Liên Kết Website Liên Kết Website
Thông tin kinh tế. Thông tin kinh tế.
Trồng nấm Linh Chi đỏ dưới chân núi Lớn
07:18 | 23/07/2015 Print   E-mail    

 
 
Đó là chị Đinh Thị Thu Hồ, người đầu tiên ở Vũng Tàu đưa giống nấm Linh Chi đỏ về trồng thử nghiệm và đã thành công dưới chân núi Lớn (TP. Vũng Tàu). Hiện nấm của chị trồng đã được bán ra thị trường BR-VT với giá mềm, chất lượng cao.
 
Chị Đinh Thị Thu Hồ thu hoạch nấm Linh Chi đỏ 
 
Tốt nghiệp chuyên ngành y nha khoa nhưng chị Đinh Thị Thu Hồ (544, Trần phú, phường 5, TP. Vũng Tàu) lại đam mê nghiên cứu về ngành dược. Sau khi biết người cháu của mình có ý tưởng trồng nấm Linh Chi đỏ, chị Hồ rất tán thành. Hai cô cháu lên kế hoạch đưa giống Linh Chi đỏ có nguồn gốc từ Đà Lạt về trồng tại mảnh vuờn dưới chân núi Lớn. Trước khi đưa giống nấm này về trồng tại Vũng Tàu, chị Hồ đã mua sách về nghiên cứu, tìm hiểu qua mạng internet, đi thực tế tại nhiều trại nấm trong nước như: Đà Lạt, TP. Hồ Chí Minh… để tìm hiểu về quy trình chăm sóc cũng như học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước. Theo chị Hồ, nấm linh chi đỏ là giống thuần tại Đà Lạt. Loại nấm này ít dịch bệnh, không đòi hỏi kỹ thuật nuôi trồng quá phức tạp, phù hợp với khí hậu quanh năm mát mẻ và độ ẩm cao.Trước khi nhập phôi nấm về, khu vực trồng phải được khử trùng bằng vôi thật kỹ trong vòng 5-7 ngày để đảm bảo các mầm bệnh tại đây đã bị tiêu diệt.
 
Sau khi nắm rõ được quy trình trồng nấm, tháng 5-2014, chị Hồ đầu tư gần 40 triệu đồng làm một căn nhà lá rộng chừng 25m2, thiết kế giàn treo, hệ thống tưới nước tự động, mua 2.000 bịch phôi giống nấm linh chi đỏ (giá 5.000 - 6.000 đồng/bịch) của một công ty ở TP. Hồ Chí Minh về trồng. Các bịch phôi nấm được treo thành từng hàng, xếp chồng lên nhau. Để đảm bảo cho phôi sinh trưởng, phát triển tốt, độ ẩm trong nhà trồng nấm luôn được giữ ở mức trung bình từ 20-28°C , không để ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp lên phôi. Đồng thời, tùy vào thời tiết từng mùa mà phun đủ lượng nước cho nấm. Nếu thiếu nước, nấm sẽ bị khô kéo, nhưng nếu tưới quá nhiều nước, nấm sẽ bị úng. Theo chị Hồ, trung bình mỗi ngày tưới nước cho phôi 2 lần vào buổi sáng và buổi chiều. Những ngày nắng nóng, lượng nước và số lần tưới có thể tăng lên 3 lần, tùy thuộc vào kinh nghiệm của người chăm sóc.Sau hai tháng rưỡi đến 3 tháng, tai nấm đen hết vành là lúc nấm trưởng thành và cho thu hoạch được. Những tai nấm đạt yêu cầu phải giữ được lớp bụi phấn trên bề mặt (được gọi là bào tử), bởi đây là phần quý giá nhất của cây nấm. Mẻ nấm đầu tiên, từ 2.500 bịch phôi ban đầu, chị Hồ thu được gần 2.500 tai nấm Linh Chi đỏ. Tai nấm sau khi hái được đem phơi nắng từ 4-5 ngày cho thật khô. Sau đó, nấm được sấy bằng điện và cho vào túi hút chân không để bảo quản được lâu hơn. Đến nay, từ 2.500 bịch phôi ban đầu, chị Hồ thu được 4 lứa tai nấm. Tai nấm được đóng vào các túi 500g, bán với giá 400.000 đồng.“Hiện nấm Linh Chi đỏ chúng tôi trồng mới chỉ đủ bán cho người dân ở BR-VT thông qua người quen, bạn bè và qua trang mạng xã Facebook Cô Hồ Vũng Tàu. Tôi đang tiếp tục học hỏi kinh nghiệm để mở rộng diện tích nhà nấm lên gấp đôi để trồng, cung ứng nấm Linh Chi cho khách hàng ở nhiều địa phương lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh…”, chị Hồ nói.
 
Được biết, nấm Linh Chi đỏ là dược liệu quý hiếm từ xa xưa, có giá trị rất cao trong việc phòng và chống một số bệnh, đặc biệt là các bệnh ung thư, tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể, hệ hô hấp, hệ tim mạch, hệ tiêu hóa, hệ bài tiết, giúp kéo dài tuổi thọ... Chị Nguyễn Thị Xuân Hồng, một người khách thường xuyên mua nấm Linh Chi đỏ cho biết: “Khu vườn nhà của cô ấy rất đẹp, thật sự thu hút tôi, thu hút tâm hồn thi sĩ phải đến mỗi ngày và cũng chính nhờ vậy tôi được uống ké nước nấm Linh Chi đỏ. Vậy mà uống một thời gian thì tôi thấy khoẻ, không húng hắng ho như trước, huyết áp ổn định”.
 
Bài, ảnh: YẾN NHI
BBT.

Thông Tin Thời Tiết Thông Tin Thời Tiết

Ảnh đẹp Vũng Tàu Ảnh đẹp Vũng Tàu