đốc Fish Matter( Úc) kiêm Ban quả trị của Tổ chức Bốt cá và Dầu cá quốc tế.  Các doanh nghiệp chế biến thủy hải sản trên địa bàn tỉnh cũng chia sẻ những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị đối với các cấp, các ngành liên quan.

Ông Nguyễn Thành Lộc- Chủ doanh nghiệp chế biến hải sản Long Sơn và Phúc Lộc đề nghị: “ Khi các doanh nghiệp Việt Nam hội nhập kinh tế thế giới với các thách thức của vào cản kỹ thuật,  an toàn thực phẩm,  truy xuất nguồn gốc của các tổ chức quốc tế cũng như các quy định bắt buộc của các hiệp định mà Việt Nam đã ký kết.  Chính vì vậy doanh nghiệp rất cần những cơ chế, chính sách tài chính cũng như các thủ tục hành chính. Ngành nông nghiệp cũng như Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam và chính quyền các địa phương cần tăng cường các biện pháp tuyên truyền,  hỗ trợ cho bà con ngư dân cũng như các doanh nghiệp chế biến thủy hải sản cập nhật các hướng dẫn mới và thực hiện đầy đủ các quy định của rào cản kỹ thuật thương mại tại các quốc gia để việc xuất khẩu đạt yêu cầu theo quy định chung, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản mở rộng thị phần, mang lại kim ngạch xuất khẩu cho đất nước.”

Phát biểu tại buổi Hội thảo, ông Lê Tuấn Quốc- Phó Chủ tịch UBND Tỉnh cho biết, trong thời gian qua các chính sách hỗ trợ khai thác thủy sản xa bờ như Nghị định 67 của Chính phủ, Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ đã động viên nhân dân yên tâm bám biển tăng cường đánh bắt hải sản xa bờ, mạnh dạn sử dụng công nghệ tiên tiến trong khai thác, bảo quản nguyên liệu sau thu hoạch, góp phần làm gia tăng sản lượng và chất lượng sản phẩm trên tàu khai thác. Hiện nay, tổng số tàu cá toàn tỉnh là 6.246 chiếc với tổng công suất 1.148.807 CV, sản lượng khai thác bình quân hàng năm khoảng 250.340 tấn/năm, đứng thứ 2 cả nước sau Kiên Giang. Diện tích thực tế nuôi trồng thủy sản của tỉnh là 7.116ha, số 169 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh chế biến thủy sản. Giá trị xuất khẩu hàng năm bình quân đạt khoảng 300 triệu USD. Việc cập nhật các thách thức của chuỗi khai thác thủy sản phù hợp với các yêu cầu bền vững của thị trường xuất khẩu;  một số kinh nghiệm, cải thiện nghề cá ở Thái Lan, ý kiến của đại diện Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn,  cũng như các ý kiến trao đổi thảo luận tại hội thảo rất thiết thực, ý nghĩa đối với các đại biểu tham dự.  Đây sẽ là những kiến thức hữu ích đối với việc phát triển bền vững ngành khai thác nuôi trồng và chế biến thủy hải sản thời hội nhập của tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu .

“Để hội nhập đúng tiến độ, và đạt hiệu quả cao hơn nữa,  Tôi đề nghị các cấp,  các ngành,  doanh nghiệp thủy hải sản,  và bà con ngư dân Tiếp tục tận dụng mọi cơ hội thuận lợi,  vượt qua những khó khăn thách thức,  để đạt hiệu quả cao nhất trong ngành khai thác,  nuôi trồng và chế biến thủy hải sản,  xứng đáng là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh”, ông Lê Tuấn Quốc nhấn mạnh. Phó Chủ tịch UBND Tỉnh cho biết, những năm tới BRVT sẽ tập trung vào những nhiệm vụ chủ yếu như: Đẩy mạnh khai thác xa bờ,  giảm dần khai thác gần bờ,  chú trọng khai thác các loại hải sản giá trị kinh tế cao,  thực hiện tốt bảo quản hải sản sau đánh bắt nâng cao giá trị sản phẩm;  tăng cường bảo vệ nguồn lợi hải sản,  nghiêm cấm các biện pháp khai thác có tính chất hủy diệt. Khuyến khích các tổ chức,  cá nhân đầu tư phát triển,  nuôi trồng thủy sản trên biển đảo,  tiếp tục chuyển dịch cơ cấu vật nuôi,  và đa dạng hóa loại hình nuôi,  đối tượng nuôi trên cả ba vùng nước biển, nước lợ và nước ngọt;  đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật,  phục vụ cho phát triển nuôi trồng để hình thành các vùng nuôi công nghiệp tập trung,  đảm bảo yêu cầu kỹ thuật,  hạn chế rủi ro do tác động của môi trường; Hình thành 3 khu chế biến hải sản tập trung của tỉnh để di dời các nhà máy nằm trong khu dân cư và trong đô thị vào khu chế biến;  tăng cường nhập khẩu nguyên liệu đa dạng;  quản lý chặt chẽ môi trường tại các cơ sở chế biến thủy sản;  theo dõi kiểm tra,  xử lý nghiêm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường... Khuyến khích tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ hậu cần nghề cá;  đầu tư nâng cấp mở rộng quy mô một số cảng cá;  tập trung đầu tư hoàn thành để đưa vào sử dụng các khu neo đậu Tránh trú bão;  Tăng cường quản lý các cơ sở sản xuất,  các đại lý dịch vụ thức ăn,  thuốc,  hóa chất,  phục vụ nuôi trồng thủy sản..../ 

Bài, ảnh: Minh Anh, BBT

Thông Tin Thời Tiết Thông Tin Thời Tiết

Ảnh đẹp Vũng Tàu Ảnh đẹp Vũng Tàu