Liên Kết Website Liên Kết Website
Thông tin kinh tế. Thông tin kinh tế.
Long Sơn từng bước đổi mới và làm giàu từ nghề nuôi trồng thủy hải sản.
01:53 | 17/08/2015 Print   E-mail    

 

Do nằm ở vị trí thuận lợi với diện tích mặt nước lớn, là nơi tiếp giáp của nhiều con sông đổ ra phía biển như sông Chà Và, sông Dinh, sông Cỏ May... nên tiềm năng dành cho nghề nuôi trồng hải sản, đặc biệt là hàu và cá lồng bè ở xã Long Sơn là rất lớn. Tuy nhiên, nghề này mới thực sự nở rộ và phát triển mạnh trong khoảng 10 năm trở lại đây, nhất là sau khi Tỉnh cho phép 20 doanh nghiệp Đài Loan vào đầu tư, khai thác, nuôi trồng thủy sản tại địa phương. Lúc đầu, bà con ngư dân địa phương chủ yếu làm công thuê cho các ông chủ nước ngoài. Sau thời gian làm thuê, nhiều người học được kỹ thuật, cách chăm sóc và kinh nghiệm nuôi thủy sản lồng bè. Năm 2006, sau cơn bão số 9 hàng trăm bè cá trên sông Chà Và, sông Rạng bị sập, các doanh nghiệp Đài Loan bị tổn thất nặng nề nên bỏ nuôi gần hết. Cũng từ đây, người dân Long Sơn bắt đầu tiếp quản mô hình nuôi cá lồng bè và làm chủ trên dòng sông của mình.
 
Các lồng bè nuôi cá trên sông Chà Và
 
Khu nuôi trồng thủy sản lồng bè trên sông Chà Và của địa phương có tổng diện tích mặt nước quy hoạch Khu nuôi thủy sản lồng bè là 511.610 m2, bao gồm 5.037 lồng nuôi. Trong đó, 07 vùng nuôi cá biển lồng bè, 09 vùng nuôi các đối tượng nhuyễn thể. Hiện tại, khu quy hoạch có 118 cơ sở nuôi với tổng số hơn 3.500 lồng bè. Nghề nuôi cá lồng bè trên sông Chà Và và cụ thể là tại xã Long Sơn đã được tỉnh BR-VT đưa vào quy hoạch và phát triển từ năm 2007, hướng tới xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản bền vững nhằm đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, xây dựng vùng nguyên liệu chế biến xuất khẩu, góp phần nâng cao đời sống người dân và phát triển kinh tế địa phương. Hàng năm, bình quân tổng sản lượng khai thác từ nuôi trồng và đánh bắt hải sản của xã Long Sơn đạt khoảng 4 ngàn tấn, doanh thu hơn 104 tỷ đồng. Nghề nuôi cá lồng bè nhanh chóng giúp hàng trăm hộ dân trên địa bàn xã thoát nghèo, từng bước khấm khá.
 
Ông Bùi Đức Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Long Sơn phấn khởi cho biết: Riêng ở Long Sơn, hiện nay chúng tôi có một thuận lợi đó là UBND tỉnh BR-VT đã quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản trên khu vực sông Chà Và, địa bàn xã Long Sơn. Tại khu vực này rất thuận lợi cho bà con ngư dân tập trung nuôi trồng thủy sản. Nghề nuôi trồng thủy sản vẫn là nghề kinh tế quan trọng chủ yếu của địa phương để phát triển kinh tế, giải quyết công ăn việc làm, ổn định cuộc sống của người dân.
 
Mặc dù trải qua không ít khó khăn do ảnh hưởng môi trường nước, nhưng nghề nuôi trồng thủy hải sản ở Long Sơn vẫn có bước phát triển đáng kể, diện tích không ngừng được mở rộng hàng năm. Đặc biệt, nơi đây được coi là “thủ phủ của hàu” miền Nam. Chính việc nuôi hoàn toàn tự nhiên mà hàu Long Sơn trở thành một đặc sản được nhiều người ưa chuộng. Dù được nuôi quanh năm những hiện nay hàu vẫn không cung cấp đủ yêu cầu của khách hàng. Theo thống kê, có năm sản lượng hàu ở Long Sơn đạt 2.000 tấn, tạo nguồn thu lớn cho người dân địa phương. Người dân Long Sơn nuôi hàu bằng 3 phương pháp nhưng chủ yếu bằng cách đóng giàn bè bằng thùng nhựa liên kết bằng dây thép và thả nổi xuống mặt nước cộng với những vật liệu như xăm, lốp cao su... thả bên dưới bởi chi phí của nó ít mà số lượng hàu thương phẩm thu được cao hơn. Từ khi phát triển mạnh mô hình nuôi hàu, tôm, cá trên sông Chà Và, sông Rạng nghề nuôi trồng thủy sản ở cửa biển đã trở thành nghề chính của nhiều hộ dân ở Long Sơn. Nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo và làm giàu từ chính dòng sông quê hương này, thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Vùng đất Long Sơn cũng bắt đầu thay da đổi thịt.
 
Ông Lê Minh Thông, Chủ tịch Hội nông dân xã Long Sơn cho biết: Kinh tế chủ yếu của địa phương là nuôi trồng thủy hải sản. Vì hiện nay đất đai tại Long Sơn không phát triển về nông nghiệp được. Khoảng 10 năm trở lại đây, nghề nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh, nhất là nghề nuôi hàu. Hiện nay, khoảng 2/3 người dân tại xã Long Sơn sống bằng nghề nuôi trồng thủy sản, khoảng trên dưới 2.000 hộ. Hiện nay, chủ yếu là nuôi hàu và làm đùng.
 
Không những trở thành nơi cung cấp hàu và các loài thủy, hải sản với số lượng lớn của tỉnh, Long Sơn còn nổi tiếng bởi mô hình nhà hàng lồng bè nổi trên sông, mỗi ngày đón hàng trăm du khách từ các nơi về tham quan, ngắm cảnh, câu cá và thưởng thức hải sản. Hiện nay, có gần chục nhà hàng bè nổi nằm dọc theo con sông Chà Và và sông Rạng, mô hình du lịch này đang mang lại những tín hiệu đáng mừng cho địa phương. Với lợi thế về mặt nước và truyền thống nuôi cá cùng với những định hướng, cơ chế, chính sách phù hợp, tin tưởng rằng nghề nuôi trồng thủy sản sẽ phát huy lợi thế là ngành kinh tế mũi nhọn của xã đảo Long Sơn.

Bài, ảnh: Ngọc Linh, BBT

Thông Tin Thời Tiết Thông Tin Thời Tiết

Ảnh đẹp Vũng Tàu Ảnh đẹp Vũng Tàu