Liên Kết Website Liên Kết Website
Thông tin kinh tế. Thông tin kinh tế.
Vũng Tàu đắt khách dịch vụ chăm sóc mai sau Tết
06:36 | 20/02/2016 Print   E-mail    

 

Sau Tết, do bận rộn với công việc nên hầu hết những người chơi mai  không có nhiều thời gian để chăm sóc, tìm hiểu kỹ thuật chăm sóc mai nên họ thường đem đến các nhà vườn để gửi. Dịch vụ chăm sóc mai bắt đầu từ mùng 10 Tết nguyên đán hằng năm nhưng năm nay thời tiết thay đổi, trời nắng, mai nở sớm nên dịch vụ chăm sóc mai sau Tết đã nhộn nhịp từ mùng 6 Tết.

 

Giá dịch vụ chăm sóc mai thường được các nhà vườn áp dụng theo cách, tính giá trị gốc mai từ 1 triệu đồng trở xuống thì giá chăm sóc mỗi năm bằng 50% giá trị của gốc mai. Cây mai trị giá từ 1-2 triệu đồng thì giá chăm sóc tính bằng 30% giá trị gốc mai. Giá giao động từ 20-25% đối với những cây mai trị giá 2 triệu đồng trở lên. Trong những trường hợp nếu mai chết hoặc bị mất thì nhà vườn phải đền. Cuối năm, mai không ra hoa, nhà vườn phải thế cây mai khác (trừ những trường hợp thiên tai quá lớn)… Trong căn lều dựng tạm ở vườn mai rộng 2ha, ông Phan Bá Thế, chủ vườn mai Bá Thế (967 đường 30-4, TP. Vũng Tàu), một trong những  địa chỉ cung ứng và chăm sóc mai lớn nhất Vũng Tàu cho biết, năm nay thời tiết thay đổi nên khoảng mùng 2 Tết mai mới bắt đầu nở. Vì vậy, khách hàng cũng đem mai đến nhà vườn gửi muộn hơn so với mọi năm. Trong khu vườn rộng gần 2ha, ông Phan Bá Thế, nhẩm tính đến thời điểm này, vườn của ông đã có khoảng 1.400 chậu mai, trong đó có những chậu mai được nhà vườn nhận chăm sóc hàng chục năm nay. Trong khi đó, phía trước vườn, những chuyến xe tải vẫn tấp nập chở mai từ nhiều nơi đổ về vườn; công nhân của vườn mai Bá Thế thay nhau chuyền lên chiếc xe đẩy vào khu chăm sóc.

Mai sau khi chưng Tết thường được nhà vườn chăm sóc đặc biệt nên khi đưa về vườn, mai được tưới một loại hợp chất cho ra rễ và diệt tất cả nấm bệnh ở gốc mai. Sau đó, nhà vườn sẽ dùng lưới che để cây mai thích nghi dần với khí hậu bên ngoài. Khi lá ra to, dày nghĩa là cây mai đã trở về trạng thái ổn định thì nhà vườn mới bắt đầu thay đất. Lúc đó cây mai được rút gốc ra khỏi chậu và rửa bằng nước sạch để lớp đất cũ không bám vào, đồng thời những rễ quá dài cũng được cắt bỏ để mai tạo được rễ mới. Theo kinh nghiệm của ông Phan Bá Thế thì đất dùng để bón cho mai phải là một loại đất đặc chủng, được ông áp dụng với công thức khoa học gồm 3 bao xơ dừa trộn với 7 bao trấu sống, 1 bao đất và 1 bao phân bò khô.

Chở mai về vườn mai Bá Thế để chăm sóc

Dịch vụ chăm sóc mai sau Tết đã thật sự nhộn nhịp không chỉ riêng gì ở vườn mai Bá Thế mà nhiều vựa mai, cây kiểng trên đường Nguyễn An Ninh,  Lê Hồng Phong, Lê Lợi… cũng rất đông khách hàng đến gửi mai nhờ chăm sóc. Anh Chúc, chủ vườn trưng bày và chăm sóc mai Nhật Tân, cho biết vườn mai của anh hiện có khoảng 700 gốc mai được anh nhận về chăm sóc trong đó có 3 loại mai chính là mai rừng, mai uốn miền Trung và mai ghép. Theo anh Chúc, loại mai ghép miền Trung có cách chăm sóc đặc biệt hơn nên khi mang về anh phải cho thay đất liền vì đất miền Trung thường lạnh hơn. Đồng thời phải cắt cành sâu để tạo dáng và gò cành vào những chỗ trống, cắt bớt những cành vươn ra để tạo sự cân đối.

Sau hàng chục ngày chưng Tết, cây mai đã trổ hết hoa, ra lá nhiều và kết trái nên cây thường rất yếu vì đã trải qua thời kỳ “sinh nở”, lại thiếu ánh sáng, thiếu nước tưới. Ngoài ra cây mai để trong nhà còn chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố tác hại khác như: khói nhang, nước rượu bia thừa đổ… Chăm sóc mai sau Tết không khó nhưng đó là một việc làm rất công phu và đòi hỏi tính khoa học thì mới có một chậu mai đẹp chưng trong mùa Tết năm tới. Ngoài các công đoạn chăm sóc ở trên, cây mai khi đưa về vườn còn phải được cắt cành, tỉa lá. Trên mỗi vết cắt thường được nhà vườn dùng keo bôi lên để nước không thấm vào làm mục cây. Bên cạnh đó chế độ tưới nước cũng rất kỹ. Gần như ngày nào cũng phải tưới nước cho mai, nhưng tưới khi nào thấy trên mặt chậu mai đất se lại thì mới tưới tiếp đợt nước khác. Khoảng 21 ngày sau khi chăm sóc thì cây mai mới bắt đầu nảy mầm, xanh lá. Nhưng nhà vườn vẫn phải thường xuyên chăm sóc, phun thuốc trừ sâu và thuốc chống nấm định kỳ mỗi tháng 4 lần. Và ngoài những công việc thông thường như thay đất, bón phân, tỉa cành, uốn thế, phun thuốc... nhà vườn còn phải có kinh nghiệm trong việc nhận định thời tiết từng tháng, từng mùa. Và cứ thế, tháng 10 trở đi, nhà vườn lại bắt đầu xem xét từng cây mai để có chế độ chăm sóc riêng. Với những cây lá vàng thì phải tăng lượng đạm để lá xanh hơn; những cây nụ nhỏ thì phải tăng lượng phân… Đến 23 tháng Chạp, khi mai bung vỏ trấu, nhà vườn lại có chế độ chăm sóc và căn tính sao cho khoảng 30 Tết là mai cho ra đều nụ phục vụ cho các gia chủ, các cơ quan, đơn vị trưng bày đón Tết./.

Bài và ảnh: NHƯ MÂY, BBT

 

Thông Tin Thời Tiết Thông Tin Thời Tiết

Ảnh đẹp Vũng Tàu Ảnh đẹp Vũng Tàu