Liên Kết Website Liên Kết Website
Thông tin kinh tế. Thông tin kinh tế.
Nghề cá, nghề truyền thống lâu đời của người dân Vũng Tàu
11:11 | 31/03/2015 Print   E-mail    

CHÀO MỪNG NGÀY HỘI NGHỀ CÁ 1/4/2014:
Nghề cá, nghề truyền thống lâu đời của người dân Vũng Tàu
--------------
 
Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiều cửa sông, cảng biển, là đầu mối giao thông đường thủy quan trọng của khu vực miền Đông Nam bộ. Cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII, trong quá trìmh khai phá vùng đất phương Nam, đã có nhiều luồng dân cư qua lại và chọn Bà Rịa -Vũng Tàu làm nơi định cư lâu dài. Từ đó, Bà Rịa – Vũng Tàu đã hình thành những làng cá có lịch sử lâu đời như Vũng Tàu, Long Điền, Đất Đỏ... Cũng từ đó, nghề cá đã trở thành nghề truyền thống lâu đời của nhiều người dân Vũng Tàu.
 
Người dân làng chài Bến Đình giặt lại lưới cá sau một chuyến đánh bắt ngoài khơi
 
Theo lịch sử ghi lại, đầu đời vua Minh Mạng (năm 1820), ba viên đội Phạm Văn Dinh, Lê Văn Lộc và Ngô Văn Huyền được phái đến Vũng Tàu trấn ải, lập đồn binh, dẹp yên nạn cướp biển. Từ chính sách “ngụ binh ư nông”, ba ông đội này lập ra ba làng (Tam Thắng) gồm: Thắng Nhất, Thắng Nhì, Thắng Tam. Năm 1836, Tam Thắng thuộc tổng An Phú Thượng, huyện Phước An. Ngày 1-5-1895, thực dân Pháp thành lập thành phố Cap Saint Jacques bao bồm ba làng Thắng. Năm 1898, con đường nối liền Bà Rịa với thành phố Cap Saint Jacques được hoàn thành. Cũng như các làng cá lâu đời của Bà Rịa- Vũng Tàu, Tam Thắng xưa (nay là TP. Vũng Tàu) có một đặc điểm là quá trình hình thành và phát triển gắn liền với quá trình tụ cư, mà trong đó chủ yếu là các quá trình di dân tự do từ các tỉnh miền Trung và Nam Trung bộ. Vì vậy, truyền thống văn hóa của các cộng đồng dân cư hội tụ về sinh sống ven biển TP. Vũng Tàu đã có tác động quan trọng trong việc hình thành các lễ hội cũng như nét văn hóa đặc trưng của ngư dân như lễ hội Nghinh Ông, lễ hội cầu an, lễ cúng biển, lễ mở biển…
 
Nghề cá không chỉ mang lại cơm ăn, áo mặc hàng ngày cho nhiều người dân Vũng Tàu sinh ra và lớn lên ở ven biển mà nghề cá còn giúp nhiều hộ dân làm giàu cho gia đình, quê hương, đất nước. Ông Cao Văn Rớt, ngư dân ở làng chài Bến Đá, 66 tuổi, kể: “Năm 1975, từ Cần Giờ tôi chuyển đến Vũng Tàu sinh sống và bám biển mưu sinh. Hồi đó cá tôm nhiều vô kể, chỉ cần ra biển 4-5km là cá đầy khoang. Cá đù, cá hố, cá đổng, cá phèn, mực ống, mực nang... đủ loại. Ngư dân đánh bắt được đem về bán cho Công ty Hải sản (thời đó thuộc Sở Thủy sản) rồi Nhà nước cấp lại dầu, ngư lưới cụ cho ngư dân ra khơi”. Cũng theo lời ông Rớt, biển không chỉ mang lại cá tôm, cung cấp nguồn thực phẩm hàng ngày cho gia đình, biển còn giúp ông từ tay trắng đi lên làm giàu. Năm 1990, khi điều kiện kinh tế khá giả, ông đóng mới tàu công suất 250CV đánh bắt xa bờ ở vùng biển Côn Đảo, Phú Quốc. Năm 2013, cậu con trai nối nghiệp ông, đầu tư gần 8 tỷ đồng đóng mới chiếc ghe lớn hơn với công suất 500CV, đánh bắt khu vực đảo Trường Sa. Mỗi chuyến đi biển của con trai ông Rớt kéo dài 1-2 tháng, thu hoạch 50-70 tấn các loại mực, cá...
 
Gia đình ông ba đời làm nghề biển, bản thân ông Phạm Thế Hiển (chủ tịch Hội Nông dân phường 3, TP. Vũng Tàu) cũng có hơn 40 năm gắn bó với biển khơi. Công việc đánh bắt xa bờ lênh đênh, vất vả và lắm hiểm nguy nhưng với ông Hiển “thuyền vẫn là nhà, biển cả là quê hương”. Đi bạn từ năm 15 tuổi nhưng nhiều năm sau đó ông Hiển mới sắm được một chiếc ghe nhỏ công suất 12 CV, đánh bắt ven bờ biển Vũng Tàu. Năm 1985, ông Hiển cùng chiếc ghe nhỏ bé này đã ra tận Trường Sa hỗ trợ xây dựng đảo chìm nhưng không may bị bão đánh chìm mất phương tiện. Đến năm 1990, ông Hiển sắm ghe lớn công suất 90 CV và bắt đầu đánh bắt xa bờ khu vực Đông Nam – Côn Sơn. Cứ thế, ông bám biển mưu sinh, bán ghe nhỏ, đổi mua ghe lớn và dần vươn ra biển xa. Năm 1994 là cột mốc quan trọng trong cuộc đời bám biển của ông. Năm đó, ông Hiển sắm ghe 350 CV rồi vươn ra, đánh bắt xa bờ ở khu vực nhà giàn DK1, Trường Sa… “Hồi đó, tôi làm thuyền trưởng. Tôi thuê thêm 11 người nữa cùng đi bạn. Cứ thế mỗi chuyến biển của tôi cả tháng mới vào bờ. Sản lượng thu được khoảng 10-15 tấn/chuyến, chủ yếu là cá ngừ”, ông Hiển kể. Nhưng với ông Hiển, biển không chỉ là nơi để mỗi chuyến đi ông mang về được bao nhiêu cá mà biển còn là một phần máu thịt của quê hương. Những ngư dân Vũng Tàu vừa khai thác hải sản nhưng vừa góp phần nhỏ bé của mình bảo vệ vùng lãnh hải quê hương.
 
Bài, ảnh: YẾN NHI
BBT.

 

 
 

Thông Tin Thời Tiết Thông Tin Thời Tiết

Ảnh đẹp Vũng Tàu Ảnh đẹp Vũng Tàu